Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội:

Sách giáo khoa phải bảo đảm chuẩn mực, khoa học

- Thứ Năm, 11/11/2021, 13:27 - Chia sẻ
Sáng 11.11, dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội tiến hành Phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn.

Tăng trách nhiệm đối với Hội đồng thẩm định sách giáo khoa

Sách giáo khoa luôn là công cụ hỗ trợ thiết yếu cho học sinh. Nêu vấn đề này, ĐBQH Trần Công Phàn (Bình Dương) nêu câu hỏi với Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo: Nhiều cử tri cho rằng sách giáo khoa hiện nay còn nhiều lỗi, sạn - ý kiến Bộ trưởng thế nào? Nếu ý kiến này đúng thì Bộ trưởng đã và sẽ làm gì để khắc phục tình trạng này nhằm nâng cao chất lượng sách giáo khoa?

Ảnh: Quang Khánh
ĐBQH Trần Công Phàn (Bình Dương)
Ảnh: Quang Khánh

Về giải pháp đối với sách giáo khoa, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng, để có được một bộ sách giáo khoa thực sự chất lượng cần nhiều yếu tố, trong đó yếu tố người soạn là một yếu tố cực kỳ quan trọng. Tiếp đó, quy trình biên soạn là việc tổ chức thẩm định việc dạy thực nghiệm là việc lấy ý kiến của các đối tượng liên quan khác nhau.

Bộ đang làm rất ráo riết thời gian vừa qua là sửa đổi Thông tư 33/2020/TT-BGDĐT quy định về biên soạn, thẩm định, xuất bản sách giáo khoa. Văn bản này đang gửi lấy ý kiến trên trên mạng và trong đó chủ trương không đợi các tác giả, nhóm các nhà xuất bản mang bản mẫu đến thì Bộ tổ chức thẩm định mà Bộ chủ trương có giám sát đồng hành các nhóm tác giả ngay từ đầu, mặc dù xã hội hóa nhưng cần có sự giám sát toàn bộ quá trình và sự đồng hành của lực lượng quản lý chứ không chỉ phó thác cho các nhà xuất bản và các nhóm tác giả.

Bộ cũng nâng cao các yêu cầu, tiêu chuẩn của các thầy cô, nhà khoa học tham gia soạn sách. Các tổ chức, cá nhân tham gia biên soạn sách giáo khoa thì cần đăng ký trước cũng giống như đăng ký kinh doanh để còn biết trước kế hoạch. Thêm vào đó, tiêu chuẩn của các thành viên trong Hội đồng cũng sẽ được điều chỉnh và những người tham gia biên soạn sẽ không tham gia Hội đồng. Hội đồng thẩm định sẽ có thêm một yêu cầu, có thể sẽ tăng thêm áp lực cho các thầy tham gia Hội đồng thẩm định là Hội đồng thẩm định toàn bộ sẽ được ghi tên vào cuốn sách giáo khoa và phải cùng chịu trách nhiệm. Như vậy, cần rất nhiều yếu tố trong đó, Bộ, lực lượng quản lý cần phải theo sát, giám sát và hỗ trợ toàn bộ chứ không phó thác cho các tổ chức và cá nhân trong quá trình làm thì mới có thể làm tốt được các việc tăng cường chất lượng của sách giáo khoa.

ĐBQH Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng)
Ảnh: Quang Khánh

Nêu ý kiến tranh luận, ĐBQH Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) chỉ rõ, "sách sai thì học sinh cũng đã mua rồi, đã hỏng cho nên dư luận đang trông chờ vào việc giải quyết dứt điểm, kịp thời và minh bạch của Bộ và cần có sự trả lời trước công luận càng sớm càng tốt. Tôi cho rằng tập thể tác giả và Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam phải có trách nhiệm lắng nghe, giải trình trước công luận và đưa ra hướng khắc phục. Bộ Giáo dục Đào tạo là cơ quan có thẩm quyền phê duyệt sách giáo khoa, trách nhiệm trước hết là của Hội đồng thẩm định giao Bộ thành lập; hai là cơ quan tham mưu của Bộ; và thứ ba là lãnh đạo Bộ. Dù việc phê duyệt sách giáo khoa của nhiệm kỳ trước nhưng trách nhiệm quản lý nhà nước là xuyên suốt, cho nên lãnh đạo Bộ cần chỉ đạo Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam và tập thể tác giả sách giáo khoa nói trên trả lời công luận, nếu có sai sót thì lãnh đạo Bộ phải chỉ đạo sửa chữa, khắc phục và xử lý theo thẩm quyền", đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy đề nghị.

Sách giáo khoa sạn và sỏi - liệu có công bằng?

