Sắp diễn ra chuỗi sự kiện 75 năm ngành lâm nghiệp Việt Nam

- Thứ Tư, 25/11/2020, 07:17 - Chia sẻ
Ngày 24.11 tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông tin về chuỗi sự kiện kỷ niệm ngành lâm nghiệp Việt Nam – 75 năm hình thành và phát triển (1945-2020).
Thứ trưởng Thường trực Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn chủ trị cuộc họp

Theo Tổng cục trưởng Tổng cục lâm nghiệp Nguyễn Quốc Trị, trên chặng đường 75 năm hình thành và phát triển (1945 - 2020), trải qua nhiều giai đoạn lịch sử với nhiều lần thay đổi về tổ chức, nhưng ngành lâm nghiệp đang khẳng định vị thế là một ngành kinh tế vì môi trường, dân sinh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và an ninh quốc phòng.

Ông Nguyễn Quốc Trị cho biết, về môi trường, từ 1990 đến năm 2020, tỷ lệ che phủ rừng tăng trên 14,7% (tăng hơn 1,5 lần), tương đương 5,6 triệu ha rừng. Việt Nam là một trong số ít các nước có tốc độ tăng diện tích rừng ổn định trên thế giới. Ngành đã và đang triển khai nhiều chương trình, dự án với mục tiêu chung là phát huy chức năng phòng hộ của rừng, ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm nhẹ thiên tai, bảo vệ đa dạng sinh học, là trụ đỡ cho nền kinh tế xanh.

Về xã hội, ngành lâm nghiệp đã thực hiện tốt chủ trương xã hội hoá nghề rừng, góp phần vào công cuộc xoá đói giảm nghèo. Ngành đang thu hút trên 20 triệu lao động. Đặc biệt, ngành đã thu hút được các nguồn lực xã hội thông qua dịch vụ môi trường rừng với trung bình 1.600 tỷ đồng/năm trong giai đoạn 2013 - 2019 để chi trả đến từng người dân.

Về kinh tế, ngành lâm nghiệp đã phát huy lợi thế, phát triển mạnh mẽ ngành công nghiệp chế biến và xuất khẩu lâm sản, năm 2020 dự kiến giá trị xuất khẩu đạt khoảng 13 tỷ USD. Việt Nam đã khẳng định vị thế của mình trên bản đồ thế giới, là quốc gia đứng thứ 5 toàn cầu, thứ 2 châu Á và đứng đầu Đông Nam Á về xuất khẩu lâm sản.

Tuy nhiên, ngành lâm nghiệp vẫn còn những tồn tại, thách thức như: tỷ lệ che phủ rừng tăng nhưng chất lượng rừng chưa cao; chưa khai thác hết tiềm năng, lợi thế của rừng, thu nhập của người làm nghề rừng còn thấp. Công tác bảo vệ, phát triển rừng, bảo vệ môi trường sinh thái, ứng phó với biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan, thiên tai, bão lũ…

Chuỗi sự kiện sẽ diễn ra trong 2 ngày 30.11 và 1.12, tại tỉnh Nghệ An. Đầu tiên là Lễ kỷ niệm “Lâm nghiệp Việt Nam - 75 năm hình thành và phát triển". Đây là lần đầu tiên trong chặng đường 75 năm hình thành và phát triển, ngành lâm nghiệp vinh dự tổ chức kỷ niệm ngày thành lập. Thứ hai là Hội nghị “Giải pháp thúc đẩy sản xuất, chế biến và xuất khẩu lâm sản năm 2021 và giai đoạn 2021 - 2025” do Lãnh đạo Đảng và Nhà nước chủ trì. Hội nghị dự kiến sẽ có khoảng 600 đại biểu thuộc các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực lâm nghiệp cùng các tổ chức quốc tế tại Việt Nam.

Thứ trưởng thường trực Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn cho biết, nhiều năm qua kim ngạch xuất khẩu gỗ và lâm sản ngoài gỗ tăng trưởng khá nhanh trên 10%/năm. Tỷ trọng xuất khẩu chủ yếu sản phẩm gỗ, bên cạnh đó còn có lâm sản ngoài gỗ. Điểm đáng chú ý, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu lâm sản ngoài gỗ tăng rất nhanh, vài năm gần đây duy trì tốc độ tăng trưởng từ 30-46%, cao hơn nhiều tỷ lệ tăng của sản phẩm gỗ.

Tính đến tháng 11.2020, tổng trị giá xuất khẩu đã đạt được 11,7 tỷ USD, tăng khoảng 15% so với con số 10,1 tỷ USD của cùng kỳ năm trước.

Về nguyên nhân giúp cho xuất khẩu gỗ và lâm sản ngoài gỗ đạt kết quả khả quan trong bối cảnh khó khăn, lãnh đạo Bộ NN&PTNT phân tích, năm nay Covid-19 cũng gây ảnh hưởng tới toàn ngành lâm nghiệp như những ngành kinh tế khác, nhất là trong tháng 3, tháng 4 và nửa đầu tháng 5. Tuy nhiên, từ Chính phủ đến các bộ, ngành đều nắm rõ tình hình, có hỗ trợ như có chính sách về tín dụng, giãn thuế, giãn thời gian nộp tiền sử dụng đất… Chính sách không phải phát huy tác dụng ngay vì luôn có độ trễ nhưng đã tạo ra nguồn sức mạnh lớn, niềm tin cho các doanh nghiệp.

“Ở góc độ doanh nghiệp, các doanh nghiệp “khó ló khôn”, chuyển qua giao dịch qua internet, bán hàng online… Có doanh nhân đã sẵn sàng thế chấp tài sản cá nhân của để có vốn giữ được người lao động. Người lao động không bỏ việc, nhảy việc… Có doanh nghiệp đã tận dụng được một phần cơ hội từ sự biến đổi của thị trường quốc tế, quan hệ thương mại với những thị trường lớn như Mỹ, Trung Quốc… Tất cả tạo nên kết quả chung”, Thứ trưởng Hà Công Tuấn nhấn mạnh.

Minh Hương