Sản xuất và tiêu thụ nông sản trong bối cảnh dịch Covid-19

- Thứ Tư, 10/11/2021, 04:45 - Chia sẻ
Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Đồng Nai đã xây dựng kịch bản chi tiết về sản xuất và tiêu thụ nông sản, để chủ động thích ứng trong bối cảnh của dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Trên cơ sở theo dõi, cập nhật sản lượng gia súc, gia cầm cần giết mổ, sản lượng nông sản đến thời kỳ thu hoạch, từ đó có sự phối hợp với các địa phương trong việc hỗ trợ kết nối, tiêu thụ không để tắc nghẽn, ùn ứ.
Trang trại nuôi gà công nghiệp ở Đồng Nai
Nguồn: Vnexpress.net

Rơi vào cảnh cần phải “giải cứu”

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 làm đứt gãy các chuỗi liên kết, tiêu thụ, vận chuyển cũng như sức mua của người tiêu dùng, từ đầu năm 2021 đến nay, nhiều loại nông sản của tỉnh Đồng Nai rơi vào cảnh cần giải cứu vì đến vụ thu hoạch không có thương lái thu mua. Theo báo cáo của Sở NN-PTNT, Đồng Nai hiện có 121 đầu mối cung cấp nông sản và thực phẩm đăng ký về Sở mong được hỗ trợ kết nối tiêu thụ với hàng trăm tấn nông sản tươi còn ùn ứ như rau củ, trái cây, thịt gà, thịt lợn, cá, tôm...

Dự báo từ tháng 9 đến tháng 12, tổng sản lượng trái cây cung cấp ra thị trường khoảng 165.000 tấn. Các tháng cao điểm như tháng 12 là 64,4 nghìn tấn. Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ trái cây của thị trường nội tỉnh trung bình chỉ khoảng 13.000 tấn/tháng. Với tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, nguy cơ nhiều mặt hàng nông sản rơi vào cảnh cần giải cứu vẫn rất lớn vì nhiều khó khăn trong khâu tiêu thụ ở cả thị trường trong nước và xuất khẩu.

Là một chủ trại nuôi gà công nghiệp tại xã Cây Gáo (huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai), ông Nguyễn Văn Mẫn so sánh, hiện giá gà đã tăng lên 15 - 17.000 đồng/kg, tăng hơn gấp đôi so với thời điểm giá gà bán ra thấp kỷ lục trước đó. Tuy nhiên, do mọi chi phí đầu vào tăng cao, giá thành sản xuất 1kg gà thịt hiện nay đội lên gần 30.000 đồng/kg, với giá bán ra hiện nay, người chăn nuôi đang lỗ hơn 40.000 đồng/1 con gà xuất chuồng. “Trang trại lỗ đến lứa gà xuất bán vừa qua, có trang trại lỗ đến hàng tỷ đồng. Chăn nuôi gà công nghiệp đang đứng trước nguy cơ thua lỗ, phá sản hàng loạt nếu thị trường tiêu thụ vẫn tiếp tục gặp khó khăn như thời gian qua”, ông Mẫn chia sẻ. 

Điều chỉnh sản xuất, nỗ lực đa dạng kênh tiêu thụ

Diễn biến dịch bệnh Covid-19 còn kéo dài và phức tạp, trong khi nông sản được thu hoạch theo mùa vụ nên rất cần sự chủ động của nông dân, doanh nghiệp trong điều chỉnh sản xuất, nỗ lực đa dạng kênh tiêu thụ đến sự hỗ trợ kịp thời của Nhà nước, nhất là từ chính quyền địa phương.

Dự báo về tình hình khó khăn của thị trường tiêu thụ, Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Nai đã xây dựng kịch bản chi tiết về sản xuất và tiêu thụ nông sản, để chủ động thích ứng trong bối cảnh của dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Trên cơ sở theo dõi, cập nhật sản lượng gia súc, gia cầm cần giết mổ, sản lượng nông sản đến thời kỳ thu hoạch để có sự phối hợp với các địa phương trong việc hỗ trợ kết nối, tiêu thụ không để tắc nghẽn, ùn ứ.

