Tản mạn

Sách giáo khoa

- Thứ Ba, 13/10/2020, 08:34 - Chia sẻ
Kể cả những vấn đề tưởng như luôn đúng trong sách giáo khoa, trên thực tế vẫn luôn cần kiểm tra, luôn phải đặt câu hỏi nghiêm túc, phải góp ý, phải hoài nghi, không phải để gây khó dễ cho ai, mà là để hướng tới sự chuẩn mực tuyệt đối về phương pháp sư phạm.

Hồi mới nghỉ hưu, bố tôi hay ngồi sửa bản thảo sách giáo khoa (SGK). Chả là bố tôi có nhiều học trò làm bên Bộ GD -  ĐT, biết ông hưu nên gửi bản thảo sang nhờ thầy sửa, đặng có thêm đồng ra đồng vào và cho ông đỡ buồn. 

Lúc đó tôi đang học cấp 3. Thỉnh thoảng tôi thấy bố vừa sửa sách vừa bảo "chết thật, viết sách thế này mà để cho con nhà người ta học thì có chết không!". Bố giải thích cho tôi rằng SGK cần cơ bản và phải chuẩn mực về khái niệm, định nghĩa, bởi vì nếu như người học tiếp cận sai trong lần đầu tiên thì sẽ không bao giờ làm được cái gì đúng cả.

Để lấy ví dụ, bố đọc cho tôi nghe một đoạn trong bản thảo môn Hình học lớp 6 như sau: “Đường thẳng là một đường đi qua 2 điểm”. Sau đó, ông giải thích rằng trình bày khái niệm như vậy là không ổn, vì anh không thể dùng chính nó để giải nghĩa nó (dùng khái niệm “đường” để giải nghĩa khái niệm “đường thẳng”). Thêm vào đó, một đường cong cũng là “đường” và nó vẫn có thể đi qua 2 điểm nhưng nó không phải là “đường thẳng”. 

Tôi hỏi bố thế phải định nghĩa thế nào cho đúng. Bố tôi nói theo giáo trình của Nga thì “đường thẳng” là một khái niệm nguyên thủy dùng để chỉ một đối tượng hình học trong không gian hai chiều, không có độ dày, không có độ cong và dài vô tận. Nó là một khái niệm, không có “định nghĩa” và được sử dụng để xây dựng nên các khái niệm hình học khác. 

   Sau đó, ông nói thêm cho tôi nghe một chút về điểm, đường, diện, khối, hay các loại biến dạng không - thời gian, di chuyển trong không - thời gian để tôi thấy rằng nếu nắm vững khái niệm, người học có thể phát triển lý thuyết vượt qua khả năng nhận biết dựa trên tri giác thông thường. Nghe rất hay. 

Bố tôi là người làm khoa học rất cẩn trọng trong câu chữ nên học trò nể. Ông nghiên cứu vật lý nhưng vẫn xem sửa cả sách các môn khác vì phương pháp luận vững và có cả chuyên môn về khoa học sư phạm. Ông bảo, những bộ sách chuẩn mực, người ta phải nghiên cứu, biên soạn nghiêm túc qua hàng thế hệ mà vẫn không thể hoàn hảo chứ đừng nói là những cuốn phạm phải những lỗi tối thiểu... 

Hồi trước, bố tôi có một bài nghiên cứu về chuyển động tròn đều, một vấn đề tưởng như rất đơn giản, ai cũng biết, ai cũng thuộc; nhưng nghiên cứu ấy của ông đã dẫn đến việc Liên Xô phải sửa lại toàn bộ SGK phổ thông. Cho nên, kể cả những vấn đề tưởng như luôn đúng trong SGK, trên thực tế vẫn luôn cần kiểm tra, luôn phải đặt câu hỏi nghiêm túc, phải góp ý, phải hoài nghi, không phải để gây khó dễ cho ai, mà là để hướng tới sự chuẩn mực tuyệt đối về phương pháp sư phạm (ngay cả khi ta biết rằng không có gì là tuyệt đối cả). 

KTS Lê Quang (từ Berlin)