Đối thoại với nhân dân các xã trong vùng ảnh hưởng môi trường từ Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn

Sẽ lựa chọn chính sách có lợi nhất cho người dân

- Thứ Bảy, 31/10/2020, 06:05 - Chia sẻ

Thành phố sẽ giao, đôn đốc Sở Xây dựng thường xuyên kiểm tra, quan trắc đo mức độ ô nhiễm hàng ngày và công bố công khai để người dân nắm được; giám sát chặt việc vận chuyển rác tại Khu liên hợp xử lý chất thải (LHXLCT) Sóc Sơn để hạn chế và giảm thiểu tối đa ô nhiễm môi trường; sẽ vận dụng tất cả cơ chế chính sách thuộc thẩm quyền, lựa chọn chính sách có lợi nhất cho người dân… quyết tâm không để xảy ra sự cố môi trường nào liên quan, dù là sự cố nhỏ nhất.

Đó là những cam kết, giải pháp được đưa ra tại Hội nghị đối thoại của Thường trực Thành ủy Hà Nội với nhân dân 3 xã Hồng Kỳ, Nam Sơn, Bắc Sơn - những xã nằm trong vùng ảnh hưởng môi trường từ Khu liên hợp xử lý chất thải (LHXLCT) Sóc Sơn diễn ra chiều qua, 30.10.

Nâng mức hỗ trợ cho người dân vùng ảnh hưởng môi trường

Thời gian gần đây, trên địa bàn huyện Sóc Sơn có tình trạng một số người dân ở các xã Nam Sơn, Hồng Kỳ đã căng lều, bạt ngăn cản xe chở rác di chuyển vào 2 cổng của Khu LHXLCT Sóc Sơn. Đây là lần thứ 2 trong năm 2020 và là lần thứ 15 trong những năm qua người dân địa phương ngăn cản xe vào Khu LHXLCT. Nguyên nhân chủ yếu do người dân bức xúc về tình trạng ô nhiễm tăng cao tại khu vực xung quanh Khu LHXLCT, nhất là tại khu vực thuộc địa bàn 3 xã Hồng Kỳ, Nam Sơn, Bắc Sơn. Trong khi đó, các chính sách liên quan đến công tác GPMB phục vụ cho giai đoạn 2 của dự án Khu LHXLCT còn nhiều bất cập; một số kiến nghị liên quan đến vấn đề môi trường, bảo hiểm y tế, cung cấp nước sạch… chưa được xử lý thấu đáo.

Tại buổi đối thoại, nhiều ý kiến cho rằng chính sách đền bù, hỗ trợ cho những hộ dân bị ảnh hưởng môi trường bởi Khu LHXLCT hiện bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế
Ảnh: P.Long

Trước bức xúc của người dân, Thường trực Thành ủy Hà Nội đã tổ chức hội nghị để tìm ra giải pháp giải quyết căn cơ tận gốc của vấn đề. Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Mạnh Hùng (xã Nam Sơn) đề nghị thành phố xem xét nâng mức hỗ trợ vùng ảnh hưởng môi trường bởi Khu LHXLCT do mức hỗ trợ hiện quá thấp, trong khi vùng ảnh hưởng ô nhiễm có bán kính rộng lớn. Bên cạnh đó, người dân tại 3 xã đều mong muốn thành phố chỉ đạo các đơn vị sớm đẩy nhanh tiến độ hỗ trợ thẻ bảo hiểm y tế, cấp nước sạch và nạo vét, cải tạo, kè cứng suối Lai Sơn; sớm công khai kết quả quan trắc môi trường để nhân dân kiểm tra, giám sát. Đặc biệt, người dân đề xuất thành phố cần tăng cường kiểm tra, giám sát quy trình vận hành của Khu LHXLCT theo quy định, nếu có sai phạm phải xử lý nghiêm trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có liên quan.

Riêng đối với nhóm vấn đề liên quan đến công tác GPMB, một số ý kiến cho rằng UBND thành phố cần sớm ra quyết định đầu tư xây dựng khu tái định cư cho các hộ dân thuộc diện phải GPMB phục vụ cho giai đoạn 2 của Khu LHXLCT, trong đó cần công khai mức giá khu tái định cư để người dân được biết. Ngoài ra, trong khi chờ đợi đầu tư tái định cư, thành phố sớm phê duyệt phương án đền bù theo biên bản đã kiểm đếm và chi trả cho người dân, cho nhân dân tạm cư tại chỗ. Đáng chú ý, người dân xã Bắc Sơn đề nghị thành phố nghiên cứu, xem xét chính sách, áp dụng chế độ đặc thù đối với dự án di dân vùng ảnh hưởng môi trường, giải quyết các nội dung bất cập hiện nay trong công tác GPMB để bảo đảm quyền lợi cho người dân di chuyển, tránh tình trạng tái nghèo sau khi di chuyển... Ngoài ra, người dân tại 3 xã đều mong muốn thành phố đầu tư cho vùng ảnh hưởng môi trường các tuyến đường giao thông nông thôn, đầu tư lại hệ thống kênh mương phục vụ sản xuất.