Trong đó, giải pháp được đặc biệt quan tâm là phối hợp với các sở, ngành, địa phương tập trung hỗ trợ, tiêu thụ nông sản chủ lực có sản lượng lớn trên địa bàn tỉnh với quan điểm tăng cường kết nối, đa dạng các kênh tiêu thụ. Phối hợp với các địa phương trong tiêu thụ sản phẩm, không để tắc nghẽn, ùn ứ. Việc cung cấp thông tin diễn biến thị trường nông sản trong nước cũng như quốc tế, nhu cầu nhập khẩu và các thị trường xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam đến các tổ chức, cá nhân, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng được cập nhật thường xuyên. 

Sở NN-PTNT tỉnh cũng quan tâm, tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, nhất là ổn định hoạt động cho các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh nhằm hạn chế đứt gãy chuỗi cung ứng sản phẩm vật nuôi cho thị trường trong và ngoài tỉnh, giảm bớt tình trạng ùn ứ lợn, gà trong giai đoạn hiện nay.

Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Trần Lâm Sinh cho biết, Sở đã rà soát, tổng hợp khả năng dự trữ của các kho cấp đông, trữ lạnh, bảo quản của các doanh nghiệp sản xuất, chế biến, phân phối trên địa bàn để sẵn sàng sử dụng hoặc huy động hỗ trợ khi cần thiết. Ngoài ra, Sở còn làm việc với các doanh nghiệp chế biến nông sản trên địa bàn, vận động hỗ trợ thu mua sản phẩm sơ chế, chế biến, bảo quản, dự trữ nông sản đảm bảo an toàn thực phẩm và phòng, chống dịch bệnh. Việc dự báo, tổ chức sản xuất trên cây trồng cũng được đặc biệt quan tâm; nhất là trong hướng dẫn các hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại kịp thời điều chỉnh thời vụ, giống, chuyển đổi cơ cấu cây trồng và áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất.

Thời gian qua, Tổ công tác chỉ đạo sản xuất, kết nối cung ứng tiêu thụ nông sản tại các tỉnh, thành phố phía Nam của Bộ NN-PTNT (Tổ Công tác 970) đã có sáng kiến combo 10kg nông sản cung cấp tận nơi vừa góp phần bảo đảm nhu cầu lương thực, thực phẩm cho người dân trong vùng phong tỏa, cách ly y tế, vừa hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho các vùng sản xuất.

Theo TS. Trần Minh Hải, thành viên của Tổ Công tác 970 cho biết, thời gian qua, sáng kiến combo 10kg nông sản đã thu hút rất nhiều tỉnh, thành khu vực phía Nam tham gia, góp phần phân phối hiệu quả nông sản cho các tỉnh, thành đang thực hiện giãn cách xã hội như TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương... Chương trình khơi dậy một phương thức kinh doanh mới cho mặt hàng nông sản, thực phẩm phù hợp với tình hình dịch bệnh hiện nay.

Tích cực hưởng ứng chương trình này, tỉnh Đồng Nai đã hỗ trợ hàng nghìn túi combo lương thực, thực phẩm gồm rau củ, thịt gà, thịt lợn, trứng, gạo đủ cho các hộ gia đình sử dụng từ 5 - 7 ngày. Chánh Văn phòng Sở NN-PTNT tỉnh Tống Thị Hằng thông tin, các túi combo nông sản này hoàn toàn hỗ trợ miễn phí cho các hộ gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn như hộ nghèo, hộ tàn tật, neo đơn, lao động tự do mất thu nhập ở các khu nhà trọ… tại các khu phong tỏa trên địa bàn tỉnh. Toàn bộ nguồn lương thực, thực phẩm trong túi combo trên mua từ những hợp tác xã, nông dân ở những vùng sản xuất đang gặp khó khăn về đầu ra trên địa bàn tỉnh.

Tâm Anh