Siết chặt kỷ luật lập pháp

- Thứ Hai, 31/05/2021, 06:46 - Chia sẻ
Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản về việc triển khai ngay kết luận, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại buổi làm việc với Bộ Tư pháp. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố kịp thời xử lý văn bản trái pháp luật, xử lý trách nhiệm tổ chức, cá nhân liên quan đến việc ban hành văn bản trái luật. Điều này thể hiện quyết tâm của người đứng đầu Chính phủ trong việc siết chặt kỷ luật, kỷ cương lập pháp.

Hệ thống pháp luật bảo đảm tính thống nhất, khả thi cao nhằm tạo hành lang pháp lý ổn định, bền vững để phát triển kinh tế, xã hội. Sự thống nhất của hệ thống pháp luật sẽ giúp cho người thực thi, đối tượng chịu sự tác động dễ hiểu, dễ áp dụng, dễ thực hiện và tuân thủ. Tuy vậy, thực tế cho thấy, dù không nhiều nhưng trong quá trình xây dựng pháp luật, vẫn còn những “hạt sạn”. Đó là giữa văn bản luật và văn bản hướng dẫn, chi tiết vẫn còn những điểm vênh.

Tình trạng văn bản trái luật được nhắc đến nhiều suốt thời gian qua là một điểm yếu trong công tác xây dựng pháp luật. Theo báo cáo của Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp, đánh giá hậu quả, tác hại của việc ban hành văn bản trái pháp luật trong đó, chỉ tính năm 2018, Cục này đã phát hiện 5.639 văn bản trái pháp luật. Trong số này, 1.236 văn bản quy phạm pháp luật trái pháp luật về thẩm quyền ban hành và nội dung; 3.829 văn bản quy phạm pháp luật sai sót về căn cứ pháp lý, thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản.

Văn bản trái luật cũng được chỉ ra trong báo cáo tổng hợp kết quả giám sát văn bản quy phạm pháp luật trong nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XIV (từ đầu nhiệm kỳ đến hết Kỳ họp thứ Tám) của Tổng Thư ký Quốc hội. Theo đó, qua giám sát vẫn còn một số văn bản có dấu hiệu chưa bảo đảm tính thống nhất với hệ thống pháp luật. Trong đó, 8 nghị định chứa nội dung có dấu hiệu trái với luật của Quốc hội; 7 nghị định và 3 thông tư quy định không đúng nội dung luật giao, chưa thống nhất với hệ thống pháp luật; 1 nghị định quy định khác với quy định tại Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài…

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến những “hạt sạn” trong xây dựng, ban hành văn bản hướng dẫn, chi tiết thời gian qua. Có thể do năng lực còn hạn chế của những người trực tiếp tham gia soạn thảo, thẩm định. Có thể do người đứng đầu chịu trách nhiệm chưa thực sự quan tâm đến công tác này, đôi khi phó mặc cho chuyên viên trong quá trình xây dựng văn bản hướng dẫn. Và không thể không nói đến trách nhiệm của cơ quan thẩm định là Bộ Tư pháp, chưa phát huy hết trách nhiệm “gác cổng” khi vẫn để lọt những văn bản đáng tiếc này.

Ngoài ra, còn một nguyên nhân khác nữa, đó là việc xử lý trách nhiệm cá nhân, cơ quan giao chủ trì soạn thảo, thẩm định để xảy ra các văn bản trái luật vẫn là khoảng trống. Dù rằng, gần đây, một số địa chỉ ban hành văn bản trái pháp luật cũng đã được chỉ ra trong một số báo cáo, nhưng việc xử lý trách nhiệm vẫn bỏ ngỏ. Điều này phải sớm được khắc phục. 

Để không còn tình trạng văn bản hướng dẫn trái luật, ngoài nâng cao trình độ cán bộ làm công tác pháp chế của các bộ, ngành, cơ quan thẩm định, rất cần cơ chế xử lý trách nhiệm nghiêm minh đối với cơ quan, cá nhân được giao nhiệm vụ này. Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải trực tiếp phụ trách, chỉ đạo công tác xây dựng thể chế, pháp luật, tránh tình trạng “đẽo cày giữa đường”. Thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương về công tác xây dựng pháp luật, tăng cường trách nhiệm giải trình của cơ quan chủ trì soạn thảo, nhất là đối với ý kiến thẩm định của cơ quan tư pháp.

Việc Thủ tướng yêu cầu xử lý trách nhiệm tổ chức, cá nhân liên quan đến việc ban hành văn bản trái luật sẽ là một trong những biện pháp mạnh nhằm ngăn chặn tình trạng văn bản luật một đằng, hướng dẫn một nẻo. Đây cũng là biện pháp hữu hiệu nhằm siết chặt kỷ luật, kỷ cương lập pháp.

Hà An