Đối với vấn đề giá đất, nhiều ý kiến đề nghị UBND thành phố cần nhất quán trong việc áp dụng các chính sách đền bù GPMB; đồng thời, xem xét điều chỉnh giá các loại đất và có chính sách hỗ trợ ngoài đối với các trường hợp đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vượt hạn mức 400m2 so với các quy định hiện hành... "Thành phố cần có chính sách đặc thù hỗ trợ, đền bù đối với cây trồng hoa màu, đất trồng cây lâu năm, đất lâm nghiệp... sát với giá trị thực tế" - ông Nguyễn Văn Chính (xã Bắc Sơn) đề xuất.

Thành lập Tổ công tác giải quyết kiến nghị của người dân

Làm rõ một số vấn đề được đặt ra, Phó chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Quốc Hùng khẳng định: Quan điểm xuyên suốt của thành phố là vận dụng tối đa các chính sách có lợi cho người dân. Trong đó, những nội dung nào thuộc thẩm quyền thành phố đều đã có hướng giải quyết, tháo gỡ. Đối với những nội dung vượt thẩm quyền, Hà Nội sẽ trình các bộ, ngành xem xét.

"UBND thành phố tới đây sẽ giao, đôn đốc Sở Xây dựng thường xuyên kiểm tra, quan trắc đo mức độ ô nhiễm hàng ngày và công bố công khai để người dân nắm được. Đồng thời, thành phố sẽ giám sát chặt việc vận chuyển rác tại Khu LHXLCT để hạn chế và giảm thiểu tối đa ô nhiễm môi trường; sẽ trích ngân sách để tiến hành phun khử khuẩn... Hà Nội quyết tâm không để xảy ra sự cố môi trường nào liên quan đến Khu LHXLCT, dù là sự cố nhỏ nhất" - Phó chủ tịch UBND thành phố cam kết.

Kết luận buổi đối thoại, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong đã chia sẻ những khó khăn, vất vả với người dân sống quanh Khu LHXLCT, đặc biệt là địa bàn 3 xã Nam Sơn, Bắc Sơn và Hồng Kỳ. "Đây là sự hy sinh rất lớn của người dân để đóng góp chung vào công tác vệ sinh môi trường của thủ đô" - ông Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh. Phó Bí thư Thành ủy cho rằng, việc xử lý bài toán rác thải không phải một sớm một chiều, tuy nhiên, quan điểm của thành phố là sẽ vận dụng tất cả các cơ chế, chính sách thuộc thẩm quyền, lựa chọn chính sách có lợi nhất cho người dân. "Việc người dân kiến nghị những nguyện vọng của mình là hoàn toàn bình thường và hợp pháp. Tất cả các cơ quan chức năng phải có trách nhiệm tiếp nhận và trả lời, giải quyết. Tuy nhiên, việc người dân kéo ra chặn xe, ngăn không cho bãi rác hoạt động là hành vi vi phạm pháp luật, cần phải nhắc nhở, tránh tái diễn trong thời gian tới" - Phó bí thư Thành ủy lưu ý.

Thời gian tới, UBND các xã và huyện Sóc Sơn sẽ tiếp tục tiếp nhận tất cả những kiến nghị của người dân, chia ra những nhóm. Đáng chú ý, thành phố đã thống nhất đồng ý chủ trương về cấp thẻ bảo hiểm y tế cho người dân ngoài khu vực bán kính 1km. Tuy nhiên, giới hạn đến đâu, như thế nào, bao nhiêu hộ được hưởng, thành phố giao UBND huyện Sóc Sơn, các sở ngành thống nhất đề xuất. "Đặc biệt, Hà Nội đã thành lập Tổ công tác do Phó chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Quốc Hùng làm Tổ trưởng để tập trung giải quyết kiến nghị của bà con" - ông Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh.

PHI LONG (HUỲNH PHI LONG)