Trả lời câu hỏi của ĐBQH Nguyễn Thị Hồng Hạnh (TP Hồ Chí Minh) về đánh giá bước đầu những ưu tiên và hạn chế của chương trình giáo dục theo bộ sách giáo khoa mới đối với lớp 1, lớp 2 và lớp 6, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng, về ưu điểm của sách giáo khoa mới, chúng ta được nghe nói và được biết nhiều qua các phương tiện thông tin đại chúng về “sỏi và sạn” vì cứ có một “viên sạn” thì mạng nói rất nhiều và chúng ta đều biết. Nhưng trong đó là sản phẩm trí tuệ của hàng trăm nhà giáo, các nhà khoa học thì rất ít ai nói đến. Vậy liệu có công bằng? Vừa qua, Bộ có tổng kết, đánh giá về việc một năm triển khai sách giáo khoa mới, phối hợp với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục tổ chức hội nghị đánh giá thì cho thấy ý kiến của các cô trực tiếp dạy lớp 1 cũng phản ánh rằng sách giáo khoa mới được thiết kế theo chương trình 2018 và các cô rất hứng thú trong việc dạy.

Với tính mở, sách giáo khoa là công cụ để giáo viên được chủ động, hứng thú hơn. Như vậy đã cho thấy chủ trương của chương trình giáo khoa chương trình 2018 theo hướng từ trang bị kiến thức chuyển sang phát triển năng lực của học sinh là một hướng đi đúng và Nghị quyết 88/2019/QH14 của Quốc hội là đúng đắn trong việc đổi mới chương trình phổ thông. Người dạy hào hứng hơn và qua đánh giá thì học sinh lớp 1 thì chủ động hơn, khả năng đọc viết năng động hơn. Đây là một điều mới chỉ là riêng lớp 1, để đánh giá được cả chương trình phổ thông chỉ qua lớp 1 thì chưa nói được thật nhiều nhưng cũng là dấu hiệu để chúng ta quyết tâm tiếp tục con đường đổi mới mà chúng ta đã chọn. Không chỉ vì một vài “viên sỏi, viên sạn” mà nghi ngờ cả một chủ trương rất lớn của Đảng, của Quốc hội và của ngành giáo dục.

Quan tâm tới chất lượng bộ sách giáo khoa hiện nay, ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu (Bình Định) nêu ý kiến tranh luận: Bộ trưởng khẳng định là chương trình giáo dục phổ thông mới là đúng hướng và tốt. Tuy nhiên, đánh giá hiệu quả chương trình thông qua sách giáo khoa. Tuy nhiên, sách giáo khoa của chúng ta trong hai năm vừa qua thì đưa vào áp dụng trên đại trà mới chỉ thực hiện quy trình rút gọn, chỉ dạy thử nghiệm 10% số tiết học, không dạy trên phạm vi hẹp như các chương trình sách giáo khoa trước đây. Vậy theo Bộ trưởng thì có cần một quy trình bất di bất dịch trong việc quyết định sử dụng những bộ sách giáo khoa trong tương lai không rút ngắn, thay đổi hay bất cứ một nguyên nhân gì. Bộ trưởng có nghiên cứu khách quan thống kê việc triển khai trong thời gian vừa qua chưa?

Sách giáo khoa chúng ta đang biên soạn và sử dụng để phục vụ triển khai chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 so với sách giáo khoa trong chương trình cũ trước đây có sự khác nhau về tính chất, về cách thức sử dụng. Hiện nay trong chương trình 2018 thì chương trình giáo dục đó là có tính chất pháp điển, là chỗ dựa vào nhu cầu để kiểm tra, đánh giá sách giáo khoa bây giờ được xem là học liệu. Đây là căn cứ để có thể xã hội hóa và mới triển khai có nhiều bộ khác nhau.

Tuy nhiên, quan điểm của Bộ, “bất kỳ tài liệu nào dù là học liệu được dùng đưa vào giảng dạy trong nhà trường cũng phải đạt đến chuẩn mực tính khoa học và tính sư phạm. Dẫu đó là pháp điển hay đấy là tài liệu thì cũng đều cần phải chuẩn mực và chủ trương của chúng tôi cố gắng để có sản phẩm sách giáo khoa tốt nhất”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn khẳng định.

Việc thực nghiệm sách đối với tài liệu, việc thực nghiệm quá trình triển khai thiên về cách thức giáo viên sử dụng thế nào, thực hành ra sao để thực hiện chương trình. Còn tài liệu về mặt khoa học, chính xác, đúng sai thì trách nhiệm thuộc về Hội đồng thẩm định quốc gia. Tuy nhiên, trong Thông tư 33/2020/TT-BGDĐT trước không nêu tỷ lệ thực nghiệm là bao nhiêu phần trăm mà chỉ nêu trong hồ sơ trình độ thì có mô tả minh chứng về việc thử nghiệm trong việc sửa Thông tư 33/2020/TT-BGDĐT để nhằm tăng cường chất lượng cụ thể là tối thiểu là 10%, 15%, 20% cho các sách giáo khoa với dung lượng, đặc điểm khác nhau. Việc này còn đang đăng để xin ý kiến.

Bộ trưởng khẳng định, ý kiến của ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu rất quan trọng và Bộ sẽ xem xét trong quá trình hoàn thiện Thông tư này trước khi ký ban hành.

Hồ Long