Sẽ có Bộ tứ của Trung Đông?

- Thứ Bảy, 23/10/2021, 05:43 - Chia sẻ
Chủ nghĩa đa phương truyền thống đang đứng trước áp lực đổi mới. Điều này có thể dẫn đến sự ra đời nhiều hơn nữa của các hình thức liên minh kiểu Bộ Tứ trên thế giới. Thực vậy, sau Đối thoại An ninh Tứ giác Ấn Độ - Thái Bình Dương gồm Australia, Ấn Độ, Nhật Bản và Mỹ, dường như có một tứ giác thứ hai đang được hình thành ở Trung Đông.
Nguồn: AFP

Tứ giác Ấn Độ, Israel, UAE và Mỹ

Theo The Diplomat, cuộc họp khai mạc giữa các Ngoại trưởng Ấn Độ, Israel, Các Tiểu vương quốc Ảrập thống nhất (UAE) và Mỹ mới đây được coi là bước phát triển quan trọng. Hôm 20.10, Ngoại trưởng Ấn Độ S. Jaishankar và Ngoại trưởng Israel Yair Lapid tham gia trực tiếp, trong khi Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Ngoại trưởng UAE Sheikh Abdullah bin Zayed Al Nahyan dự bằng hình thức trực tuyến. Bộ trưởng Jaishankar đã có chuyến thăm kéo dài tới Israel, và tham gia cuộc họp từ đây. Thật trùng hợp, hai nhà phân tích Ấn Độ nổi tiếng từng đề cập đến khả năng của một Bộ tứ mới như vậy một ngày trước đó (19.10). Còn có một điều thú vị nữa là, các Ngoại trưởng của ba thành viên trong tứ giác mới này đã cùng nhau nhóm họp vào tuần trước tại Washington để xem xét tiến trình của Hiệp định Abraham giữa Israel và UAE, được ký kết vào tháng 8.2020.

Lợi ích của liên minh

Theo các nhà phân tích quốc tế, tứ giác mới này quan trọng vì 4 lý do. Trước tiên, Chính quyền của Tổng thống Joe Biden rõ ràng đang muốn có các hành động đáp trả Trung Quốc ở nhiều khu vực. Washington đã tái thúc đẩy sự can dự của mình mạnh mẽ hơn vào Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Thực tế, đất nước cờ hoa không chỉ làm sâu sắc thêm Bộ tứ Ấn Độ - Thái Bình Dương mà còn thành lập AUKUS (liên minh an ninh mới gồm Mỹ, Anh và Australia). Cả hai nhóm trên đều phản ánh ý định rõ ràng của chính quyền Mỹ đương nhiệm trong việc đối phó với thách thức từ Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương. Việc thành lập một Bộ tứ mới ở Trung Đông thể hiện thừa nhận rằng, thách thức từ đất nước gấu trúc vượt ra ngoài Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, sang các khu vực khác.

Thứ hai, quan điểm tương tự dường như cũng thúc đẩy sự tham gia của Ấn Độ. Sau cuộc đối đầu ở Galwan vào năm 2020 và việc Trung Quốc tiếp tục không khoan nhượng dọc theo Đường kiểm soát thực tế (LAC), Ấn Độ trở nên nhiệt tình hơn nhiều đối với Bộ tứ Ấn Độ - Thái Bình Dương. Lưu ý rằng sự nhiệt tình này từng biến mất sau cuộc đối đầu Doklam năm 2017. Trên thực tế, sau sự kiện đó, Ấn Độ và Trung Quốc đã tổ chức hai hội nghị thượng đỉnh lãnh đạo không chính thức tại Vũ Hán và Mamallapuram để cố gắng giải quyết những khác biệt giữa họ. Có thể, kết quả của những nỗ lực này đã khiến Ấn Độ ghìm lại nỗ lực khởi động lại sáng kiến ​​Bộ tứ. Vì thế, việc Ấn Độ tham gia Bộ tứ Trung Đông mới cho thấy New Delhi cũng hiểu rằng thách thức từ Trung Quốc mà họ phải đối mặt không chỉ đối với phía Bắc và phía Đông mà còn đối với phía Tây của Ấn Độ. Thực tế, Trung Quốc đã mở rộng phạm vi hoạt động tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương ở phía Đông sang phía Tây và xa hơn nữa, trong khi Ấn Độ nằm ở giữa Ấn Độ Dương. Sau khi Mỹ rút quân khỏi Afghanistan, Trung Quốc - quốc gia giáp biên giới với Afghanistan - đang phát huy ảnh hưởng ở nước này và còn có ý định thể hiện sức mạnh vươn xa hơn nữa.

