Sáng tạo âm nhạc trong không gian mới

- Thứ Ba, 13/04/2021, 08:32 - Chia sẻ
Trong bối cảnh dịch Covid-19, sự kết nối ý tưởng sáng tạo của cộng đồng nghệ sĩ do Viện Goethe Hà Nội thực hiện đã tạo điều kiện khuyến khích nghệ sĩ Việt Nam và Đức thử nghiệm những ý tưởng mới, mở ra môi trường, triển vọng sáng tác và biểu diễn nghệ thuật.

Kết nối xuyên biên giới

Nhằm hiện thực hóa cơ hội gặp gỡ xuyên quốc gia bằng hình thức trực tuyến, dự án Xưởng văn hóa và ReConnect ra đời trong 2 năm 2020 và 2021 mang đến những hỗ trợ tài chính cho đối thoại và hợp tác sản xuất giữa các nghệ sĩ Việt Nam và Đức thuộc lĩnh vực âm nhạc (nhạc điện tử, cổ điển, nhạc mới), video art và trình diễn. Các dự án ngoài kết nối nghệ sĩ Việt Nam và Đức còn được mở rộng với sự tham gia của nghệ sĩ các quốc gia châu Âu khác.

Theo Viện trưởng Viện Goethe Hà Nội Wilfried Eckstein, trong bối cảnh cộng đồng và người dân phải thích nghi với hoàn cảnh mới, các hoạt động nghệ thuật nhằm hướng tới xây dựng cầu nối từ Việt Nam sang các nước châu Âu, tạo cơ hội cho giới nghệ sĩ nối lại các mối quan hệ cũ, thúc đẩy quan hệ mới, làm tiền đề cho các dự án trong năm sau”.

Về phía nghệ sĩ, các dự án giúp họ có được nền tảng xây dựng chiến lược dài hơi cho hoạt động biểu diễn, bất chấp diễn biến khó lường của dịch Covid-19. Là giáo viên bộ môn kèn trumpet và hòa tấu tại Trường Âm nhạc Inspirito (Hà Nội), nghệ sĩ Yuki Urushihara (Đức) cho biết, Viện Goethe Hà Nội đã tạo điều kiện cho các nghệ sĩ về phòng tập, không gian sáng tác, thực hành âm nhạc, kết nối các nghệ sĩ trong việc chia sẻ ý tưởng, tạo sân chơi cho cộng đồng yêu nhạc.

“Chúng tôi được trao đổi kỹ thuật dạy và chơi kèn trumpet, kỹ thuật lấy hơi và các kỹ thuật nói chung của kèn. Nghệ sĩ Đức tham gia dự án không chỉ là giáo viên giảng dạy tại trường nhạc mà còn là các nghệ sĩ nổi tiếng, có kinh nghiệm biểu diễn tại các dàn nhạc ở Đức. Họ chính là linh hồn của các buổi thực hành nghệ thuật, chia sẻ kinh nghiệm và tạo hứng khởi cho không gian âm nhạc mới”, Yuki Urushihara nói.

Nhóm nghệ sĩ Trường Âm nhạc Inspirito sẽ tham gia chuỗi hòa nhạc "Âm nhạc thế kỷ XX"

Sáng tạo không giới hạn

Năm 2021, các nghệ sĩ Đức và Việt Nam xây dựng chuỗi hòa nhạc "Âm nhạc thế kỷ XX". Trong các chương trình trải dài suốt năm nay, nghệ sĩ lựa chọn những sáng tác của thế kỷ trước, không xác định được cao độ, giao thoa chính xác, thời lượng bản nhạc và các nhạc cụ. Đồng sáng lập Trường Âm nhạc Inspirito, nghệ sĩ piano Lưu Đức Anh chia sẻ: “Đây là giai đoạn âm nhạc đánh dấu sự sáng tạo không giới hạn, biến các ý tưởng thành hiện thực, phản ánh sự phát triển phong phú và đa dạng của âm nhạc sắc màu với thủ pháp sáng tác khác nhau. Vì vậy, nhằm mang đến bức tranh tổng quan về những đặc điểm này của ngôn ngữ âm nhạc tại các quốc gia Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, các nghệ sĩ, giảng viên Trường Âm nhạc Inspirito sẽ tham gia chuỗi hòa nhạc đương đại này”.

