TP Hồ Chí Minh

Siết chặt xử lý rác thải điện tử

- Thứ Tư, 18/11/2020, 06:58 - Chia sẻ
Theo các chuyên gia, TP Hồ Chí Minh cần nêu cao vai trò của các cơ quan chức năng trong quản lý quá trình phát triển, nhân rộng công nghệ thu gom, tái chế rác thải điện tử an toàn, bảo đảm sức khỏe con người và môi trường sống. Đồng thời, nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng của việc thu gom và tái chế rác thải điện tử; lan tỏa thông điệp xanh, đẩy mạnh thu gom, thải bỏ và tái chế theo quy trình tiêu chuẩn quốc tế.

Lượng rác thải điện tử có xu hướng gia tăng

Với sự phát triển công nghệ, lượng rác thải điện tử đang tăng dần lên mỗi năm, trở thành nỗi lo và mối nguy hiểm đối với môi trường. Rác thải điện tử là rác thải của tất cả các loại thiết bị điện tử khác nhau từ máy tính, điện thoại di động đến các thiết bị gia đình như lò vi sóng, lò nướng, bàn ủi, bếp điện, tivi, radio...

Rác thải điện tử có xu hướng tăng mạnh trong những năm gần đây
Nguồn: ITN

Trong năm 2019, thế giới đã thải ra môi trường khoảng 53,6 triệu tấn rác thải điện tử và chỉ 17% trong số đó được tái chế. Thực tế cho thấy, số lượng rác thải điện tử xuất hiện nhiều hơn mỗi ngày. Theo thống kê của Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc, mỗi người dân Việt Nam thải ra trung bình 1,3kg rác thải điện tử mỗi năm, tương đương 116.000 tấn. Hiện rác thải điện tử chiếm khoảng 2% tổng số rác thải hiện nay.

Số liệu thống kê từ Viện Khoa học và Công nghệ môi trường, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cũng cho thấy, năm 2010 nước ta có khoảng hơn 3,77 triệu thiết bị điện và điện tử gia dụng bị thải ra với trọng lượng ước tính khoảng 113.000 tấn. Hiện, mỗi năm Việt Nam phát sinh khoảng 100.000 tấn rác thải điện tử. Ước tính đến năm 2025, riêng lượng rác thải là ti vi có thể lên tới 250.000 tấn. Trong đó, tại TP Hồ Chí Minh số lượng rác thải điện tử có xu hướng gia tăng theo từng năm.

Các chuyên gia cho hay, những yếu tố dẫn đến thực trạng này là thu nhập tăng, dân số trẻ bùng nổ, sản phẩm lỗi thời nhanh chóng do công nghệ cải tiến, mẫu mã thay đổi. Trong khi đó, các thiết bị điện tử không còn giá trị sử dụng ở nước ta đang bị bỏ chung với rác thải sinh hoạt để xử lý chôn lấp hoặc đốt. Cả 2 phương pháp này đều sai, bởi các chất thải như chì, thủy ngân, đồng, niken, bari hay arsen có rất nhiều trong các thiết bị điện tử không được phân hủy sẽ rò rỉ ra môi trường, rất nguy hiểm. Đặc biệt, pin là loại rác thải độc hại nhất, trong pin có các kim loại nặng như chì, thủy ngân, kẽm, cadmium… cực độc, nếu đi vào cơ thể con người, có thể gây rối loạn hoặc ngưng các phản ứng sinh hóa bình thường, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh ung thư, đường hô hấp, tim mạch và thần kinh…

Khẳng định tầm quan trọng của thu gom và tái chế

Năm 2014, Chính phủ chỉ đạo giải quyết nạn gia tăng lượng rác thải điện tử và mong muốn xây dựng quy trình tái chế rác thải điện tử chuyên nghiệp, thay thế các phương pháp tái chế không đạt tiêu chuẩn, từ đó ngăn chặn tác động tiêu cực đến sức khỏe và môi trường. Để đáp ứng yêu cầu này, các nhà sản xuất cùng nhau thiết lập và tham gia vào quy trình thu hồi, tái chế rác thải điện tử. Đây được xem là việc làm rất cần thiết, giúp cải thiện môi trường.

Trong những năm gần đây, nhiều tổ chức quốc tế kêu gọi cộng đồng cần hành động để làm nổi bật sự cần thiết của chiến lược can thiệp trong lĩnh vực rác thải điện tử. Trong đó, nêu cao vai trò của chính phủ các nước trong việc quản lý quá trình tái chế; phát triển, nhân rộng công nghệ thu gom, tái chế rác thải điện tử an toàn, bảo đảm sức khỏe con người và môi sinh.

Đơn cử, Việt Nam Tái Chế (Vietnam Recycles - VNTC) là tổ chức thực hiện việc thu hồi và xử lý miễn phí rác thải điện tử, trong đó có hỗ trợ xử lý pin đã qua sử dụng. Chương trình này được cung cấp và tài trợ bởi các nhà sản xuất điện tử. Trong những năm gần đây, VNTC đã kết hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh và 10 trường đại học phát động nhiều chương trình thu gom rác thải điện tử, hướng dẫn cách sử dụng, loại bỏ các thiết bị điện tử đã qua sử dụng một cách thân thiện với môi trường.

VNTC cũng đã lập 10 điểm thu gom rác thải điện tử tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh để tạo điều kiện cho người dân dễ dàng thải bỏ rác thải điện tử một cách có trách nhiệm. Tuy nhiên, khối lượng thiết bị điện tử đã được thu gom vẫn chỉ là con số quá nhỏ so với hơn 90.000 tấn rác thải điện tử mà nước ta thải ra mỗi năm. Do vậy, VNTC và Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh đã phối hợp với các trường đại học nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc thu gom và tái chế rác thải điện tử thân thiện với môi trường; cùng lan tỏa thông điệp xanh, đẩy mạnh thu gom các thiết bị điện tử thải bỏ và tái chế theo quy trình tiêu chuẩn quốc tế.

Ngoài ra, để giải quyết vấn đề rác thải điện tử tại TP Hồ Chí Minh, nhiều ý kiến cho rằng 3T gồm Tiết giảm, Tái chế, Tái sử dụng vẫn là giải pháp hữu hiệu. Người dân cần có ý thức nhiều hơn trong việc thải bỏ cũng như tác động tiêu cực của rác thải đến môi trường; thường xuyên cập nhật với chính quyền địa phương về quy định hướng dẫn việc thải bỏ những chất thải này; bám sát thông tin ở khu phố về những điểm thu gom rác thải điện tử để thực hiện đúng cách.

Lê Chi