Điểm thứ ba là cả Ấn Độ và Mỹ đều nhận ra rằng, họ cần nhau để đối mặt với những thách thức trên của Trung Quốc. Mỹ luôn cảm thấy thoải mái khi tham gia với các đối tác khác trên nhiều khu vực, nhưng Ấn Độ chưa bao giờ là một trong số đó. Tuy nhiên, sức nặng của Ấn Độ giờ đây khiến họ trở thành đối tác có giá trị đối với Mỹ không chỉ ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mà còn ở các khu vực khác. Ngược lại, Ấn Độ cũng nhận ra rằng hợp tác với Mỹ là cần thiết để cố gắng chống lại ảnh hưởng đang lan rộng của Bắc Kinh. Nó cũng phản ánh sự thoải mái ngày càng tăng của Ấn Độ trong quan hệ với Mỹ, cũng như tin tưởng của họ đối với Washington, làm lu mờ dự đoán rằng việc Mỹ rút khỏi Afghanistan sẽ dẫn đến tình trạng mất lòng tin vào năng lực và cam kết của đất nước cờ hoa ở những nơi khác.

Điểm thứ tư theo các nhà phân tích là những nhóm Bộ tứ, cả ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và Trung Đông, phản ánh hiểu biết rằng thách thức Trung Quốc không chỉ là quân sự mà còn là vấn đề rộng lớn hơn bao gồm các khía cạnh chính trị và kinh tế. Trên thực tế, ảnh hưởng kinh tế và chính trị của Trung Quốc ở Trung Đông, đặc biệt là ở Israel và UAE, đang tăng lên mặc dù cả hai đều là đối tác an ninh thân thiết của Mỹ.

Cuối cùng, Israel và UAE đều là những đối tác tốt của cả Ấn Độ và Mỹ. Đất nước đông dân nhì thế giới và đất nước cờ hoa tận hưởng mối quan hệ song phương nồng ấm với cả Israel và UAE, vốn là khía cạnh cần thiết để xây dựng một tứ giác Trung Đông. Chưa hết, cả hai đều là các cường quốc công nghệ mới nổi. Sức mạnh công nghệ của Israel trong các lĩnh vực quân sự và dân sự được nhiều người biết đến. Dù ít được biết đến hơn, nhưng UAE cũng đang chuẩn bị cho những tiến bộ công nghệ trong các lĩnh vực như thám hiểm ngoài không gian. Chuyến thăm dò sao Hỏa gần đây của UAE qua tàu vũ trụ Hope, là trường hợp điển hình. Ngoài ra, Hiệp định Abraham đã đưa Israel và UAE xích lại gần nhau, do đó giải quyết một số khó khăn trong việc xây dựng một liên minh Trung Đông.

Tuy nhiên, không giống như ở Bộ tứ ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, Bộ tứ Trung Đông (nếu được thành lập) nhiều khả năng ít tham gia quá sâu vào các cuộc cạnh tranh khu vực, thay vào đó là tập trung hợp tác trong các lĩnh vực quan trọng như năng lượng, y tế, kinh tế và biến đổi khí hậu. Trong các phát biểu về cuộc họp nói trên, tuyên bố của Mỹ không đề cập các vấn đề an ninh ngoài cụm từ “an ninh hàng hải”. Tuyên bố sau cuộc họp của 4 Ngoại trưởng cũng nhấn mạnh đến tình trạng biến đổi khí hậu và đại dịch Covid-19.

Linh Anh