Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng

Sau nhận trách nhiệm và hứa, phải là hành động!

- Thứ Sáu, 12/11/2021, 06:16 - Chia sẻ
Trong 4 “tư lệnh ngành” trả lời chất vấn trước Quốc hội tại Kỳ họp này, có lẽ Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng có tần suất “ngồi ghế nóng” của Quốc hội nhiều nhất. Lý do là bởi lĩnh vực kế hoạch và đầu tư, như cách nói của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, là “tổng tham mưu về kinh tế của đất nước”, vốn đã luôn sôi động, nóng bỏng trong điều kiện bình thường và càng trở nên nóng bỏng gấp bội khi nền kinh tế, doanh nghiệp và người dân đều đang bị tác động nặng nề bởi đại dịch Covid-19.

Rõ quan điểm về nhiều vấn đề khó, phức tạp

Ảnh: L. Hiển

Hơn 30 đại biểu đã đăng ký ngay khi phiên chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư bắt đầu. Những vấn đề lớn, khó, phức tạp và nóng nhất của ngành kế hoạch và đầu tư đã được các đại biểu Quốc hội liên tiếp đặt ra ngay từ những câu hỏi đầu tiên, như: Quan điểm của Bộ trưởng về mục tiêu, phạm vi, đối tượng của chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch; khi xây dựng các chỉ tiêu GDP, CPI năm 2022 trình Quốc hội, Bộ trưởng đã dự báo hết nguy cơ gia tăng tỷ lệ nhập khẩu lạm phát hay chưa, nhất là những hậu quả nặng nề do tác động của đợt dịch Covid-19 lần thứ tư gây ra. Trong tỷ lệ bội chi này đã bao gồm gói hỗ trợ phục hồi kinh tế mà Chính phủ dự kiến trình Quốc hội trong thời gian tới hay chưa?... Càng về sau, các nội dung chất vấn càng “gắt” hơn, trực diện hơn, từ trách nhiệm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc để xảy ra một số chương trình, dự án sử dụng vốn vay đầu tư phát triển, vốn ODA chưa hiệu quả, lãng phí, thậm chí vi phạm pháp luật đến việc chậm trễ giải ngân đầu tư công nhưng “tranh qua, luận lại” - bộ, ngành ở Trung ương thì bảo trách nhiệm tại địa phương, địa phương lại bảo trách nhiệm tại Trung ương. Hay việc hoàn thiện khung pháp lý cho sự phát triển của khu vực hộ kinh doanh liên quan đến sinh kế của hàng chục triệu gia đình, chính sách thu hút đầu tư vào các địa bàn khó khăn để thu hẹp dần khoảng cách phát triển giữa các địa phương...

Kinh nghiệm điều hành thực tiễn và cả kinh nghiệm trả lời chất vấn tại Quốc hội đối với Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng có thể nói là rất dày dặn. Vì thế, dù bị đại biểu Quốc hội truy vấn khá gay gắt, ông vẫn bình tĩnh, trả lời rõ từng nội dung và thậm chí, còn có phần hoạt ngôn, thể hiện rõ quan điểm cá nhân dù có thể quan điểm đó sẽ gây tranh luận.

Đơn cử như trả lời chất vấn của ĐBQH Nguyễn Văn Hiển (Lâm Đồng) về việc có chấp nhận thâm hụt ngân sách, vượt trần nợ công để có gói hỗ trợ kích thích phục hồi kinh tế đủ lớn không? - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu rõ, ông hoàn toàn ủng hộ việc nới bội chi và nới nợ công trong một khoảng mà chúng ta có thể kiểm soát được. Bởi nếu không nới bội chi và không nới nợ công thì rất khó có điều kiện để tăng trưởng. Không tăng trưởng được thì chúng ta không thực hiện được các mục tiêu của kế hoạch 5 năm, chiến lược 10 năm hay các mốc khát vọng đến năm 2030, 2045.

“Nếu như thế, chúng ta lại bỏ hết các cơ hội từ cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0, từ thời kỳ dân số vàng của chúng ta, từ các hiệp định thương mại tự do chúng ta đã ký kết và những chuyển dịch mới, những cấu trúc mới đang hình thành, chúng ta lại lỡ nhịp cuộc chơi, chúng ta lại tụt hậu. Do đó, quan điểm cá nhân tôi rất ủng hộ việc nghiên cứu để nới bội chi và nợ công, như vậy vừa phát triển, vừa giải quyết việc làm, vừa làm cho quy mô nền kinh tế lớn lên. Khi quy mô lớn lên, GDP lớn lên tự khắc bội chi và nợ công sẽ giảm xuống, tất nhiên là có thể không tương ứng với số cũ, có thể cao hơn một chút nhưng chúng ta có thể chấp nhận được. Nếu bây giờ chúng ta cứ dứt khoát không nới bội chi, không nới nợ công thì không có đầu tư và không có đầu tư sẽ không có phát triển, không có phát triển thì sẽ là một vòng luẩn quẩn: Bội chi lúc nào cũng ở mức cao, nợ công lúc nào cũng ở mức cao, trong khi lại bỏ lỡ hết các cơ hội cho phát triển”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Hay trả lời chất vấn của ĐBQH Hà Phước Thắng (TP. Hồ Chí Minh) về liên kết vùng, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói thẳng, “đây là vấn đề rất lớn chúng ta đã đặt ra nhưng thực hiện chưa được bao nhiêu”. Và lý do thực sự cũng được ông chỉ rõ là bởi chúng ta thiếu một quy hoạch vùng, thiếu một nguồn lực đầu tư cho hạ tầng liên kết vùng, thiếu một cơ chế điều phối, hợp tác, liên kết phát triển vùng. “Chúng ta thiếu hẳn 3 vấn đề này”. Hiện nay Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao việc này và cũng đang lập quy hoạch vùng, đang tìm các thể chế, cơ chế cho vùng và xây dựng các cơ chế điều phối liên kết vùng. Nhưng “rất khó thống nhất là sẽ góp gạo thổi cơm chung, rất khó làm. Các công trình trường học, bệnh viện thì tỉnh nào cũng sẵn sàng nhận, nhưng nếu là nghĩa trang hay bãi xử lý rác thải chẳng hạn thì chắc chắn các tỉnh không nhận. Chúng tôi đứng ở giữa khi lập quy hoạch của cả vùng là rất khó xử”.

