Công tác Kiểm toán Nhà nước nhiệm kỳ 2016 – 2021

Siết chặt kỷ luật, kỷ cương quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công

- Thứ Năm, 25/03/2021, 11:01 - Chia sẻ
Tiếp tục phiên làm việc sáng nay, 25.3, Quốc hội đã nghe Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc trình bày Báo cáo công tác nhiệm kỳ của Kiểm toán Nhà nước; Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Đức Hải trình bày Báo cáo thẩm tra Báo cáo công tác nhiệm kỳ của Kiểm toán Nhà nước.

Kiến nghị xử lý tài chính gần 354.000 tỷ đồng

Tổng Kiểm toán Nhà nước (KTNN) Hồ Đức Phớc cho biết, với quyết tâm cao, Ban cán sự Đảng, Đảng ủy, lãnh đạo KTNN đã quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt và tổ chức thực hiện các nghị quyết, chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; tập trung nâng cao chất lượng kiểm toán trên cơ sở thực hiện các giải pháp đột phá về siết chặt kỷ luật, kỷ cương, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao chất lượng đội ngũ, kiện toàn, sắp xếp lại tổ chức, không ngừng đổi mới phương pháp, cách thức kiểm toán; làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, nhất là giáo dục về phẩm chất liêm chính, bản lĩnh, văn hóa ứng xử, đạo đức nghề nghiệp, lối sống, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên. 

Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc trình bày báo cáo

KTNN luôn quan tâm đến công tác xây dựng và hoàn thiện cơ sở pháp lý cho tổ chức và hoạt động của KTNN. Ngay từ năm 2016, để triển khai thi hành Luật KTNN năm 2015, thực hiện Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2020, KTNN đã ban hành Kế hoạch xây dựng và hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quản lý liên quan đến hoạt động của KTNN. Kết quả, đã ban hành 32 văn bản quy phạm pháp luật và 57 văn bản quản lý nội bộ, trong đó đã xây dựng và ban hành mới hệ thống 39 Chuẩn mực KTNN theo chuẩn quốc tế ISSAI phù hợp với đặc thù của Việt Nam.

Công tác xây dựng kế hoạch kiểm toán có nhiều đổi mới cả về nội dung và cách thức tổ chức thực hiện, chất lượng ngày càng được nâng cao, bám sát các định hướng lớn của Đảng, Nhà nước, các vấn đề được dư luận xã hội quan tâm, các vấn đề có rủi ro cao về quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công theo hướng ngày càng khoa học, minh bạch và công khai. Ngoài kế hoạch kiểm toán hàng năm đã được phê duyệt theo Luật KTNN, KTNN thực hiện nhiệm vụ kiểm toán theo yêu cầu của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; xem xét, quyết định việc kiểm toán khi có đề nghị của các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan, tổ chức không có trong kế hoạch kiểm toán năm của KTNN.

Công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành hoạt động kiểm toán với nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt và sát hợp, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả, hiệu lực hoạt động kiểm toán. Việc chỉ đạo điều hành hoạt động kiểm toán của Tổng KTNN trong giai đoạn 2016 - 2021 được thực hiện quyết liệt, thường xuyên và liên tục; kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn phát sinh trong quá trình thực hiện kiểm toán; tăng cường kiểm tra, giám sát các đoàn kiểm toán trong suốt quá trình kiểm toán nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động kiểm toán.

Thực hiện Kế hoạch kiểm toán với nhiều kết quả nổi bật, góp phần quan trọng hoàn thiện cơ chế chính sách, phòng ngừa, ngăn chặn tham nhũng, lãng phí và siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công. Trong nhiệm kỳ, KTNN kiến nghị xử lý tài chính 353.733 tỷ đồng; chuyển 20 vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan Cảnh sát điều tra để điều tra làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật, 2 vụ việc đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an điều tra xử lý; cung cấp 498 hồ sơ, báo cáo kiểm toán và các tài liệu liên quan cho cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, cơ quan điều tra và các cơ quan nhà nước khác có thẩm quyền; kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ 786 văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quản lý sai quy định hoặc không phù hợp với quy định chung của Nhà nước và thực tiễn, góp phần làm lành mạnh nền tài chính quốc gia.

Về kết quả thực hiện kiến nghị kiểm toán: Nhiệm kỳ 2016 - 2021, số kiến nghị về xử lý tài chính của KTNN đã được các đơn vị thực hiện là 237.578 tỷ đồng, đạt 73,6% tổng số kiến nghị; có 136/786 văn bản đã được Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương thực hiện hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung theo kiến nghị của KTNN. 

