Sách nghệ thuật - khoảng trống cần bồi lấp

- Thứ Hai, 10/05/2021, 07:32 - Chia sẻ
Trong các lĩnh vực, bao gồm cả mỹ thuật, việc có nguồn sách chất lượng phục vụ học tập, nghiên cứu là rất cần thiết. Tuy nhiên, hiện tại, dòng sách mỹ thuật ở Việt Nam vẫn còn khoảng trống, chưa đáp ứng được nhu cầu của những người đang học tập, nghiên cứu lĩnh vực này.

Nhu cầu lớn

Theo một khảo sát nhanh, sinh viên Khoa Hội họa, Trường ĐH Mỹ thuật Việt Nam, cho biết thường tìm kiếm, thu nhận kiến thức về nghệ thuật qua internet, trong bối cảnh công nghệ số phát triển như hiện nay. Đây là kho tàng mở vô tận, nhưng cũng có những hạn chế là thông tin không chính thống, thuật ngữ được dịch nhiều khi thiếu chuẩn xác, khó bảo đảm về mặt chuyên môn.

	Nhu cầu về sách mỹ thuật cần được các đơn vị xuất bản quan tâm - Ảnh: Omega
Nhu cầu về sách mỹ thuật cần được các đơn vị xuất bản quan tâm  
Ảnh: Omega

PGS.TS. Lê Văn Sửu, Hiệu trưởng Trường ĐH Mỹ thuật Việt Nam, cho biết, dù có những hình thức khác nhau phục vụ nhu cầu nâng cao tri thức, học tập, thì sách vẫn rất quan trọng, không thể thay thế. Thực tế, hiện nay, các nghệ sĩ, giảng viên, sinh viên mỹ thuật vẫn có nhu cầu về tư liệu, tác phẩm, công trình khoa học có chất lượng, uy tín phục vụ quá trình sáng tác, học tập, nghiên cứu, phê bình...

Hiện nay, sinh viên Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, từ năm thứ 3 học chuyên ngành, ngoài luyện kỹ năng sáng tạo, còn cần nghiên cứu, tìm hiểu lịch sử, tư duy sáng tác của các giai đoạn, so sánh, đối chiếu các thời kỳ, khu vực... Nếu không được tiếp cận tri thức một cách có hệ thống, sẽ ảnh hưởng tới quá trình sáng tạo. “Trước khi trở thành con người sáng tạo, con người văn hóa của sinh viên, sau này là nghệ sĩ độc lập, cần được bồi đắp. Ngoài văn hóa nền, sự tiếp cận đa dạng về các hình thức nghệ thuật là điều quan trọng. Và việc có những đầu sách nghệ thuật là cần thiết, đặc biệt là sách công cụ, nói về các trường phái, tư tưởng, thời kỳ... Điều này tác động trực tiếp đến việc giảng dạy cũng như học tập của sinh viên” - nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn, giảng viên Khoa Hội họa chia sẻ.

Không chỉ nghệ sĩ và những người học ngành mỹ thuật, theo nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn, gần đây, nhu cầu sưu tập, thưởng thức nghệ thuật đã phát triển, nhiều nhà sưu tập, người yêu nghệ thuật cũng chú ý bồi đắp kiến thức nền về lĩnh vực này. Do đó, việc cung cấp sách nghệ thuật cho mọi người cần được các đơn vị xuất bản quan tâm.

Vẫn còn khoảng trống

Từng du học và tham gia giao lưu nghệ thuật ở châu Âu, Mỹ, sau những chuyến đi ấy, nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn thường mang về nhiều sách nghệ thuật. “Khi chưa có internet, tiếp cận với các cuốn sách từ nước ngoài gần như là duy nhất để tìm hiểu thế giới. Tuy nhiên, sách nước ngoài nhập về Việt Nam chủ yếu là sách phổ thông. Sách về nghệ thuật hiện đại, cận đại, sách công cụ, rất cần thiết với người học mỹ thuật, thì gần như không có. Do vậy, mỗi lần ra nước ngoài, tôi mua các sách bằng tiếng Anh, tiếng Trung”.

Nhưng không phải ai cũng có cơ hội tiếp cận nguồn sách này. ThS. Trần Hoàng Sơn, Phó Trưởng khoa Hội họa cho biết: Trước kia ở thư viện có nhiều sách ngoại văn, từ Nga, Pháp... tuy nhiên, khi nghiên cứu, học tập, tiếp cận sách này có rào cản ngôn ngữ, nên chủ yếu để xem tranh, mà không phải sách nào in màu cũng chuẩn. Sách nghệ thuật được dịch ra tiếng Việt còn khá ít. Hiện nay, qua internet và với trình độ ngoại ngữ tốt hơn, một số bạn trẻ tìm mua sách điện tử bằng tiếng Anh, nhưng không thuận tiện bằng sách giấy và sách được chuyển sang tiếng Việt.

Gần đây, đã có những cuốn sách nghệ thuật được dịch ra tiếng Việt công phu, in ấn chất lượng tốt. Đây là cơ hội tốt để người đọc Việt Nam tiếp cận các ấn phẩm mỹ thuật thế giới. Dù vậy, so với nhu cầu của độc giả, sách lĩnh vực này hiện vẫn rất thiếu. Thường xuyên tìm kiếm sách chuyên ngành mỹ thuật, Hoàng Huệ Phương, khoa Hội họa cho biết: “So với những năm trước, Việt Nam đã có những đầu sách lý luận nghệ thuật của dịch giả Nguyễn Như Huy, Trịnh Lữ. Nhưng sách về thực hành mỹ thuật hầu như vắng bóng, chỉ có 'Kỹ thuật vẽ sơn dầu' của tác giả Nguyễn Đình Đăng, nhưng đó chỉ là một kiểu vẽ, chưa nói các chất liệu khác như đến sơn mài, lụa... Trên thế giới có nhiều đầu sách liên quan đến thực hành nghệ thuật nói chung, không chỉ là hội họa mà chuyên ngành khác”.

Nhiều sinh viên cũng bày tỏ mong muốn tìm hiểu về nghệ thuật phương Đông, có các sách lý luận, nghiên cứu về mỹ thuật Trung Quốc, Nhật Bản... Không chỉ vậy, sách về mỹ thuật truyền thống cũng còn hạn chế, không có các đầu sách chuyên ngành, đáp ứng nhu cầu tìm hiểu mỹ thuật dân gian, hay mỹ thuật thời kháng chiến, về chất liệu sơn mài...

Trước thực tế này, bà Trần Hoài Phương, Giám đốc sản xuất Công ty Sách Omega Việt Nam, đơn vị quan tâm tới xuất bản dòng sách nghệ thuật, chia sẻ: “Khi làm sách nghệ thuật, Omega đặt ra phương châm mang lại tri thức nền tảng trên các lĩnh vực. Tuy nhiên, vì mảng sách mỹ thuật còn khoảng trống lớn ở Việt Nam, nên khi bắt đầu thực hiện, chúng tôi thấy mọi thứ mênh mông, nhiều thứ phải làm. Do sức có hạn, chúng tôi lựa chọn những nấc thang đầu tiên và nền tảng nhất về nghệ thuật, từ đó dần đi xa hơn nữa”.

Sắp tới, Omega Việt Nam không chỉ giới thiệu sách nghệ thuật kinh điển phương Tây, mà còn hướng tới xuất bản các sách nghệ thuật tiêu biểu về nghệ thuật phương Đông, bên cạnh duy trì xuất bản sách về lịch sử văn hóa Việt Nam... để giới thiệu tới độc giả trong nước.

Ngọc Phương