Sài Gòn chọn nhớ những điều thương

- Thứ Sáu, 31/12/2021, 06:30 - Chia sẻ
Quá khứ không thể thay đổi, nhưng người ta có thể lựa chọn cách nhớ về. Chưa khi nào Sài Gòn - TP. Hồ Chí Minh im lìm như trong những tháng cao điểm dịch, và cũng chưa khi nào tình người, sự kiên cường của con người lại rực rỡ và lan tỏa mạnh mẽ đến vậy. Tập tản văn “Sài Gòn chọn nhớ những điều thương” không nhằm gợi bi thương, mà như một lưu dấu về thời kỳ chưa kịp xa, và dịch bệnh cũng chưa hề qua, để bạn đọc cùng nhìn lại và nắm tay nhau đi tiếp.
Tập tản văn sẽ được phát hành trên toàn quốc vào ngày 4.1.2022
Tập tản văn sẽ được phát hành trên toàn quốc vào ngày 4.1.2022

Là cuốn sách đầu tiên của NXB Trẻ phát hành toàn quốc trong năm mới 2022 (ngày 4.1), tập tản văn “Sài Gòn chọn nhớ những điều thương” có sự góp mặt của 25 tác giả, trong đó có y bác sĩ, doanh nhân, nhà nghiên cứu, vận động viên, nhà văn, nhà báo, nhiếp ảnh gia... Họ chia sẻ những trải nghiệm sống động từ bệnh viện tuyến đầu, về những điều nhân văn, ý nghĩa đã chứng kiến trong mùa cao điểm dịch, những suy nghiệm và cảm hứng cho thời bình thường mới - cũng là cảm xúc của người dân Thành phố trong thời khắc chuyển giao năm cũ năm mới: Buông bỏ những điều buồn phiền, nuôi dưỡng hy vọng, bước tiếp và sống tốt.

Những ngày này, khi cơn bão dữ mang tên Covid-19 đã dần rút khỏi Sài Gòn - TP. Hồ Chí Minh, ta đọc lại những ghi chép, tâm sự của người trong cuộc vẫn không khỏi bàng hoàng và rợn ngợp, như lời giới thiệu cuốn sách. Bàng hoàng trước mức độ thảm khốc của trận đại dịch: mười mấy nghìn người đã vĩnh viễn ra đi - trong đó có cả nhân viên y tế, lực lượng tình nguyện viên bị nhiễm bệnh khi làm việc, hơn nghìn đứa trẻ thoắt mồ côi, những gia đình lao đao kiệt quệ, và hàng triệu người vẫn sẽ còn chịu đựng những cơn trầm cảm kéo dài vì dư chấn của bệnh hay vì những gì mình đã chứng kiến…

Và rợn ngợp, vì sự hy sinh, lòng can đảm và tình yêu thương mà người Việt Nam dành cho nhau, cũng như nghĩa cử của thế giới dành cho Việt Nam. Các y bác sĩ và nhân viên y tế nhiều tháng liền không thấy ánh mặt trời, quay cuồng bên giường bệnh nhân; các chiến sĩ tăng gấp nhiều lần khối lượng công việc hàng ngày; các đoàn thể, ban quản lý khu phố, tổ chức tình nguyện… hoạt động không mệt mỏi để kết nối và chia sẻ những tấm lòng, với vô vàn công việc có tên lẫn không tên; và hàng triệu người dang tay đùm bọc lẫn nhau, từ chăm sóc trẻ sơ sinh có mẹ bị nhiễm bệnh đến vận chuyển hàng hóa, bệnh nhân, từ cho nhau bình oxy, viên thuốc, hộp sữa, ký gạo, bó rau… đến lời động viên, để cùng đi qua những tháng ngày khốc liệt. Trong căng thẳng, những âm thanh huyền dịu đã cất lên, xoa dịu tổn thương, mất mát, và để không ai thấy mình cô độc trong trận chiến này.

