Siết chặt sân golf!

- Chủ Nhật, 11/04/2021, 09:18 - Chia sẻ
Thời gian gần đây, ước tính cứ 2 tuần Việt Nam có thêm một sân golf được cấp phép. Thông tin được ông Phạm Thành Trí, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch golf Việt Nam chia sẻ với báo chí khiến chúng ta không khỏi lo ngại, nếu không được thẩm định, kiểm soát kỹ, có thể dẫn đến tình trạng “lạm phát” sân golf.

Sự ưu ái của điều kiện tự nhiên, địa hình đã tạo điều kiện cho Việt Nam phát triển du lịch sân golf. “Giải thưởng golf thế giới”(World Golf Award) - giải thưởng uy tín nhất trong lĩnh vực du lịch golf nhằm vinh danh những sân golf có chất lượng, đẳng cấp hàng đầu thế giới đã từng vinh danh Việt Nam là “Điểm đến golf tốt nhất châu Á”. Đây là điều kiện thuận lợi để Việt Nam phát triển loại hình du lịch golf - một xu hướng du lịch rất hấp dẫn thị trường hiện nay.

Không thể phủ nhận những đóng góp tích cực của ngành du lịch golf mang lại cho ngành du lịch nước nhà. Tuy vậy, đã có thời điểm phát triển quá “nóng”, thiếu kiểm soát sân golf đã gây nên nhiều hệ lụy.

Để phát huy hiệu quả kinh tế của sân golf, Quyết định số 1946/QĐ-TTg của Thủ tướng (ngày 26.11.2009) về việc phê duyệt Quy hoạch sân golf Việt Nam đến năm 2020 đã quy định rất rõ: xây dựng sân golf phải bảo đảm phân bố hợp lý trên các vùng và cả nước; sử dụng tiết kiệm, hiệu quả đất đai góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, du lịch, thể thao, dịch vụ của các địa phương. Xây dựng sân golf phải theo quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đặc biệt, các dự án sân golf không được sử dụng đất lúa, đất màu và đất quy hoạch xây dựng khu công nghiệp; khu đô thị; đất rừng (đặc biệt là rừng phòng hộ, rừng đặc dụng).

Quy định cụ thể, chặt chẽ là vậy, nhưng quá trình triển khai phát triển sân golf thời gian qua đã có không ít sai phạm xảy ra. Không ít trường hợp phá rừng làm sân golf làm phá vỡ cảnh quan môi trường, như trường hợp phá rừng phòng hộ làm sân golf kết hợp resort ở Phú Yên trước đây là một ví dụ.

Hay mới đây, Thanh tra Chính phủ có Thông báo Kết luận số 238/TB-TTCP về việc chấp hành pháp luật trong quản lý và sử dụng đất đai, trong đó có đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường quốc doanh. Theo đó, một trong những sai phạm về quản lý đất đai xảy ra tại Hòa Bình đó là UBND tỉnh đã phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 dự án sân golf Hòa Bình trên diện tích 140,13 ha đất trồng rừng của Công ty Lâm nghiệp Hòa Bình. Việc phê duyệt quy hoạch này là chưa đúng với Quyết định số 1946/QĐ-TTg ngày 26.11.2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch sân golf Việt Nam đến năm 2020, Thanh tra Chính phủ nêu rõ.

Đây chỉ là một trong những sai phạm đã xảy ra trong quá trình phê duyệt, xây dựng sân golf xảy ra thời gian qua. Điều này có nguyên nhân buông lỏng quản lý, phớt lờ quy định pháp luật của các cơ quan có thẩm quyền. Cũng có những sân golf "nửa vời" là hậu quả của việc quản lý sân golf bằng quy hoạch. Bởi thực tế có những sân golf dù nằm trong quy hoạch nhưng không đủ điều kiện kinh doanh. Trong khi có những nhà đầu tư tiềm năng nhưng là “người đến sau” không được phép đầu tư vì dự án đã được nằm trong quy hoạch trước đó. Hậu quả, hàng nghìn ha rừng bị chảy máu, đất nông nghiệp bị thu hồi. Người dân không có đất để sản xuất, gây lãng phí rất lớn nguồn lực đất đai.

Để chấm dứt tình trạng “trăm hoa đua nở” sân golf, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 52/2020/NĐ-CP về đầu tư xây dựng và kinh doanh sân gôn. Ngoài ra, Nghị định quy định nhà đầu tư thực hiện dự án sân golf phải đáp ứng 3 điều kiện. Đó là, đáp ứng điều kiện về năng lực tài chính và các điều kiện cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án sân golf theo quy định của pháp luật về đất đai; phải ký quỹ bảo đảm thực hiện dự án (đối với trường hợp phải ký quỹ). Đặc biệt, nhà đầu tư cũng phải có giải pháp, kế hoạch và cam kết hỗ trợ tái định cư, đào tạo, sử dụng lao động phù hợp cho người đang sử dụng khu đất dự kiến thực hiện dự án sân golf và người lao động tại địa phương.

Quy định pháp luật về đầu tư, xây dựng sân golf đã có. Việc còn lại là thực thi nghiêm quy định pháp luật của các cơ quan có thẩm quyền. Cùng với đó là xử lý nghiêm nếu để vi phạm xảy ra. Tránh tình trạng “nhắm mắt phê duyệt liều” gây lãng phí đất đai. Bởi xét đến cùng, phê duyệt xây dựng sân golf để phát triển kinh tế địa phương, không phải phê duyệt để xí phần hay để phục vụ cho mục đích nào đó.

Lê Hùng