Cà phê phin

Sát cánh cùng con

- Chủ Nhật, 21/03/2021, 06:47 - Chia sẻ
Cái mà phương Tây hay cổ súy cho việc để con tự quyết định phải là “đưa ra quyết định có thông tin” (tiếng Anh dịch là: making “informed” decision). Chứ không phải là “tự quyết định”.

"Có nên để con tự quyết định chuyện học và cuộc đời?" - Tôi rất hay gặp chủ đề này mỗi khi nghe bạn bè trao đổi về định hướng nghề nghiệp hay chọn trường đại học cho con. Ngày trước, nhiều bố mẹ tham gia rất sâu vào quá trình ra quyết định của con, thậm chí là chọn hộ. Hiện giờ thì khá nhiều, nếu không nói là phần lớn, cha mẹ khu vực thành thị lại có xu hướng: "Phải tôn trọng, cho con nó tự quyết định. Quyền của nó”. Nghe thì tưởng đấy là dân chủ, hiện đại, tôn trọng con, nhưng theo quan điểm của tôi thì đấy là phát ngôn có phần “vô trách nhiệm”.

Nguồn: ITN

Tôi có một cô cháu gái. Bố mẹ cháu khá giả và cũng “hiện đại” nên tôn trọng quyền quyết định chọn đại học của cháu. Thế là năm thứ nhất, cháu đi học máy tính ở Mỹ. Hết năm thứ hai, cháu cho rằng triển vọng nghề này ở Mỹ có vẻ không được tươi sáng lắm, nên quyết định sang Thụy Sĩ chuyển ngành học nhà hàng khách sạn. Tin con, bố mẹ cũng đồng ý. Được 1 năm, cháu chán ngành này và kết luận là cháu nên về Anh học ngành tâm lý học. Thế là trong 3 năm, cháu đi 3 nước và tôi không hiểu đây đã là quyết định cuối cùng của bạn ấy chưa?

Cô cháu khác vì yêu thích thiết kế nên quyết tâm học ngành này tại một trường nổi tiếng bên Mỹ. Cháu tốt nghiệp loại giỏi nhưng xin việc không dễ ở Mỹ nên về Việt Nam làm với lương rất bình thường. Nếu bố mẹ cháu đọc thống kê thì sẽ biết ngành thiết kế và truyền thông được xếp hạng là những ngành có tiềm năng xin việc thấp nhất. Và nếu biết thế thì họ đã có thể khuyên cháu học thêm một ngành khác để đa dạng hóa kỹ năng của mình. Bố cháu luôn ân hận vì quyết định ngớ ngẩn này.

Bạn tôi có cậu con trai lúc học phổ thông rất giỏi, tiếng Anh xuất sắc, giao tiếp rất tốt; thể lực to cao, khỏe mạnh. Cơ hội xin học bổng sang Mỹ là hoàn toàn trong tầm với. Nhưng một hôm, cậu chàng, sau khi đọc một mẩu tin về bắn súng bên Mỹ, về nhà kết luận: “Con sẽ không đi Mỹ, học ở Việt Nam cũng được”. Bố mẹ cậu tôn trọng quyết định của con nên không khuyên giải gì thêm. Cháu về sau tốt nghiệp một trường đại học lớn ở Việt Nam, đi làm với mức lương làng nhàng. 

Tuy nhiên, cũng có chuyện khác, 15 năm trước, cô cháu của tôi, học Đại học Quốc Gia Hà Nội, nhưng nuôi mộng đi Mỹ từ bé. Bạn ấy học hết năm thứ 3 đại học ở Việt Nam rồi xin học bổng 2 năm liền nhưng không được đủ tiền. Đến khi chuẩn bị vào năm thứ 4 thì nó xin được học bổng toàn phần học tại 1 trường đại học danh tiếng ở Mỹ. Nó dứt áo ra đi. 

Bố mẹ và cả nhà lo lắng, bảo: “Thôi, con học ở Việt Nam đi, sắp tốt nghiệp đến nơi rồi!”. Nhưng cháu vẫn quyết lên đường. Giờ thì cô gái đã hoàn thành ước mơ Mỹ và làm quản lý cho một tập đoàn tài chính rất lớn trên thế giới. Nó bảo: “Hồi ấy, cháu mà chọn con đường an toàn thì chẳng có bây giờ”. 

Cái mà phương Tây hay cổ súy cho việc để con tự quyết định phải là “đưa ra quyết định có thông tin” (tiếng Anh dịch là: making “informed” decision). Chứ không phải là “tự quyết định”. Làm gì có chuyện ra quyết định tốt nếu không được cung cấp đầy đủ thông tin. 

Tôi luôn khuyến khích con tự ra quyết định để làm gì và học gì. Có điều, quan điểm của tôi là phải cung cấp đủ thông tin và dạy con phân tích cùng mình để đưa ra quyết định, chứ không thể dựa trên cảm tính và ý thích nhất thời được. Mọi quyết định quan trọng cần được cân nhắc kỹ chứ không phải là để mặc con vì bố mẹ “dân chủ hay hiện đại” nửa mùa. 

Tốt nhất là tìm chuyên gia thực sự để hỏi han, chứ đừng cho các cô cậu trẻ tự quyết định tất cả.

Nhiều khi cậu con trai thích đi Úc chỉ vì bạn gái nó sắp sang Úc. Còn cô con thích học truyền thông chỉ vì thích một MC thần tượng. Nhưng cậu con lại không được giải thích là học ở Úc vừa chưa chắc có lợi thế cạnh tranh về danh tiếng và chất lượng. Còn cô gái trẻ thì không xem thống kê là trong hàng nghìn MC chỉ có vài người sống sung túc với nghề.

Hồi tôi còn nhỏ, bố mẹ tôi luôn đưa tôi tìm gặp những người giỏi nhất mà các cụ có thể gặp, mỗi khi tôi đưa quyết định gì quan trọng. Không bao giờ bố mẹ tôi để tôi tự quyết định mà không tham khảo những người giỏi hơn các cụ trong lĩnh vực đó. 

Nhìn thống kê, nhiều người giỏi thường có truyền thống “cha truyền, con nối”. Không phải là vì họ có gene sẵn. Mà vì họ được đào luyện và có đủ thông tin về ngành của họ từ khi còn bé. Nên bác sĩ thì thường thích con làm bác sĩ. Nhà làm bánh thì thích truyền nghề cho con làm bánh...

Đến chúng ta, qua tuổi 40 nhiều khi còn chẳng biết mình thích gì, muốn gì. Làm sao mà chúng ta lại để một đứa trẻ 15 - 17 tuổi quyết được gì nếu các bạn ấy chưa từng trải nghiệm, chưa từng vấp váp, chưa từng được thông tin, phân tích về lựa chọn nghề nghiệp và cuộc đời? 

Do vậy, kết luận của tôi là: Không bao giờ được để các bạn trẻ tự quyết định mà không cung cấp cho họ những thông tin cần thiết, từ các chuyên gia uy tín. Và đặc biệt những bố mẹ nào không biết nhiều về ngành con học/muốn làm thì đừng phó mặc cho con tự quyết. Bạn sẽ hại chúng. Đấy không phải là “dân chủ hay hiện đại”. Đấy là vô trách nhiệm. Những đứa trẻ thành công đa phần đều có bố mẹ sát cánh bên cạnh lúc ban đầu.

Toàn Nguyễn