Sau đăng ký là bảo vệ...

- Thứ Bảy, 10/04/2021, 06:07 - Chia sẻ
Năm 2008, vải thiều Lục Ngạn, Bắc Giang được bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Việt Nam. Đến tháng 3.2021, vải thiều Lục Ngạn được bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản đã mở ra nhiều cơ hội cho việc xuất khẩu, tiêu thụ. Tuy nhiên, đây mới chỉ là bước khởi đầu, cái chính là sau khi được bảo hộ, cần phải bảo vệ...

Chia sẻ về quá trình thực hiện đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý vải thiều Lục Ngạn, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Bắc Giang Nguyễn Thanh Bình cho biết hồ sơ đăng ký phải đối mặt với nhiều khó khăn. Đó là phía Nhật Bản đánh giá khả năng vận hành của tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý yếu, thiếu tài liệu đáng tin cậy nghiên cứu đặc tính của sản phẩm. Đặc biệt không có tài liệu chứng minh đánh giá của xã hội đối với đặc tính của sản phẩm. Dữ liệu về đặc tính sản phẩm cũng không được cập nhật thường xuyên; hoạt động gắn chỉ dẫn địa lý trên bao bì sản phẩm chưa được kiểm soát chặt chẽ…

Để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc này, Sở Khoa học và Công nghệ đã làm việc với các cơ quan Trung ương, các ngành, đơn vị liên quan tập trung hoàn thiện các tiêu chí. Như Cục Sở hữu trí tuệ hỗ trợ hoàn thiện hồ sơ đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý đáp ứng đầy đủ các quy định của pháp luật Nhật Bản và tích cực tác động ở nhiều cấp để đẩy nhanh tiến độ. Phía Sở thì tham mưu cho UBND tỉnh bố trí kinh phí, quyết liệt vào cuộc, phối hợp tìm đơn vị, chuyên gia uy tín được Nhật Bản chấp nhận tham gia chứng nhận các yếu tố... Sau đó, trong vụ vải thiều năm 2020, Sở đã phối hợp tổ chức lấy mẫu phân tích sản phẩm và gửi bổ sung hồ sơ cho Nhật Bản... Và kết quả là ngày 12.3.2021, vải thiều Lục Ngạn đã trở thành sản phẩm đầu tiên của Việt Nam được chính thức bảo hộ là chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản.

Như vậy, đến nay mới chỉ có vải thiều Lục Ngạn, thanh long Bình Thuận, cà phê Buôn Ma Thuột được lựa chọn đăng ký bảo hộ tại Nhật Bản - thị trường rất khắt khe về chất lượng nhưng giá trị gia tăng của sản phẩm cao hơn rất nhiều, cơ hội người tiêu dùng tin tưởng và lựa chọn cũng lớn hơn. Tuy nhiên, không chỉ riêng với vải thiều mà với tất cả các sản phẩm việc đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý thành công mới chỉ là bước đầu tạo lợi thế cạnh tranh. Việc có giữ được thị trường đồng thời mở rộng hơn nữa hay không lại là chuyện khác.

Lý do là bởi chỉ dẫn địa lý là một phần của thương hiệu quốc gia. Do đó một địa phương, một cá nhân, một tổ chức rất khó để tự xây dựng và khai thác tối đa các lợi ích chỉ dẫn địa lý mang lại mà đòi hỏi mỗi chủ thể phải có vai trò, có đóng góp, có trách nhiệm riêng. Đặc biệt cần có sự phối hợp giữa Nhà nước và các cá nhân, tổ chức có liên quan vì hàng năm phải đánh giá nội bộ chất lượng sản phẩm theo tiêu chí chỉ dẫn địa lý được bảo hộ và cập nhật thường xuyên lên hệ thống để đối tác thu mua sản phẩm nắm được...

Những lợi ích mà bảo hộ chỉ dẫn mang lại đã rõ ràng. Đây cũng là hướng đi phù hợp, là công cụ để phát triển sản xuất bền vững, mở rộng thị trường cho các sản phẩm nông nghiệp của nước ta. Để thực hiện được điều này, bên cạnh trách nhiệm của các cơ quan chức năng, điểm mấu chốt thuộc về người dân trong tuân thủ quy trình, kỹ thuật sản xuất.

Khánh Ninh