Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính

Sẽ áp dụng theo Luật nào?

- Thứ Sáu, 23/10/2020, 06:31 - Chia sẻ
Trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính trình Quốc hội, quy định về người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên thuộc trường hợp bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc được viện dẫn thực hiện theo quy định của Luật Phòng, chống ma túy. Chính phủ không đồng tình với việc viện dẫn theo luật khác trong xử lý đối tượng này, và đây cũng là vấn đề còn ý kiến khác nhau khi đưa ra Quốc hội thảo luận trong phiên họp trực tuyến sáng qua.

Bỏ hai đối tượng áp dụng biện pháp xử lý hành chính

Theo Báo cáo Giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính, việc đưa người nghiện ma túy dưới 18 tuổi và từ đủ 18 tuổi trở lên vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đều sẽ không là một biện pháp xử lý vi phạm hành chính, và không được quy định trong dự án Luật này.  Lý do bởi, với người nghiện ma túy dưới 18 tuổi, việc áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc không bị coi là việc xử lý hành chính nên chỉ quy định trong Luật Phòng, chống ma túy. Quy định như vậy để góp phần bảo đảm lợi ích tốt nhất cho trẻ em và người dưới 18 tuổi, phù hợp với Luật Trẻ em và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Đại biểu Quốc hội Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) phát biểu tại hội trường
Ảnh: Quang Khánh

Đối với người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên, Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật đưa ra hai điểm. Thứ nhất, việc áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc là biện pháp xử lý hành chính, được quy định trong Luật Xử lý vi phạm hành chính. Dự thảo Luật chỉnh lý đối tượng áp dụng biện pháp này theo hướng thực hiện theo quy định của Luật Phòng, chống ma túy. Chỉnh lý theo hướng này nhằm tránh phát sinh mâu thuẫn do dự thảo Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) sẽ trình Quốc hội xem xét, thông qua sau dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Đồng thời, dự thảo Luật mới nhất cũng bỏ quy định về việc áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với người đã thành niên nghiện ma túy.

Tuy nhiên, tại Tờ trình số 480/2020 về những nội dung được chỉnh lý, tiếp thu, sửa đổi tại dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính, Chính phủ không đồng tình với phương án được đưa ra. Ủng hộ quan điểm của Chính phủ, ĐBQH Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) nhấn mạnh, Luật Xử lý vi phạm hành chính điều chỉnh với đối tượng áp dụng biện pháp xử lý hành chính khi đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Trong khi đó, Luật Phòng, chống ma túy quy định về việc đưa người nghiện ma túy vào cơ sở cai nghiện bắt buộc với tư cách là biện pháp quản lý, không phải là chế tài hành chính. Nếu đã là chế tài hành chính thì phải được quy định trong Luật Xử lý vi phạm hành chính, ĐB Mai Thị Phương Hoa nói.

Đối chiếu với quy định tại Điều 37 của dự thảo Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) cũng trình ra Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Mười này, ĐB Mai Thị Phương Hoa nhận thấy, các đối tượng phải đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo quy định tại dự thảo Luật này rộng hơn các đối tượng bị áp dụng biện pháp xử lý vi phạm hành chính khi đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Do những trường hợp rộng hơn này không được coi là biện pháp xử lý hành chính nên có thể được thực hiện theo quy trình, thủ tục của Luật Phòng, chống ma túy.

Có nên điều chỉnh ở cả hai luật?

Tranh luận về nội dung này, ĐBQH Đặng Thuần Phong (Bến Tre) cho rằng, tại dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) cũng quy định cụ thể các trường hợp bị áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc (thể hiện tại khoản 1 Điều 37). Do vậy, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định theo hướng dẫn chiếu Luật Phòng, chống ma túy khi quy định đối tượng áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc là phù hợp. “Chúng ta đã phấn đấu một quá trình rất dài để thay đổi biện pháp hành chính, biến kỹ thuật hành chính từ UBND sang thẩm quyền của Tòa án hành chính tư pháp để đưa người nghiện ma túy đi cai nghiện bắt buộc. Trong đó, xác định rõ tình trạng nghiện để đưa vào cai nghiện, có thể 6 tháng, 12 tháng, 18 tháng hay là 2 năm. Nếu chúng ta trở lại hành chính thông thường để cho UBND thì đi ngược lại xu thế tiến bộ hiện nay”, ĐB Đặng Thuần Phong phân tích.

Luật Phòng, chống ma túy hiện hành trên thực tế đang quy định đầy đủ, cụ thể các biện pháp đối với người nghiện ma túy, trong đó có biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc và biện pháp này có mối quan hệ chặt chẽ với các quy định khác trong Luật Phòng, chống ma túy. Do vậy, ĐB Đặng Thuần Phong cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung quy định về cai nghiện bắt buộc nên xem xét trong quá trình thảo luận cho ý kiến tổng thể về dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi). Như vậy sẽ phù hợp hơn, toàn diện hơn và đúng với phạm vi, đối tượng điều chỉnh.

Cũng phân tích về Điều 37, dự thảo Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi), ĐB Đặng Thuần Phong nêu rõ, quy định tại điều luật này liên quan trực tiếp tới quyền con người, quyền công dân. Một số nội dung của Điều 37 đang được hoàn thiện và vẫn còn tham khảo ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học và đối tượng chịu sự tác động. Theo đại biểu, nếu quy định các đối tượng áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Xử lý vi phạm hành chính có thể sẽ không bảo đảm tính khả thi và khoa học, chưa đáp ứng được yêu cầu hoàn thiện pháp luật. Để tạo điều kiện có thêm thời gian để xem xét, nghiên cứu thấu đáo về vấn đề này, ĐB Đặng Thuần Phong đề nghị, nên dẫn chiếu sang Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi).

Tuy nhiên, vấn đề ở đây là tại Tờ trình số 480, Chính phủ nêu rõ, phạm vi và đối tượng điều chỉnh của Luật Xử lý vi phạm hành chính phải bao gồm các đối tượng bị áp dụng biện pháp xử lý vi phạm hành chính khi đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Tại khoản 1, Điều 37, dự thảo Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) chỉ quy định về các trường hợp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, không phải các trường hợp áp dụng biện pháp xử lý vi phạm hành chính khi đưa vào những cơ sở này. Tại khoản 2, Điều 37, dự thảo Luật này cũng viện dẫn “đối tượng, thời hạn, trình tự, thủ tục, thẩm quyền áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc thực hiện theo quy định pháp luật về xử lý vi phạm hành chính. Vậy nếu quy định tại dự thảo Luật viện dẫn quy định của Luật Phòng, chống ma túy thì việc xác định đối tượng áp dụng của Luật Xử lý vi phạm hành chính sẽ như thế nào?

Chính phủ cũng cho rằng, nếu khẳng định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc là biện pháp xử lý hành chính thì việc quy định đối tượng áp dụng biện pháp này viện dẫn theo Luật Phòng, chống ma túy là không hợp lý về kỹ thuật lập pháp. Trên thực tế, tuy quy định đối tượng này được viện dẫn áp dụng theo Luật Phòng, chống ma túy, song tại dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính vẫn giữ quy định tại Điều 103 về lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc (?).

Là vấn đề còn ý kiến khác nhau, và ý kiến nào cũng đưa ra lập luận thuyết phục, do vậy, trong phát biểu kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ gửi phiếu xin ý kiến các ĐBQH về nội dung này cũng như một số nội dung còn ý kiến khác nhau khác của dự án Luật.

Thanh Hải