Trợ giúp pháp lý cho doanh nghiệp thời Covid-19

- Thứ Hai, 01/03/2021, 06:54 - Chia sẻ
Thông tin kịp thời các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đến doanh nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết các vướng mắc pháp lý phát sinh trong bối cảnh dịch Covid-19; tiếp thu những vướng mắc, ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp trong bối cảnh dịch Covid-19; đồng thời tổ chức các lớp bồi dưỡng chuyên đề pháp luật tại các địa phương là những hoạt động nhằm triển khai Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2021 - 2025 (Chương trình).

Theo nội dung được phê duyệt, Chương trình sẽ cung cấp thông tin pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa gồm: Xây dựng, quản lý, duy trì, cập nhật, khai thác và sử dụng một cơ sở dữ liệu về vụ việc, vướng mắc pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; cung cấp các chính sách, đề án, chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa của các bộ, ngành, địa phương; tiếp nhận 100% phản ánh từ doanh nghiệp nhỏ và vừa để đề xuất, kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết vướng mắc, hoàn thiện pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật hiệu quả.

Chương trình cũng thực hiện bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho tối thiểu 30% doanh nghiệp nhỏ và nhỏ; tối thiểu 60% người làm công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; đồng thời, tổ chức các hoạt động tư vấn pháp luật, gồm: Tư vấn trực tiếp cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; tư vấn pháp luật qua diễn đàn, đối thoại và các hoạt động tư vấn khác phù hợp với quy định của pháp luật nhằm bảo đảm 100% đề nghị tư vấn của doanh nghiệp nhỏ và vừa thông qua Chương trình được giải quyết hoặc kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền giải quyết.

Để triển khai Chương trình trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp, Ban Quản lý Chương trình đã tổ chức thực hiện xây dựng chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19 trên các phương tiện thông tin đại chúng. Chương trình tập trung vào một số nội dung chính, bao gồm: Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29.5.2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19; Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan. Đặc biệt, còn có hoạt động giải đáp những khó khăn, vướng mắc pháp lý của doanh nghiệp đang gặp phải trong quá trình sản xuất kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19 liên quan tới các quy định pháp luật về giải quyết tranh chấp hợp đồng, về đầu tư, tín dụng - ngân hàng, về thuế, phá sản, lao động, bảo hiểm xã hội...

Ở các địa phương, để hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển trong tình trạng bình thường mới, Ban quản lý đã phối hợp với chính quyền sở tại đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực như: Tổ chức lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật chuyên đề “Một số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa thúc đẩy phát triển trong bối cảnh Covid-19 (Quảng Ngãi); Lớp bồi dưỡng chuyên đề “Kỹ năng, nghiệp vụ hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp về pháp luật lao động và các chính sách, quy định hiện hành hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch Covid-19” (Quảng Bình)…

Có thể thấy được sự phản ứng kịp thời của Ban quản lý Chương trình cũng như các địa phương trong việc thực hiện trợ giúp pháp lý cho doanh nghiệp trong điều kiện bình thường mới. Tuy nhiên, để Chương trình thực sự là bà đỡ pháp lý cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, thiết nghĩ Bộ Tư pháp cần vận hành, cập nhật tốt cơ sở dữ liệu chung về pháp luật. Cơ sở dữ liệu này không chỉ dừng lại ở các văn bản quy phạm pháp luật mà phải cập nhật những vướng mắc pháp lý thực tế từ doanh nghiệp; các giải pháp tháo gỡ cụ thể, nhất là những vấn đề phát sinh trong hoạt động sản xuất kinh doanh do Covid-19, để doanh nghiệp có thể tự truy cập tìm hiểu, không chờ các lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức pháp luật.

Nguyễn Minh