Doanh nhân Đàm Hà Phú (tác giả Chuyện nhỏ Sài Gòn bao nhớ) kể lại: “Có những người bạn, mà tôi biết rõ là không phải giàu có dư dả gì, vẫn sẵn lòng góp mười tấn gạo cho chúng tôi đi phát cho bà con. Có người hễ khi có chút tiền thì gửi vài trăm ký rau xanh, mấy gói đồ khô… Khi đi phát, tôi chứng kiến những người nhận quà tiếp tục san sẻ phần quà nhỏ nhoi đó cho những hàng xóm còn khó khăn hơn mình. Thấy thiệt sự chứ không phải “cảnh trên tivi”. Dịch bệnh càng kéo dài tôi mới nhận ra người mình giàu có quá, họ giàu lòng thương, họ giàu sẻ chia, họ giàu nhơn ái. Rồi chúng ta sẽ vượt qua những ngày này, và kể lại với con cháu, cách mà chúng ta đã vượt qua nó, không phải bằng thuốc hay vaccine, mà bằng cách chúng ta đã dìu nhau như thế nào, chúng ta đã chia sẻ với đồng bào ra sao, mỗi ngày. Không thể quên những điều buồn, nhưng mà tôi chọn nhớ những điều thương. Sài Gòn đang đứng dậy, một sáng mai, sáu rưỡi, nhịp sống lại sôi réo khắp nơi”.

Với bác sĩ Nguyễn Minh Hảo Hớn, Trưởng khoa Mũi Xoang, Bệnh viện Tai Mũi Họng TP. Hồ Chí Minh, “những ngày ở Khu điều trị Covid-19, tôi càng cảm nhận ý nghĩa của cuộc sống và tình người ấm áp lan tỏa. Các y bác sĩ, nhân viên y tế và bà con khó khăn đã luôn nhận được sự quan tâm, sẻ chia của tất cả mọi người. Có những người chưa bao giờ gặp mặt, nhưng sẵn sàng nấu hàng trăm suất cơm ngon lành, nóng hổi mỗi ngày dành tặng tuyến đầu; Có người đóng góp những ngày lương để mua khẩu trang, mua máy trợ thở, tặng cho bệnh viện để cấp cứu bệnh nhân; Có người dành số tiền tích cóp xây nhà để mua rau củ, thịt trứng hỗ trợ người nghèo tại cách khu cách ly. Biết bao tấm gương thầm lặng, biết bao người đã quên bản thân mình. Chúng ta đã cùng nhau đi qua những ngày tháng khó khăn nhất và cũng đã sống những ngày đáng sống nhất trong cuộc đời mình. Đại dịch rồi sẽ qua đi, nhưng tình người sẽ còn mãi mãi”.

Hơn 100 ngày qua sẽ là ký ức không thể nào phai mờ với những ai đã chứng kiến, đã đi qua. Nhiều bài học lớn sẽ được rút ra từ đây. Và chúng ta sẽ mãi mãi yêu thương nhau, như đã từng, để cùng xây dựng một thế giới bình yên như nguyện ước. 100% lợi nhuận từ cuốn sách này sẽ được NXB Trẻ đóng góp vào Quỹ Phòng, chống Covid-19. Các tác giả, nhiếp ảnh gia trong sách cũng nhận mức nhuận bút tượng trưng để đồng hành với NXB Trẻ, trong đó nhiều người tặng nhuận bút của mình để góp quỹ.

“Mình thương các em và dân Sài Gòn thương cả đoàn mình. Ngoài phần ăn từ đội hậu cần của Học viện, có nhiều anh chị nghe nói đoàn từ Hà Nội vào đã gửi bánh, sữa… và nhiều đồ khác, lại thường xuyên hỏi xem có cần gì nữa không. Một câu hỏi nữa mà người dân hay hỏi bọn mình là: “Đi xa lâu thế có nhớ nhà không?” Nhớ chứ! Có cô cậu sinh viên chưa từng đi xa nhà, khi gọi điện về cho gia đình xong mếu máo chực khóc. Có những câu hỏi mà gia đình các em luôn luôn lặp lại, dù gọi điện bao nhiêu lần: “Con có khỏe không?” “Công việc bận không?” “Ăn cơm chưa?”… và ngược lại, các em mỗi khi rảnh cũng dõi theo tin dịch xem nhà mình có bình an không. Đôi khi mình cũng muốn động viên các em, nhưng chỉ có thể nói “cố lên”, chứ không nói “sắp được về”. Bởi khi đi cả đoàn đã xác định công việc còn cần thì còn ở lại, không hẹn ngày về!”.

Bác sĩ  Nguyễn Thế Anh, Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam - trong đoàn vào hỗ trợ Sài Gòn chống dịch

 

Hà Linh Ngọc