Siết chặt phòng, chống dịch tại công trường cao tốc Bắc - Nam

- Thứ Tư, 02/06/2021, 17:31 - Chia sẻ
Tại công trường dự án cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây và Vĩnh Hảo - Phan Thiết, các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 được siết chặt cả trong và ngoài giờ làm việc.
Đề xuất cơ chế đặc thù cho nguồn vật liệt đắp đất dự án cao tốc Bắc - Nam
Cần có cơ chế đặc thù về nguồn vật liệu cho dự án cao tốc Bắc - Nam

Phòng chống dịch là ưu tiên hàng đầu

Tổng công ty Thăng Long cho biết, dự án cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây đi qua Đồng Nai liền kề với TP Hồ Chí Minh - điểm nóng dịch Covid -19, vì vậy công tác phòng chống dịch được ưu tiên hàng đầu.

Theo đó, các mũi thi công được rải đều tại nhiều vị trí, thời gian thi công được bố trí thích hợp, không tập trung quá đông. Một mũi thi công từ 5 - 7 người để đảm bảo phòng chống dịch.

Về tình hình triển khai dự án, đại diện Ban Quản lý dự án Thăng Long cho biết hiện có 62 mũi thi công trên toàn tuyến và dự án vẫn đang bám sát tiến độ.

Ngoài việc đối phó với dịch Covid - 19 phức tạp, hiện khó khăn lớn nhất vẫn là nguồn vật liệu đất đắp nền K95, K98. Trên địa bàn có 3 mỏ trong quy hoạch nhưng chưa hoàn thiện được thủ tục cấp phép. Việc thiếu nguồn vật liệu sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ dự án. Nhân lực, máy móc đã được huy động đến công trường đầy đủ phải nằm chờ mặt bằng và nguồn cung vật liệu. Bên cạnh đó, quá trình thi công đang gặp khó vì mùa mưa đến sớm ảnh hưởng đến việc đúc cấu kiện, dầm bê tông thi công cầu.

Đoạn cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết do Liên danh Nhà thầu Vinaconex - Trung Chính đảm nhiệm thi công, có chiều dài 35,33km đi qua hai huyện Cẩm Mỹ, Xuân Lộc và TP. Long Khánh của Đồng Nai cũng đã lộ hình hài. Các nhà thầu bố trí hàng chục mũi thi công trên công trường, công tác phòng chống dịch cũng được giám sát chặt. Khi vào ca, công nhân đều phải kiểm tra thân nhiệt, đeo khẩu trang, giữ khoảng cách an toàn lúc thi công.  

Tuy nhiên, dự án đang gặp khó khăn do vướng 23 đường dây điện trung thế nằm trực tiếp trên công trình cầu, cống, đường của gói thầu. Đường dây điện dân sinh còn vướng 26 điểm. Hiện, gói thầu thiếu hàng triệu khối đất đắp, giá thép tăng đột biến cũng cản trở tiến độ thi công.

Đảm nhận 11 mũi thi công đào, đắp nền đường và phần cầu trên tuyến tại cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết và 10 mũi thi công ở cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, nhà thầu Cienco 8 đã huy động số lượng lớn máy móc, thiết bị và nhân lực đến công trường nhưng một số mũi đang phải thi công cầm chừng bởi không có đất để thi công nền đường. Đơn vị đã rất nỗ lực xoay xở đủ mọi cách, sẵn sàng chấp nhận mua giá cao nhưng không có đất để mua.

Tương tự, Vinaconex khi đảm nhiệm thi công 2 gói thầu lớn nhất tại dự án cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây cũng gặp khó khăn với nhu cầu sử dụng đất đắp khổng lồ.

Đại diện Vinaconex cho biết, tổng nhu cầu đất đắp tại 3 gói thầu này gần 8 triệu m3, nhưng đến nay nhà thầu mới ký được hợp đồng với các chủ mỏ với khối lượng chưa tới 300 nghìn m3, còn thiếu hơn 7 triệu m3 do không có nguồn cung. Các mỏ trong quy hoạch cung cấp vật liệu cho dự án trên địa bàn hai tỉnh Đồng Nai và Bình Thuận chưa được cấp phép dù hai dự án đã triển khai thi công 7 - 8 tháng. Đặc biệt, tại Đồng Nai, trong phạm vi thi công không có bất cứ mỏ đất nào đang khai thác.

Cần có cơ chế đặc thù về vật liệu cho dự án 

Theo Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông, để tháo gỡ khó khăn về nguồn vật liệu đất đắp thi công cao tốc Bắc - Nam, Bộ Giao thông – Vận tải đang làm việc với chính quyền các địa phương nơi dự án đi qua để đẩy nhanh thủ tục gia hạn khai thác đối với những mỏ còn trữ lượng nhưng hết hạn khai thác và cấp phép nâng công suất cho các mỏ đang khai thác.

Bộ Giao thông – Vận tải cũng làm việc với Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất Thủ tướng Chính phủ các cơ chế đặc thù về nguồn vật liệu đất đắp cho dự án cao tốc Bắc - Nam. Hiện nay, Thủ tướng đang chỉ đạo các cơ quan liên quan xem xét đề xuất của Bộ Giao thông – Vận tải, Bộ Tài nguyên và Môi trường nhằm tháo gỡ vướng mắc, khó khăn về vật liệu cho dự án.

Đại diện Vinaconex cho biết thủ tục cấp phép khai thác mỏ đất theo Luật Khoáng sản không khác gì quy trình cấp phép khai thác mỏ vàng, trải qua nhiều công đoạn nhiêu khê, kéo dài. Thời gian ngắn nhất để cấp phép một mỏ đất từ 6 - 8 tháng, có địa phương còn kéo dài đến hơn 2 năm, trong khi thời gian thi công các gói thầu cao tốc Bắc - Nam chỉ có 24 tháng.

Doanh nghiệp này kiến nghị Chính phủ xem xét cơ chế đặc thù, giao trực tiếp các khu vực mỏ đất nằm trong quy hoạch cho nhà thầu, chủ đất khai thác để phục vụ thi công cao tốc Bắc - Nam và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước. Đồng thời, Chính phủ cho phép sử dụng đất tận thu, cải tạo đất nông nghiệp tại khu vực xung quanh dự án, có chất lượng đảm bảo theo yêu cầu kỹ thuật để làm vật liệu đắp cho cao tốc Bắc - Nam .

 ____________

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị Quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

Vũ Quang