Sản xuất công nghiệp hồi phục trong "bão giá" đầu vào

- Thứ Tư, 03/11/2021, 06:32 - Chia sẻ
Sản xuất công nghiệp đang dần hồi phục sau 3 tuần Chính phủ ban hành Nghị quyết 128 đánh dấu sự chuyển hướng chính thức sang “sống chung với Covid”. Nhiều nhà máy hoạt động trở lại và nâng dần công suất. Tuy vậy, muôn trùng khó khăn vẫn đang bủa vây doanh nghiệp, đặc biệt là “cơn bão giá” chi phí đầu vào.
	Các nhà máy dệt may tại Đồng Nai đã phục hồi trên 70% công suất. Nguồn: BDN
Các nhà máy dệt may tại Đồng Nai đã phục hồi trên 70% công suất.
Nguồn: BĐN

Tình hình đang tốt lên

Từ cuối tháng 9, khi Đồng Nai mở cửa và nới lỏng các biện pháp chống dịch, nhiều nhà máy đã hoạt động trở lại, đẩy mạnh tìm kiếm, thu hút lao động và nâng dần công suất. Đến ngày 31.10, trong các khu công nghiệp của tỉnh có gần 1.600 doanh nghiệp hoạt động, đạt 93,4%. Số lao động quay lại làm việc tại các nhà máy trong 31 khu công nghiệp là trên 520 nghìn người, đạt gần 85%.

Dệt may là ngành xuất khẩu chủ lực của Đồng Nai. Tính đến ngày 1.11, các nhà máy dệt may trên địa bàn tỉnh đã phục hồi trên 70% công suất so với đầu năm. Một số doanh nghiệp dệt may có 90 - 100% lao động quay lại làm việc như Công ty TNHH Saitex International Đồng Nai, Công ty TNHH Fashion Garments 2, Công ty TNHH Dệt may Eclat Việt Nam, Công ty TNHH Elite Long… Trong tháng 10, kim ngạch xuất khẩu dệt may của Đồng Nai đạt gần 94 triệu USD, tăng khoảng 26% (tương đương 20 triệu USD) so với tháng 9. Lũy kế 10 tháng năm 2021, kim ngạch xuất khẩu dệt may của tỉnh đạt gần 1,28 tỷ USD, đạt hơn 91% so với cùng kỳ năm 2020.

Tại Bình Dương, đến ngày 28.10, có gần 2.000 doanh nghiệp trong các khu công nghiệp đã khôi phục sản xuất, đạt trên 96%. Gần 373 nghìn lao động quay lại làm việc, đạt hơn 76%. Nhiều công ty số lao động quay lại làm việc đạt gần 100% và sản xuất khôi phục hoàn toàn. Hầu hết, người lao động làm việc tại các công ty đều đã được tiêm vaccine phòng Covid-19 mũi 1 và đang tiến hành tiêm phủ mũi 2.

Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết, các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gỗ cũng đi vào ổn định sản xuất nhanh hơn dự kiến, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất “3 tại chỗ”. Kết quả khảo sát Hiệp hội thực hiện từ ngày 10 - 21.10 cho thấy, chỉ 8,3% doanh nghiệp dừng hoạt động; 56% đã áp dụng nhiều hình thức khác nhau để duy trì hoạt động. Về công suất, 67% doanh nghiệp cho biết đang hoạt động trên 70% công suất; 20% doanh nghiệp đạt 50 - 70% công suất và 13% doanh nghiệp chạy dưới 50% công suất. Theo ông Lập, “đây là tín hiệu rất tích cực cho ngành!”. Lũy kế đến giữa tháng 10, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 11,5 tỷ USD. Với đà khôi phục hiện nay, mục tiêu năm nay xuất khẩu 14,5 tỷ USD là trong tầm tay.

Trên bình diện cả nước, số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy sản xuất công nghiệp tháng 10 đã khởi sắc trở lại khi dịch Covid-19 dần được kiểm soát, các biện pháp giãn cách xã hội được nới lỏng. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 10 ước tăng 6,9% so với tháng trước và giảm 1,6% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 10 tháng, IIP ước tăng 3,3% so với cùng kỳ năm trước (cao hơn tốc độ tăng 2,6% của cùng kỳ năm 2020). Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 4,5% (cùng kỳ năm 2020 tăng 4,1%); ngành sản xuất và phân phối điện tăng 4,1%…

“Bão giá” chi phí đầu vào

Bên cạnh triển vọng phục hồi khi Chính phủ và các địa phương thực thi chiến lược thích ứng linh hoạt, an toàn với Covid-19, các doanh nghiệp đang phải đối mặt với nhiều nỗi lo. Đặc biệt, tình trạng khan hiếm nguồn cung nguyên, vật liệu và giá cả hàng hóa đầu vào gia tăng đang làm đau đầu các doanh nghiệp sản xuất.

Ông Châu Minh Nguyên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đồng Nai cho biết, theo phản ánh của các doanh nghiệp thành viên, giá nguyên vật liệu hàng hóa tăng mạnh khiến họ rất khó khăn. Thậm chí, có doanh nghiệp ở Khu công nghiệp Sông Mây cho hay, giá nguyên liệu đầu vào tăng gấp 2, 3 lần nhưng cũng không dễ mua. Ngay cả khi doanh nghiệp sẵn sàng trả giá cao hơn thị trường để có nguyên liệu duy trì sản xuất và trả đơn hàng cho đối tác nhưng cũng không có mà mua.

Đặc biệt, doanh nghiệp đang chịu áp lực lớn từ giá xăng dầu liên tục tăng và chưa có dấu hiệu dừng lại. Trong vòng hơn 1 năm qua, các mặt hàng xăng trong nước đã có 17 lần tăng giá, 3 lần giảm giá và 3 lần giữ nguyên giá với mức tăng hơn 9.000 đồng/lít. Giá nhiên liệu tăng gây “khó khăn kép” cho doanh nghiệp trong quý cuối năm bởi không chỉ giá nguyên liệu nhập khẩu mà cả nguyên vật liệu trong nước cũng tăng theo.

Bên cạnh đó, cước vận tải quá cao và vận chuyển vẫn chưa thông suốt cũng là thách thức lớn của doanh nghiệp. Giá cước vận tải vẫn cao do khan hiếm nguồn cung container rỗng và thiếu hụt nhân công làm việc tại các cảng khiến tắc nghẽn tiếp nhận tàu vào cảng. Dù giá cước một số cảng trong nước có hạ nhiệt ở mức độ nhất định nhưng cước container đi biển, xuất khẩu vẫn cao. Theo dự báo của Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam, giá cước vận tải biển chưa thể hạ nhiệt trong quý IV do đây là cao điểm xuất hàng đi các nước bán trong dịp lễ Giáng sinh và Tết Dương lịch.

Cơn bão giá chi phí đầu vào chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và tiến trình phục hồi nền kinh tế. Theo TS. Bùi Trinh, giá xăng tăng 10% sẽ khiến chỉ số giá sản xuất (PPI) của cả nền kinh tế tăng khoảng 0,58%. Trong trường hợp không thể tăng giá bán (do khách không chấp nhận) nhưng giá xăng dầu vẫn tăng trong chi phí đầu vào của các ngành kinh tế thì sẽ làm GDP giảm 2,02%.

Hà Lan