Sẽ thành lập đơn vị độc lập đánh giá trữ đường trong mía

- Thứ Sáu, 28/01/2022, 06:27 - Chia sẻ
Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho biết đang sửa đổi quy định về mua bán mía giữa nhà máy và nông dân. Theo đó, sẽ thành lập những đơn vị độc lập để giám sát, đánh giá trữ lượng đường trong mía để nông dân yên tâm và minh oan cho doanh nghiệp làm ăn chân chính. Bởi theo phản ánh của người trồng mía, khó khăn lớn nhất là họ không biết chính xác trữ đường trong cây mía của mình.
	Ngành mía đường cần được cạnh tranh công bằng, minh bạch Nguồn: ITN
Ngành mía đường cần được cạnh tranh công bằng, minh bạch
Nguồn: ITN

Diện tích trồng mía giảm một nửa

Báo cáo của Forest Trends và Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI) vừa công bố cho thấy, diện tích trồng mía tại Việt Nam là khoảng 151 nghìn hecta, sụt giảm gần gấp đôi so với năm 2017; năng suất giảm từ 64,8 tấn/ha xuống còn 61,5 tấn/ha trong cùng giai đoạn. Sản xuất trong nước giảm từ 1,24 triệu tấn/năm còn 770 nghìn tấn/năm. Đến nay, có 9/38 nhà máy đường phải đóng cửa. Do lượng cung trong nước không đủ đáp ứng cầu tiêu dùng giai đoạn 2017 - 2020, Việt Nam phải nhập khẩu 1,2 - 1,8 triệu tấn đường/năm, trong đó nhập khẩu chính ngạch chiếm 30 - 90% tùy theo năm.

Theo ông Nguyễn Văn Lộc, Tổng thư ký Hiệp hội Mía đường Việt Nam, nguyên nhân dẫn đến sự suy giảm cả về quy mô và sản lượng của ngành mía đường là do phải chịu áp lực cạnh tranh rất lớn với đường nhập khẩu. Báo cáo về điều tra về chống bán phá giá, chống trợ cấp của đường xuất xứ Thái Lan của Cục Phòng vệ thương mại năm 2021 kết luận: đường phá giá trợ cấp từ Thái Lan là nguyên nhân gây hậu quả nghiêm trọng cho ngành mía đường, dẫn đến sụt giảm một nửa diện tích trồng mía và rất nhiều nhà máy thua lỗ.

Bên cạnh đó, nội tại ngành mía đường cũng gặp nhiều khó khăn, chuỗi liên kết chưa thật sự bền vững, nguyên liệu đầu vào không bảo đảm, chi phí sản xuất, chế biến và quản lý sản xuất cao…

Trong bối cảnh như vậy, có dự báo cho rằng Việt Nam sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào đường nhập khẩu trong thời gian tới. Tuy nhiên, theo ông Lộc, sau khi thiết lập hàng rào phòng vệ thương mại, ngành mía đường sẽ bắt đầu giai đoạn hồi phục. (Sau quá trình điều tra kỹ lưỡng, ngày 15.6.2021, Bộ Công thương định áp dụng mức thuế phòng vệ thương mại 47,64% đối với một số sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan nhập khẩu vào Việt Nam). Những năm sắp tới, đường sản xuất trong nước không đủ đáp ứng nhu cầu, Việt Nam vẫn sẽ nhập khẩu nhưng với năng lực sản xuất sau phục hồi, nguồn cung sẽ nhiều hơn và giảm dần lệ thuộc vào đường nhập khẩu.

Minh bạch thu nhập từ phụ phẩm

Theo phản ánh của nông dân trồng mía, hiện nay có những nhà máy thu mua chưa tới 1 triệu đồng/1 tấn mía sau đo đạc. Trữ lượng đường giữa nhà máy đường và hộ trồng mía đem phân tích chênh lệch từ 1,8 - 4,6/tấn mía là con số đáng báo động, bởi với 1 tấn mía thu được mà mức chênh lệch trữ đường là 4 - 5 thì coi như nông dân mất trắng.

Bên cạnh đó, các nhà máy tính giá thu mua mía chỉ dựa theo giá đường. Sản phẩm sau đường được bao nhiêu thì các doanh nghiệp không công khai mà nông dân lại không biết được. Nếu các nhà máy cứ lấy lợi nhuận của mình đặt lên hàng đầu thì ngành mía đường sẽ không thể phát triển bền vững.

Trước thực tế này, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho biết đang sửa đổi quy định về mua bán mía giữa nhà máy và nông dân. Theo đó, sẽ thành lập những đơn vị độc lập để giám sát, đánh giá trữ lượng đường để nông dân yên tâm cũng như minh oan cho các doanh nghiệp hoạt động chân chính.

Nhiều chuyên gia cho rằng, nếu ngành mía đường muốn hướng tới mục tiêu phát triển bền vững cần có những thay đổi ở tầm vĩ mô như thay đổi đa giá trị, thúc đẩy quá trình cạnh tranh công bằng, minh bạch.

Phó Viện trưởng Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam Đào Thế Anh cho rằng, Việt Nam có nhiều cây trồng đã cạnh tranh tốt với Thái Lan nên không có lý do gì ngành đường không cạnh tranh được. Để làm được điều đó, ngành phải xác định phát triển theo hướng đa giá trị thay vì chỉ chú tâm đến các sản phẩm từ đường. Nhấn mạnh vai trò của phát triển kinh tế tuần hoàn, vị chuyên gia này cho rằng các doanh nghiệp cần ứng dụng công nghệ số để minh bạch thông tin về thu nhập từ phụ phẩm. Hiệp hội Mía đường Việt Nam cũng cần nâng cao vai trò giám sát, xác định trữ lượng đường. Về phía cơ quan quản lý nhà nước cần có thêm các cơ chế, chính sách khuyến khích nông dân vào hợp tác xã để chuyển giao khoa học công nghệ, cơ giới hóa… để nông dân có tiếng nói trong chuỗi giá trị mía đường.

Ông Nguyễn Văn Lộc cho biết, ngành mía đường đã thay đổi rất lớn những năm gần đây, trước khi chịu tác động của đường phá giá, ngành đã tái cơ cấu, nhà máy nào yếu thì đóng cửa, vùng nào năng suất thấp đã không trồng nữa, nhưng có lẽ thay đổi vẫn chưa thật sự tốt. Thời gian tới, ngành sẽ tiếp tục nỗ lực nâng cao hơn nữa năng lực cạnh tranh, xây dựng chuỗi liên kết bền vững. Ở thời điểm hiện tại, ngành mía đường cần được bảo đảm điều kiện cạnh tranh công bằng, minh bạch với bạn bè trong khu vực.

Hạnh Nhung