Sở hữu trí tuệ góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia

- Thứ Hai, 25/01/2021, 16:52 - Chia sẻ
Trước tác động của quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế cùng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, sở hữu trí tuệ ngày càng đóng vai trò quan trọng trong phát triển khoa học công nghệ, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội. Các tài sản trí tuệ đã trở thành công cụ hữu hiệu giúp các doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh và xa hơn nữa là tạo động lực phát triển nền kinh tế của quốc gia.

Nguồn lực quan trọng để phát triển bền vững

Ngày nay, dư địa tăng trưởng dựa vào các nguồn lực lao động và tài nguyên không còn nhiều, Việt Nam bắt buộc phải phát triển kinh tế tri thức dựa vào tài sản trí tuệ để đạt được mục tiêu phát triển bền vững. Vì vậy, ngày 22.8.2019, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1068/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược sở hữu trí tuệ đến năm 2030. Đây là lần đầu tiên Việt Nam ban hành một chiến lược mang tầm quốc gia về sở hữu trí tuệ (SHTT), đánh dấu một bước phát triển mới trong lĩnh vực SHTT, khẳng định SHTT là công cụ quan trọng góp phần thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo cũng như phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước.

Có thể thấy, để đáp ứng nhu cầu của đất nước, hệ thống SHTT của Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, có khung pháp lý SHTT phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế; một mạng lưới các cơ quan - tổ chức có chức năng thực thi pháp luật SHTT; số lượng tài sản trí tuệ được tạo ra và bảo hộ không ngừng tăng lên; SHTT ngày càng được quan tâm…

Hội nghị tổng kết công tác năm 2020 và triển khai nhiệm vụ năm 2021 của Cục Sở hữu trí tuệ. Ảnh: MOST​​ 

Theo số liệu thống kê của Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ, số lượng đơn, bằng sáng chế và giải pháp hữu ích của tổ chức, cá nhân Việt Nam tăng đều trong những năm gần đây (trung bình 9,86%/năm đối với đơn nộp và 20,05%/năm đối với bằng được cấp trong giai đoạn 2006-2018). Nhiều doanh nghiệp lớn đã sở hữu trong tay một số sáng chế và rất nhiều nhãn hiệu được bảo hộ độc quyền. Nhiều viện trường đã kết nối với doanh nghiệp để ứng dụng các sáng chế, giải pháp hữu ích vào hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Đặc biệt, trong năm 2020, mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 nhưng lượng đơn xác lập quyền sở hữu công nghiệp (SHCN) vẫn tăng 1,7% (trong đó đơn sáng chế tăng 3,8%, đơn nhãn hiệu quốc gia tăng 4,3%, đơn đăng ký chỉ dẫn địa lý đạt mức cao nhất từ trước đến nay là 24 đơn). Kết quả xử lý đơn SHCN đạt mức khá (tăng 8,3% so với năm 2019); lượng văn bằng bảo hộ SHCN cấp ra tăng 15,6% so với năm 2019, trong đó giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý tăng gấp đôi, Bằng độc quyền sáng chế tăng 63% và giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tăng 14,8% so với năm 2019.

Trong khuôn khổ của Chương trình phát triển SHTT giai đoạn 2016-2020, đã có gần 200 sản phẩm nông nghiệp chủ lực, đặc thù của địa phương được hỗ trợ đăng ký bảo hộ quyền SHTT và đưa vào sản xuất kinh doanh. Nhiều sản phẩm sau khi được bảo hộ đã được người tiêu dùng biết đến rộng rãi, uy tín sản phẩm được nâng cao, giá trị sản phẩm gia tăng đáng kể như cam Cao Phong, nước mắm Phú Quốc, vải thiều Lục Ngạn, bưởi Năm Roi…

Công tác xây dựng pháp luật được thực hiện đúng tiến độ đề ra; việc triển khai Chiến lược SHTT quốc gia và Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đã giúp nâng cao vai trò, vị thế của KHCN ở các Bộ, ngành và địa phương. Công tác hội nhập và hợp tác quốc tế về SHTT được duy trì, đóng góp tích cực vào thực hiện nhiệm vụ đối ngoại của đất nước, của Bộ KHCN nói chung và của Cục nói riêng. Trong năm 2020, Việt Nam đã tổ chức tốt các hoạt động trong Năm ASEAN 2020; đảm nhiệm tốt vị trí Chủ tịch Nhóm công tác về SHTT của ASEAN.

Xây dựng văn hóa sở hữu trí tuệ

Mặc dù đạt được nhiều kết quả quan trọng hoạt động SHTT vẫn chưa đáp ứng được đầy đủ các đòi hỏi ngày càng cao của sự phát triển kinh tế - xã hội, chưa phát huy vai trò động lực cho phát triển KHCN và đổi mới sáng tạo.

Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ Đinh Hữu Phí cho rằng, đánh giá một cách khách quan thì hoạt động SHTT vẫn chưa đáp ứng được đầy đủ các đòi hỏi ngày càng cao của sự phát triển kinh tế - xã hội, chưa thực sự phát huy vai trò động lực cho phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Số lượng SHTT của Việt Nam, đặc biệt là sáng chế chưa nhiều, giá trị tài sản còn nhỏ, chưa có nhiều sản phẩm trí tuệ mang tính đột phá và có giá trị cạnh tranh trong khu vực cũng như trên phạm vi toàn cầu. Một nghiên cứu của Bộ Khoa học và Công nghệ cho thấy, những năm gần đây số lượng đơn sáng chế (bao gồm cả giải pháp hữu ích) nội địa tính trên đầu người của Việt Nam là khoảng 10 đơn/1 triệu dân.

Một trong số các hoạt động được tổ chức nhân ngày Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới để phổ biến và nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp về tầm quan trọng của sở hữu trí tuệ. Ảnh: ITN

Bên cạnh đó, việc thương mại hóa tài sản trí tuệ chưa được quan tâm, chủ yếu diễn ra ở phạm vi hẹp về ngành nghề, tập trung ở công nghệ của nước ngoài. Các sáng chế, công nghệ của Việt Nam chưa được thương mại hóa và chuyển giao, ứng dụng rộng rãi. Nguyên nhân chính do trình độ sáng tạo chưa cao, không đủ hấp dẫn dể kêu gọi đầu tư…

Các tài sản trí tuệ khác như nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý tăng nhiều trong những năm gần đây, tuy nhiên chưa có nhiều doanh nghiệp Việt Nam xây dựng được các thương hiệu mạnh, nhiều chỉ dẫn địa lý chưa phát huy được giá trị của mình

Những tồn tại, hạn chế này xuất phát từ việc nhận thức về việc sử dụng quyền SHTT làm công cụ phát triển KHCN và sản xuất kinh doanh còn hạn chế, do vậy các tổ chức, doanh nghiệp chưa quan tâm xây dựng chính sách SHTT hay quản lý tài sản trí tuệ; thiếu hụt về nguồn nhân lực có chuyên môn về SHTT, thiếu nguồn kinh phí hoạt động…

Theo Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ Phan Ngân Sơn, để thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo cũng như tạo ra nhiều tài sản trí tuệ có giá trị để phục vụ hữu hiệu cho phát triển bền vững, chúng ta cần có sự nỗ lực chung tay của tất cả các chủ thể. 

Một trong số các hoạt động được tổ chức nhân ngày Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới để phổ biến và nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp về tầm quan trọng của sở hữu trí tuệ. Ảnh: ITN

Để một hệ thống SHTT vận hành hiệu quả, ngoài việc thiết lập cơ chế chính sách đầy đủ để bảo hộ và thực thi quyền SHTT, không thể thiếu được sự tham gia tích cực và đúng hướng của các chủ thể trong hệ thống. Cũng như các lĩnh vực khác, để các chủ thể hiểu và áp dụng đúng các chuẩn mực về SHTT, cần tạo ra sự nhận thức một cách đầy đủ và đúng đắn về SHTT, bởi sở hữu trí tuệ tác động tới tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội và tác động tới tất cả các tổ chức, cá nhân trong xã hội. 

Cũng theo ông Phan Ngân Sơn, cần tiếp tục nâng cao nhận thức và hình thành văn hóa SHTT trong cộng đồng. Đặc biệt khối doanh nghiệp cần phát huy vai trò trung tâm trong việc tạo ra và khai thác SHTT, cùng đồng hành với các trường đại học, viện nghiên cứu để tạo ra những sản phẩm, công nghệ giải quyết các vấn đề thiết thực phục vụ phát triển bền vững.

Một trong các nhóm nhiệm vụ, giải pháp quan trọng để thực hiện các mục tiêu Chiến lược Sở hữu trí tuệ đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành theo Quyết định số 1068/QĐ-TTg ngày 22.8.2019 là “Hình thành văn hóa sở hữu trí tuệ trong xã hội”. Theo đó, cần tăng cường truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm nâng cao nhận thức về sở hữu trí tuệ, khuyến khích đổi mới sáng tạo; xây dựng ý thức tôn trọng và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, hình thành văn hóa sở hữu trí tuệ trong xã hội. Xây dựng và triển khai thực hiện các chương trình đào tạo, bồi dưỡng về sở hữu trí tuệ trong các cơ sở giáo dục và đào tạo, đặc biệt là các cơ sở giáo dục đại học.

Xuân Tùng