Nghệ sĩ Phó Đức Hoàng cho hay, âm nhạc thế kỷ XX phát triển khá sâu sắc và mạnh mẽ trong bối cảnh diễn ra 2 cuộc chiến tranh thế giới, gây xáo động toàn thể đời sống xã hội. “Chính âm nhạc là một phần trong sự biến đổi này, bởi âm nhạc là phương tiện biểu đạt cuộc sống một cách rõ nét nhất. Chỉ trong một thế kỷ, đã có nhiều trường phái ra đời như ấn tượng, biểu hiện, giảm thiểu, tiên phong, trở thành tinh hoa nghệ thuật của thế kỷ XX”.

Tuy nhiên, những thành tựu nghệ thuật đó lại chưa được biết nhiều tại Việt Nam. Bản thân nghệ sĩ Việt Nam cũng chưa có dịp được biểu diễn những tác phẩm này. “Đây là những sáng tác mà các hợp âm tùy vào sự ngẫu hứng của người chơi, để ra một âm thanh hoàn toàn khác. Những hợp âm này cũng cho phép nghệ sĩ tiếp cận sáng tác theo nhiều cách khác nhau. Đôi khi nghệ sĩ sẽ sử dụng nhiều thủ pháp khác biệt, như dùng các bộ phận trên cơ thể ngoài việc biểu diễn bằng tay thông thường. Ngôn ngữ, phong cách âm nhạc biểu hiện cho giai đoạn này có sự khác biệt, không mấy dễ chịu, song hứa hẹn mang đến cảm xúc mới”, nghệ sĩ Lưu Đức Anh nói.

Bên cạnh chuỗi hòa nhạc "Âm nhạc thế kỷ XX", trong khuôn khổ dự án ReConnect, buổi biểu diễn hòa nhạc điện tử trực tuyến ngày 5.7 với chủ đề “Lắng nghe điều còn lại… và những điều sắp đến”, nghệ sĩ Cedrik Fermont (Đức) và Nhung Nguyễn (Việt Nam) sẽ thể hiện sự đa dạng của không gian âm thanh và trải nghiệm của con người trên khắp thế giới. Nhung Nguyễn cho biết, các nghệ sĩ quan tâm đến âm thanh trong bối cảnh văn hóa cũng như âm nhạc kết hợp điện tử - acoustic và nghệ thuật âm thanh.

“Chúng tôi sử dụng kho lưu trữ những bản ghi âm thực địa của cá nhân, được ghi lại trong thời kỳ đại dịch, giãn cách xã hội ở cả hai quốc gia và sử dụng chúng như điểm khởi đầu cho cả quá trình nghiên cứu và sản xuất phần trình diễn. Bên cạnh đó, nội dung các cuộc phỏng vấn với những người ở Đức và Việt Nam về trải nghiệm của họ với các âm thanh do hai nghệ sĩ tạo ra cũng được sử dụng làm tài liệu tham khảo và âm thanh cho buổi biểu diễn”, Nhung Nguyễn chia sẻ.

Thực tế, các buổi hòa nhạc, diễn tập và khóa học ở dạng trực tuyến không thể thay thế hoàn toàn các buổi tập và biểu diễn trực tiếp cùng nhau và cùng một nơi, đặc biệt là khi xử lý các quang phổ mà cần dựa vào ký hiệu chính xác và hướng dẫn chi tiết giữa người biểu diễn. Tuy vậy, các chương trình của nhạc sĩ từ Đức và Việt Nam trong dự án ReConnect cho phép xử lý những bất lợi về khoảng cách địa lý để nghệ sĩ vẫn có thể chơi nhạc cùng nhau theo các cách riêng.

Hương Sen