Sổ tay: Từ an ninh mạng đến an toàn số

- Thứ Năm, 30/12/2021, 06:21 - Chia sẻ
Báo cáo an toàn số do Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông công bố vừa qua cho thấy, tiến trình chuyển đổi số sâu rộng đã mang lại những lợi ích về KT - XH, tuy nhiên cũng đặt ra các rủi ro lớn cho Việt Nam về an toàn, an ninh mạng. Trong đó, nổi lên các rủi ro: xâm phạm quyền riêng tư và khai thác trái phép dữ liệu cá nhân cho mục đích thương mại, phi thương mại; nội dung "xấu độc" trên môi trường mạng; đặc biệt là những rủi ro tiềm ẩn phát sinh từ các công nghệ số đến từ trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data), Internet vạn vật (IoT) vẫn chưa được hiểu biết thấu đáo, nhận diện rõ ràng.

Ba nhóm rủi ro mới trên không còn chỉ liên quan đến công nghệ, kĩ thuật, gây tổn thất vật lý đến an toàn cơ sở hạ tầng thông tin, vật chất, mà đã xâm phạm đến những khía cạnh mang tính nhân văn, xã hội sâu sắc. Thực tế cho thấy, các nguy cơ này đều có tác động đến các cá nhân, đặc biệt ở khía cạnh tinh thần, văn hóa, quyền con người. Hậu quả không chỉ là những tài khoản, thiết bị, hệ thống bị tấn công, mà là một xã hội số phát triển không lành mạnh, bị ô nhiễm bởi những hành vi thiếu văn hóa, lệch chuẩn, đạo đức không được tôn trọng.

Ở góc độ này, nhận thức về an toàn, an ninh mạng đã không còn giới hạn trong cách hiểu truyền thống “an ninh mạng” mà cần nhìn nhận dưới một khung khổ mới, toàn diện và cập nhật hơn, đó là khuôn khổ về “an toàn số”.

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, trong bối cảnh mở rộng nhanh chóng không gian mạng và kết nối qua Internet; bùng nổ thương mại điện tử và kết nối xã hội trên không gian mạng, thì người dân, doanh nghiệp, cơ quan Nhà nước ở Việt Nam còn những bỡ ngỡ nhất định trong nhận diện và thấu hiểu các rủi ro mới của an toàn số. Hiện, Việt Nam mới chỉ quan tâm đến tiếp cận chính sách cho an ninh mạng với 2 công cụ: pháp lý; bảo vệ hạ tầng thông tin, ứng phó với tấn công mạng.

Từ đó cho thấy, cần có một chiến lược quốc gia tổng thể để tiếp cận các rủi ro mà chuyển đổi số mang lại dưới góc độ toàn diện của an toàn số, thay vì an ninh mạng. Đồng thời cần xác định cốt lõi của xã hội số chính là công dân số, lấy con người và quyền con người làm trung tâm xây dựng chính sách và cơ chế thực thi chính sách, để các quyền lợi của công dân số được bảo đảm trong xã hội số đang hình thành. Muốn làm được điều này, việc truyền thông, giáo dục về quyền, kĩ năng sử dụng Internet an toàn nên là ưu tiên hàng đầu. Trong đó, chú trọng xây dựng chương trình truyền thông sâu rộng về an toàn số, văn hóa số để nâng cao nhận thức toàn dân về quyền công dân số, thế nào là hành xử văn minh trên môi trường số, cũng như những kĩ năng tư duy phản biện, thích nghi với sự phát triển của xã hội số.

Mặt khác, công nghệ số là vấn đề có tính chất toàn cầu, ngoài việc huy động doanh nghiệp và cá nhân người dùng tham gia thì việc kết nối, hợp tác quốc tế cần được phát huy. Đặc biệt với các rủi ro do các công nghệ và nền tảng công nghệ xuyên quốc gia như Google, Facebook, TikTok… thì từng quốc gia đơn lẻ sẽ khó đòi hỏi quyền lợi. Do đó để tiếng nói có trọng lượng hơn với các công ty công nghệ toàn cầu nhất thiết phải có sự hợp tác khu vực và quốc tế.

Đình Khoa