Sổ  tay: Nâng cao năng lực quản lý cho lao động nữ

- Thứ Bảy, 28/08/2021, 06:57 - Chia sẻ
Dự án “Bình đẳng giới và Giá trị mang lại” (Gender Equality and Returns - GEAR) là  một chương trình tư vấn đào tạo kỹ thuật, nâng cao năng lực quản lý sản xuất dành riêng cho nữ giới đang làm việc trong các nhà máy may mặc để nắm giữ các vị trí cấp cao hơn. Đồng thời góp phần nâng cao năng suất cho các dây chuyền sản xuất được Better Work Việt Nam phối hợp với Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) thực hiện tại Việt Nam từ năm 2019.

GEAR khởi đầu với một chương trình thí điểm tại 28 nhà máy ở Bangladesh, được điều chỉnh cho phù hợp với bối cảnh tại Việt Nam, và đã thí điểm tại 5 nhà máy ở khu vực phía Nam trong năm 2019. Dựa trên những phản hồi tích cực từ những nhà máy tham gia trong giai đoạn thí điểm, GEAR giúp các nhà máy ở phía Bắc cải thiện năng suất các chuyền sản xuất ở bằng cách trang bị cho nữ công nhân các kỹ năng cần thiết để trở thành "chuyền trưởng" (người đứng đầu dây chuyền sản xuất) trong giai đoạn từ tháng 6 đến tháng 10 năm 2020.

Theo đó, các nữ quản lý tương lai sẽ nắm bắt được các kỹ năng mềm và kiến thức kỹ thuật cần thiết để sẵn sàng đảm nhận vai trò quản lý chuyền sản xuất. Sau 6 tháng tham gia chương trình, sự cải thiện về các chỉ số, như hiệu suất chuyền, chất lượng, mức độ đa kỹ năng, số lượng dự án cải tiến, lộ trình thăng tiến… đã chứng minh rằng cách thức tiếp cận cũng như đặt niềm tin vào việc phát triển năng lực cho quản lý nữ là hiệu quả.

Chị Thân Thị Thủy, sau khi làm công nhân may được 2 năm được bổ nhiệm vào vị trí giám sát. Chị cho biết: "Tôi rất thành thục kỹ năng may vá, nhưng chưa tự tin về kỹ năng quản lý của mình". Sau khi tham gia chương trình đào tạo dành cho nữ công nhân triển vọng, chị được trang bị kiến thức mới về kỹ thuật và năng lực lãnh đạo, từ đó phát triển sự nghiệp của mình. Hiện, chị quản lý một dây chuyền may gồm 27 công nhân. “Tôi hướng dẫn từng thành viên trong dây chuyền để họ có thể xử lý ít nhất 2 quy trình, từ đó giảm tình trạng tắc nghẽn và nâng cao tay nghề", chị Thủy chia sẻ.

Tại 10 nhà máy may ở Việt Nam, những công nhân như chị Thân Thị Thủy đã được hưởng lợi từ Dự án GEAR. Các nữ giám sát viên tập sự đã tham dự khóa đào tạo về các chủ đề như quản lý sản xuất, đánh giá hiệu quả, quản lý nơi làm việc và kiểm soát chất lượng. Sau đó, để áp dụng kiến thức học được, họ sẽ thực hành tại nơi làm việc của mình và tham gia các buổi huấn luyện hàng tháng để trau dồi kỹ năng. Dự án đang gặt hái thành công, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, 8/10 nhà máy đã tăng tỷ lệ hiệu quả ở các dây chuyền do học viên GEAR giám sát, trung bình từ 74% (trước khi đào tạo) lên 83% (khi hoàn thành khóa huấn luyện). Ngoài ra, 7 nhà máy ghi nhận giảm được tỷ lệ sai sót.

Trong số 30 giám sát viên đã hoàn thành chương trình GEAR, 22 người đã được bổ nhiệm vào vị trí giám sát hoặc cấp cao hơn ngay sau khóa đào tạo, giúp tăng thu nhập và triển vọng nghề nghiệp cho bản thân. Ngoài ra, 21 giám sát viên hiện tại - cả người ít kinh nghiệm lẫn người dày dạn kinh nghiệm - đều được hưởng lợi từ GEAR khi nâng cao kiến thức và học hỏi các kỹ thuật quản lý mới.

Điều quan trọng là các học viên của GEAR tự tin hơn vào khả năng đưa ra quyết định và giao tiếp hiệu quả. Những kỹ năng này đặc biệt hữu ích trong bối cảnh đại dịch Covid-19, vì hoạt động của các nhà máy may mặc trên toàn cầu bị gián đoạn nghiêm trọng.

Phạm Hải