Chất vấn không chỉ để truy trách nhiệm

Sau gần 2 giờ đồng hồ, có thể thấy, hầu như không vấn đề nào “làm khó” được Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, thậm chí có những nội dung ông còn “truy” ngược lại đại biểu. Như trả lời chất vấn của đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) về việc chậm giải ngân đầu tư công các dự án nhóm A và dự án trọng điểm quốc gia, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, theo quy định hiện nay, đối với dự án nhóm A là địa phương thẩm định, đối với dự án quan trọng quốc gia là Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định để trình Thủ tướng. “Cái nào chậm ở trên Bộ Kế hoạch và Đầu tư hay ở trên Trung ương thì đề nghị đại biểu cho chúng tôi biết”, đồng thời “bảo đảm rằng, đối với Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã luôn luôn nỗ lực và cố gắng không để chậm một ngày, một giờ nào hết... Riêng nhóm A là do địa phương, tôi xin khẳng định điều đấy cho rõ về trách nhiệm”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Tuy vậy, khó có thể nói rằng, các câu trả lời của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đều đã thuyết phục được đại biểu Quốc hội, như trả lời chất vấn của ĐBQH Tạ Văn Hạ (Quảng Nam) về giải ngân vốn đầu tư công. Nếu vài năm trước, tình trạng chậm trễ còn bị “đổ lỗi” tại Luật Đầu tư công thì sau khi Quốc hội sửa đổi luật và đặc biệt là qua thực tiễn tổ chức giải ngân đầu tư công đạt đến 98% trong năm 2020 - năm đầu tiên đại dịch Covid-19 bùng phát - thì nguyên nhân đã được nhận diện rất rõ là do khâu tổ chức thực hiện. Nhưng “chuyện tồn tại nhiều năm như thế, với vai trò, trách nhiệm của bộ gác cửa giúp Chính phủ về lĩnh vực này thì giải pháp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư thế nào để chấn chỉnh? Nếu cứ để tình trạng chậm trễ này tồn tại sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến sự phát triển của nền kinh tế. Đây là nguyên nhân chủ quan, do tổ chức thực hiện nhưng Bộ làm gì để khắc phục được ngay?”.

Ngay sau câu hỏi của đại biểu Tạ Văn Hạ, điều hành phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng yêu cầu Bộ trưởng phải làm rõ: Vì sao trong cùng một thể chế pháp luật như nhau lại có đơn vị giải ngân cao, có đơn vị giải ngân thấp? Nguyên nhân khách quan, chủ quan và nguyên nhân cốt lõi là gì? Phải đột phá vào đâu? Giải quyết thế nào? Đến hết 10 tháng của năm 2021 rồi mà giải ngân đầu tư công chưa được 50%... Bây giờ doanh nghiệp và người dân đều mong muốn có một gói kích thích kinh tế mới. Nhưng toàn bộ số tiền chúng ta có mà chưa tiêu hết ở đây thì còn tiêu mới cái gì? Năng lực hấp thụ vốn của chúng ta như thế nào? 16.000 tỷ đồng của 3 chương trình mục tiêu quốc gia chưa phân bổ được một đồng nào. 56.000 tỷ đồng của các địa phương cũng chưa phân bổ được đồng nào. Nếu không làm rõ được chuyện này, Chủ tịch Quốc hội nói thẳng “Quốc hội có chất vấn xong, có nghị quyết rồi thì tình hình vẫn như vậy thôi. Trách nhiệm nằm ở đâu phải nói cho rõ. Tình hình kiểm tra, giám sát và từng nguyên nhân vướng mắc, chúng ta sẽ giải quyết thế nào, không thể nói chung chung. Chúng ta không thể để tình hình này cứ kéo dài mãi, trong khi nền kinh tế đang rất thiếu vốn. Nhiều đại biểu muốn nới bội chi, tăng trần nợ công, gói nọ, gói kia nhưng bây giờ toàn bộ số tiền chúng ta đang có còn chưa tiêu được”.

Nhưng câu trả lời, đáng tiếc, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng vẫn mới chỉ là “có một phần trách nhiệm của chúng tôi, cũng nể nang, cũng không hết trách nhiệm trong rà soát các kế hoạch vốn mà các bộ, ngành và các địa phương trình lên. Chúng tôi xin hứa sẽ cố gắng khắc phục vấn đề này trong thời gian tới”.

Nếu chất vấn chỉ để truy trách nhiệm thì việc Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng sẵn sàng nhận trách nhiệm trong nhiều vấn đề tại phiên chất vấn chiều qua có thể xem là đã đạt yêu cầu. Nhưng không phải như vậy. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhiều lần nhấn mạnh, mục tiêu cao nhất của hoạt động giám sát nói chung, chất vấn - trả lời chất vấn tại Quốc hội nói riêng là “phải làm cho mọi việc tốt lên, vì lợi ích của Nhân dân, của đất nước”. Và như vậy, với những vấn đề dù Bộ trưởng đã nhận trách nhiệm, đã hứa trước Quốc hội và cử tri, Nhân dân cả nước thì điều quan trọng hơn vẫn là tới đây, Bộ trưởng sẽ hành động thế nào?

Lam Anh