Tổng kết và trao giải cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc năm 2021:

Sân chơi văn hóa - trí tuệ bổ ích

- Thứ Tư, 10/11/2021, 16:00 - Chia sẻ
Sáng 10.11, tại Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức Lễ tổng kết và trao giải cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc năm 2021. Cuộc thi được phát động nhằm triển khai Đề án Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ.
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy trao giải cho các Đại sứ Văn hóa đọc tiêu biểu và thí sinh giành giải Nhất, Nhì 

Bồi dưỡng nhân cách, tâm hồn

Vụ trưởng Vụ Thư viện (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), Trưởng Ban tổ chức cuộc thi, ông Phạm Quốc Hùng nhận xét, mặc dù bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, cuộc thi vẫn thu hút được đông đảo học sinh, sinh viên tham gia và có sức lan tỏa rộng rãi.

Là năm thứ 3 được tổ chức, cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc năm 2021 thu hút hơn 870.000 học sinh, sinh viên từ gần 6.900 trường tiểu học, THCS, THPT, ĐH. Trong đó, những nơi có số lượng bài dự thi đông và đạt chất lượng là Bộ Công an và các tỉnh Hà Nam, Hải Phòng, Bắc Giang, Thái Nguyên, Gia Lai, Quảng Ninh, Phú Thọ...

Vụ trưởng Vụ Thư viện Phạm Quốc Hùng cho biết, năm nay có nhiều bài dự thi có thể được biên tập để in thành sách

“Cuộc thi đã phát huy sự sáng tạo, trí tưởng tượng phong phú của học sinh, sinh viên. Các bài dự thi năm nay đã nâng cao về chất lượng, nhiều bài dự thi bằng hình thức song ngữ Anh - Việt được thể hiện ấn tượng. Nhiều câu chuyện cảm động trong những trang sách hay được chia sẻ. Nhiều tác phẩm có giá trị khoa học và giá trị nghệ thuật cũng được các thí sinh chuyển đến bạn bè và cộng đồng... Đặc biệt, một số bài dự thi cho thấy cuộc thi đã thực sự trở thành một sân chơi, một diễn đàn để học sinh, sinh viên chia sẻ kinh nghiệm đọc sách hiệu quả...”, ông Hùng khẳng định.

Theo đánh giá từ Ban Giám khảo, qua các bài dự thi, văn hóa đọc đã có tác động rất lớn đến việc hình thành trí tuệ, nhận thức, nhân cách của học sinh, sinh viên. Lòng nhân ái, vị tha, biết quan tâm đến người khác đã được hình thành và nuôi dưỡng từ việc đọc sách. Một số học sinh, sinh viên đã âm thầm trở thành những đại sứ văn hóa đọc, đem sách và tình yêu sách đến với những hoàn cảnh còn khó khăn trong cộng đồng.

Trải lòng trong từng trang viết

Ban Giám khảo nhận xét, cuộc thi đã xuất hiện nhiều bài viết được đầu tư công phu về mặt hình thức, sáng tạo thành các mô hình độc đáo, mới lạ trong cách trình bày, để lại nhiều ấn tượng. Nhiều bài dự thi được viết tay, trang trí, minh họa đẹp mắt.

Đại sứ Văn hóa đọc tiêu biểu Nguyễn Minh Phương, lớp K63KHCTT, Khoa Nông học, Học viện Nông nghiệp Việt Nam

Vinh dự đại diện cho 3 thí sinh đoạt danh hiệu Đại sứ Văn hóa đọc tiêu biểu, Nguyễn Minh Phương, lớp K63KHCTT, Khoa Nông học, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, xúc động cho biết, tình cờ đến với cuộc thi, cô càng hiểu hơn giá trị của sách, thêm yêu sách và tự nhủ sẽ góp sức mình tham gia cùng các đội, nhóm phát triển văn hóa đọc.

“Cuộc thi là cơ hội giúp tôi và nhiều học sinh, sinh viên có cơ hội thể hiện khả năng cũng như mối quan tâm của mình tới sách và văn hóa đọc. Đây cũng là dịp để các bạn trẻ sử dụng thời gian giãn cách trong đại dịch một cách hợp lý, từ đó tiếp tục nuôi dưỡng tình yêu và niềm đam mê với văn hóa đọc. Sau cuộc thi, tôi có thêm nhiều bài học trong việc sử dụng mạng xã hội để chia sẻ giá trị những cuốn sách mình yêu thích, về sở thích đọc sách cũng như các vấn đề liên quan đến sách”, Minh Phương nói.

Trao giải cho các thí sinh có bài thi xuất sắc

Giám đốc Thư viện tỉnh Thái Nguyên Đỗ Bình Nguyên cũng bày tỏ, cuộc thi thực sự kiến tạo một sân chơi văn hóa - trí tuệ bổ ích, lý thú để thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên có cơ hội thể hiện niềm say mê với sách, trải lòng trong từng trang viết và dành trọn tâm huyết qua từng bài dự thi. Qua cuộc thi, nhiều thí sinh ở Thái Nguyên và các địa phương mong muốn góp phần nhỏ bé của mình lan tỏa tri thức và giá trị văn hóa đọc trong cộng đồng, đặc biệt giai đoạn hiện nay, khi văn hóa đọc bị ảnh hưởng, bị mai một trước sự phát triển mạnh mẽ của các nền tảng công nghệ, các mạng xã hội và các phương tiện truyền thông, giải trí”.

Nhiều bài dự thi ấn tượng được trưng bày tại Lễ tổng kết và trao giải

Tuy nhiên, cuộc thi cũng còn một số hạn chế. Cụ thể, một số bài dự thi trình bày chưa tập trung vào trọng tâm; nhiều bài dự thi chưa nêu được yếu tố xuất bản của tác phẩm; đặc biệt vẫn còn tình trạng học sinh, sinh viên sao chép bài thi, lấy ý tưởng từ những bài viết có sẵn trên internet...

Năm 2022, cuộc thi có chủ đề “Khát vọng phát triển đất nước”. Để kết quả cuộc thi trong năm tới có chất lượng cao hơn, ông Phạm Quốc Hùng cho biết, Ban tổ chức sẽ lưu ý hơn công tác phối hợp giữa ngành văn hóa và giáo dục, giữa thư viện và các trường học; vận động tăng số lượng đơn vị đồng hành tham gia; công tác thông tin, truyền thông, quảng bá được đẩy mạnh liên tục trước, trong và sau cuộc thi, nhằm lan tỏa các giá trị và sức ảnh hưởng đến cộng đồng…

3 giải Đại sứ Văn hóa đọc tiêu biểu được trao cho các thí sinh: Đỗ Vy Lam, lớp 6D Trường THCS Điện Biên, TP. Thanh Hóa, Thanh Hóa; Bạch Hải Hạnh, lớp 11N, Trường THPT Hùng Vương, thị xã Phú Thọ, Phú Thọ và Nguyễn Minh Phương, lớp K63KHCTT, Khoa Nông học, Học viện Nông nghiệp Việt Nam.

Bên cạnh đó còn có 8 giải Nhất, 10 giải Nhì, 52 giải Ba, hơn 200 giải Khuyến khích và giải chuyên đề dành cho các bài thi xuất sắc. Giải tập thể được trao cho các đơn vị có thí sinh đạt giải nhiều nhất, đơn vị có thí sinh tham gia nhiều nhất, đơn vị tổ chức tốt vòng sơ khảo…

Hương Sen