“Sếu đầu đàn” cần cách tiếp cận mới

- Thứ Ba, 29/12/2020, 06:22 - Chia sẻ
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xây dựng Đề án Phát triển doanh nghiệp nhà nước quy mô lớn hay còn gọi là các “sếu đầu đàn” nhằm dẫn dắt các ngành kinh tế trọng điểm. Dự thảo đề xuất 3 “sếu đầu đàn” đặc biệt quan trọng cho 3 lĩnh vực là Viettel, gắn với công nghiệp quốc phòng; Mobifone gắn với lĩnh vực viễn thông; và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) gắn với lĩnh vực năng lượng.

Dù định hướng cần các doanh nghiệp lớn để dẫn dắt và đóng vai trò trụ cột cho các ngành kinh tế quan trọng là hợp lý, nhưng cách tiếp cận, cách làm cần có những tư duy mới để tránh lặp lại thất bại của các tập đoàn kinh tế quốc doanh trong hơn 10 năm qua.

Trước khi tính đến giải pháp, cần đánh giá và nhìn nhận một cách thẳng thắn vào hiệu quả đạt được của các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước trong giai đoạn dài vừa qua, đặc biệt đặt trên tương quan so sánh với các doanh nghiệp tư nhân khác trong ngành. Dù kỳ vọng và nguồn lực đổ vào các tập đoàn kinh tế, các tổng công ty nhà nước là rất lớn, nhưng như Dự thảo văn kiện đại hội XIII của Đảng đánh giá, về tổng thể kết quả kinh doanh của doanh nghiệp này vẫn còn hạn chế. Thực tế, nhiều doanh nghiệp quản trị thiếu hiệu quả, kinh doanh thua lỗ nặng, không những không phát huy được vai trò "chủ đạo" mà còn cần đến sự trợ giúp của Chính phủ để có thể tồn tại, điển hình là các tập đoàn Vinashin, Vinaline, Tập đoàn Hóa chất...

Trong khi đó, với những điều kiện kém thuận lợi hơn, một số doanh nghiệp lớn của Việt Nam vẫn có sự phát triển ấn tượng và vươn lên dẫn đầu ngành, ví dụ Masan trong công nghiệp thực phẩm và hàng tiêu dùng, Trường Hải trong công nghiệp ô tô, Vingroup trong bất động sản, công nghệ... Dù vẫn cần nghiên cứu kỹ lưỡng các bằng chứng, bài học về thành công, thất bại, nhưng thực tế này là tiền đề để cân nhắc cách tiếp cận mới: “sếu đầu đàn” có nhất thiết phải là doanh nghiệp nhà nước hay là doanh nghiệp tư nhân thành công và có năng lực cũng có thể đảm đương vai trò đó và nhận được những “phần thưởng” và khích lệ tốt hơn?

Nhìn nhận trên tổng thể bối cảnh mới của nền kinh tế lẫn bối cảnh về mức độ hội nhập và cam kết pháp lý khi Việt Nam tham gia sâu rộng các hiệp định thương mại và đầu tư, rõ ràng cách tiếp cận mới là cần thiết.

Thứ nhất, nguồn lực từ Nhà nước để hỗ trợ về tài chính, về tài sản (như đất đai, tài nguyên thiên nhiên) không còn dồi dào như 10 năm trước, khi nợ công đã tăng cao. Việt Nam không còn được ưu đãi về vay vốn quốc tế, tài nguyên đã phân phối xong về cơ bản.

Thứ hai, các cam kết về bình đẳng và cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trong nước và quốc tế trong nhiều ngành nghề cũng hạn chế rất nhiều khả năng áp dụng các rào cản kỹ thuật để bảo hộ doanh nghiệp trong nước. Sự kết hợp hai yếu tố này cho thấy dư địa để thiết kế các chính sách hỗ trợ không còn nhiều.

Và yếu tố thứ ba cần nói thêm là sự trưởng thành vượt bậc của các doanh nghiệp tư nhân trong nước cho thấy vai trò tham gia của doanh nghiệp lớn vào các điều tiết vĩ mô khi cần thiết là đáng kể. Điều này cho thấy để đóng vai trò “sếu đầu đàn” không nhất thiết phải là “nhà nước” hay “không nhà nước” mà quan trọng hơn là cách Chính phủ dẫn dắt và hợp tác với doanh nghiệp lớn trong nước để đạt các mục tiêu vĩ mô.

Khi bối cảnh đã có những sự thay đổi căn bản, mục tiêu chính sách dù tham vọng lớn “sếu đầu đàn” hay “nắm đấm thép” cần tính tới tiếp cận mới. Ở thời điểm này, đối xử bình đẳng giữa tư nhân và Nhà nước, lấy thước đo hiệu quả đặt lên hàng đầu nên là nguyên tắc để thiết kế chính sách mới.

Cẩm Phô