Trong nhiệm kỳ tới,  KTNN tiếp tục rà soát, hoàn thiện cơ sở pháp lý cho tổ chức và hoạt động của KTNN để cụ thể hóa Hiến pháp, Luật KTNN và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật KTNN tương xứng với vị trí, vai trò của là cơ quan thực hiện kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Quyết liệt đổi mới nội dung, phương pháp kiểm toán nhằm nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả và chất lượng hoạt động kiểm toán: Nâng cao năng lực kiểm toán đối với quyết toán ngân sách nhà nước các bộ, cơ quan trung ương và quyết toán ngân sách địa phương các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; tăng cường các cuộc kiểm toán hoạt động, kiểm toán chuyên đề; kiểm toán các chuyên đề lớn đối với việc quản lý, điều hành ngân sách nhà nước, những vấn đề dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng, lãng phí; xây dựng phương án tổ chức kiểm toán hàng năm khoa học và chặt chẽ, chú trọng kết hợp, lồng ghép các cuộc kiểm toán, điều hành hoạt động kiểm toán theo hướng linh hoạt; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thanh tra, kiểm tra của Đảng và Nhà nước trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn; không ngừng nâng cao chất lượng kiểm toán, rút ngắn thời gian kiểm toán; tăng cường áp dụng các phương pháp kiểm toán theo thông lệ quốc tế và công nghệ thông tin hiện đại dựa trên nền tảng dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo, tạo động lực đột phá nâng cao hiệu quả kiểm toán…

Tỷ lệ thực hiện kiến nghị chưa cao

Đoàn ĐBQH Hà Giang
Đoàn ĐBQH Hà Giang

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Đức Hải nêu rõ, trong nhiệm kỳ vừa qua, với sự cố gắng, nỗ lực, KTNN đã từng bước khẳng định vị thế là cơ quan kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công do Quốc hội thành lập, là công cụ của Nhà nước trong kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công. Ủy ban Tài chính – Ngân sách cơ bản nhất trí với những nhận định, đánh giá trong Báo cáo của KTNN, Báo cáo đã thể hiện tương đối đầy đủ kết quả đạt được trong hoạt động của KTNN.

Ủy ban Tài chính – Ngân sách cũng đề nghị KTNN lưu ý một số vấn đề như, chưa đảm bảo 100% báo cáo tài chính của các Bộ, cơ quan Trung ương và Báo cáo quyết toán các địa phương được kiểm toán thường xuyên hàng năm theo yêu cầu của Luật Ngân sách Nhà nước. Tỷ lệ thực hiện kiến nghị về xử lý tài chính tăng song vẫn còn nhiều kiến nghị chưa được thực hiện (bình quânđạt 73,6%). Thực hiện kiến nghị liên quan đến hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung văn bản còn thấp (136/786 văn bản kiến nghị), thấp hơn so với nhiệm kỳ trước. Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách lưu ý: “KTNN cần báo cáo rõ hơn vướng mắc, nguyên nhân khách quan, chủ quan dẫn đến tỷ lệ thực hiện kiến nghị của KTNN chưa cao; đề xuất giải pháp cụ thể để xử lý triệt để. Trường hợp cần thiết cần tổng hợp danh sách các đơn vị không thực hiện hoặc thực hiện chưa đầy đủ, kịp thời kiến nghị kiểm toán, đề xuất phương án xử lý để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội để xử lý”.

Việc công khai Báo cáo kiểm toán cơ bản đã được thực hiện theo quy định, tuy nhiên hiệu quả, tính lan tỏa còn hạn chế; việc tiếp cận, khai thác thông tin, kết quả kiểm toán còn chưa thuận lợi, dễ dàng đối với các đối tượng theo quy định. Do vậy, KTNN cần đa dạng các hình thức công khai theo quy định của Luật KTNN, nhất là công khai kết quả kiểm toán các cuộc kiểm toán, công khai kết quả kiểm toán trên trang thông tin điện tử của KTNN. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kiểm toán đã có bước tiến đáng kể nhưng cần tiếp tục triển khai quyết liệt để rút ngắn thời gian kiểm toán tại đơn vị được kiểm toán; quản lý chặt chẽ kết quả kiểm toán, kiểm toán viên; tăng số cuộc kiểm toán tại trụ sở KTNN.

Tiếp tục triển khai sớm ban hành các văn bản quy định chi tiết Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN, đặc biệt là quy trình kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng, quy định để xử lý vi phạm hành chính trong hoạt động kiểm toán, quy định về kiểm tra đối chiếu, quy định việc truy cập dữ liệu điện tử tại đơn vị kiểm toán. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống chuẩn mực, quy trình, hướng dẫn kiểm toán để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ kiểm toán các doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ, kiểm toán hoạt động, kiểm toán chuyên đề.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách cũng đề nghị, KTNN phân tích rõ hơn giải pháp, yếu tố tác động, mối liên hệ với việc chấn chỉnh kỷ luật tài chính, ngân sách của quốc gia để đạt được kết quả kiến nghị xử lý tài chính bằng 3,5 lần so với nhiệm kỳ trước, tránh hiểu lầm kiến nghị kiểm toán tăng đồng nghĩa với kỷ luật tài chính, ngân sách đi xuống…

Hoàng Ngọc