“Sẽ vất vả nếu chúng ta chủ quan”

- Thứ Tư, 26/08/2020, 08:02 - Chia sẻ
“Một người đi đẻ, cả họ đi theo”, “diện tích bệnh viện chỉ bằng một thôn nhưng số người đến khám bằng một xã, mật độ người cực kỳ dày”, “một bệnh viện mà 2 phường quản lý” - Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương Trần Danh Cường cho biết, đó là những khó khăn trong thực hiện công tác phòng chống dịch Covid-19 theo quy định.

Từ tháng 2 cho đến nay, Bệnh viện Phụ sản Trung ương đã tổ chức phân luồng khám chữa bệnh, tiếp nhận, phân loại bệnh nhân, khám sàng lọc và cách ly các ca nghi ngờ, chưa ngừng ngày nào. “Nhiều người trách tôi khắt khe quá, gây rắc rối cho việc khám chữa bệnh. Nhưng khi dịch Covid-19 vẫn chưa được kiểm soát hoàn toàn, thì chúng tôi vẫn phải thực hiện. Sẽ rất vất vả nếu chúng ta chủ quan,” - bác sĩ Trần Danh Cường nhấn mạnh.

Thực tế, bệnh viện là nơi cần được quan tâm hàng đầu trong việc đối phó với dịch bệnh Covid-19 bởi đây là nơi có hàng nghìn người, từ nhiều địa phương khác nhau đến khám mỗi ngày. Khi có ca nhiễm trong bệnh viện, sẽ có hàng nghìn người liên quan đến các ca bệnh. Do đó, chỉ cần một trường hợp sơ suất, lơ là, bệnh viện chính là nơi nguy cơ lây nhiễm và phát tán dịch bệnh.

Hà Nội xác định các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh là nơi có nguy cơ lây nhiễm cao do số lượng người bệnh đến khám, chữa bệnh lớn của thành phố và các tỉnh, thành phố khác về khám, chữa bệnh tại Hà Nội. Vì vậy, trong những ngày qua, lãnh đạo UBND thành phố, Sở Y tế Hà Nội đã tổ chức nhiều đoàn kiểm tra các bệnh viện trong và ngoài công lập trên địa bàn. Thành phố đã kiểm tra 46/80 bệnh viện, kết quả có 36/46 bệnh viện an toàn, 7/46 bệnh viện an toàn ở mức thấp, 3/46 bệnh viện không an toàn.

Ba bệnh viện tại Hà Nội là Mắt Sài Gòn - Hà Nội, Mắt HiTec và Mắt Việt Nhật đã được yêu cầu tạm dừng hoạt động khám chữa bệnh để tổ chức lại công tác phòng chống dịch Covid-19. Cùng với đó, nhiều bệnh viện khác bị phê bình, nhắc nhở và yêu cầu chấn chỉnh. Đây là biện pháp mạnh cần thiết trong thời điểm dịch Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp hiện nay, trong đó, sự lây nhiễm trong môi trường bệnh viện là rất đáng lo ngại.

Mặc dù Hà Nội cũng là địa phương đầu tiên trên cả nước đưa ra quy định cấm người nhà vào thăm bệnh, yêu cầu siết chặt vấn đề khám sàng lọc, kiểm soát chặt chẽ người ra vào, thực hiện khai báo y tế ngay từ đợt dịch lần thứ nhất và duy trì đến nay, tuy nhiên, vẫn còn một số đơn vị còn chủ quan, lơ là. Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Thận Hà Nội, một số khoa của Bệnh viện Đức Giang, Xanh Pôn, Huyết học - Truyền máu Trung ương… bị phong tỏa là bài học cần được rút kinh nghiệm sâu sắc trong công tác phòng chống dịch.

Mới đây nhất là trường hợp bệnh nhân tại Bệnh viện E, dù đã được Bộ Y tế rút ra khỏi danh sách những người mắc Covid-19 và cho phép bệnh viện hoạt động trở lại. Tuy nhiên, việc bệnh nhân đi qua 4 khoa, phòng ở bệnh viện này cũng rất đáng lo ngại. Thậm chí, khi khám xong, bệnh viện còn cho bệnh nhân về nhà. Do đó, có đến 10 trường hợp F1 tại gia đình và hàng xóm tiếp xúc với bệnh nhân này. Đây là bài học để các bệnh viện sớm có biện pháp phòng ngừa cũng như nghiêm túc thực hiện việc bảo đảm an toàn, phân luồng trong công tác khám, chữa bệnh.

Từ những trường hợp trên cho thấy, phải coi những người bệnh đến khám, cấp cứu, bệnh nhân mới ở tất cả các cơ sở khám chữa bệnh như là đối tượng có khả năng truyền bệnh, triệu chứng, các vấn đề liên quan Covid-19 để các bệnh viện nâng cao cảnh giác, không bỏ sót, không kịp phát hiện cũng như lây nhiễm chéo trong cơ sở y tế. Đây là việc quan trọng nhằm bảo toàn lực lượng, tránh như một số trường hợp bệnh viện vừa qua khi có ca dương tính thì toàn bộ bệnh viện phải đóng cửa, không có đủ nhân lực.

Để thực hiện tốt điều này, mỗi bệnh viện tự đánh giá mức độ an toàn theo các tiêu chí của Bộ Y tế, nếu chưa đạt yêu cầu phải tiếp tục nâng mức an toàn lên cao hơn. Đặc biệt lưu ý các tiêu chí về sàng lọc và phân luồng, phòng ngừa lây nhiễm trong bệnh viện, quản lý an toàn người bệnh, người nhà bệnh nhân, quản lý an toàn nhân viên y tế. Đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc tuân thủ của các bệnh viện, gắn trách nhiệm của người đứng đầu bệnh viện về công tác phòng, chống dịch. Từ đó xử lý nghiêm cá nhân, tập thể nếu để xảy ra sai phạm trong công tác phòng, chống dịch.

Duy Anh