Rượu, thuốc lá và tem điện tử

- Thứ Năm, 15/04/2021, 09:05 - Chia sẻ
Từ 15.5.2021, rượu, thuốc lá nhập khẩu và sản xuất trong nước phải dán tem điện tử. Việc hướng dẫn in, phát hành, quản lý và sử dụng tem điện tử rượu và thuốc lá quy định tại Thông tư số 23/2021/TT-BTC vừa được ban hành. Đây là cách làm mới, mạnh dạn áp dụng công nghệ trong quản lý hàng hóa, sản phẩm đang được vận dụng đối với thị trường tiêu thụ.
Mẫu tem điện tử thuốc lá
Mẫu tem điện tử thuốc lá

Thuốc lá và rượu là hai mặt hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt khi lưu hành trên thị trường có dán tem chống hàng giả, hàng lâu thuế... Các doanh nghiệp dựa vào việc dán tem sản phẩm, tem chống giả kiểm soát thị trường hàng hóa của các đơn vị mình và kiểm soát thị trường tiêu thụ. Trong thực tế thì tem sản phẩm đều có thể làm giả, tem chống giả thì được quay vòng hoặc cũng có thể làm giả. Đây là tồn tại trong chống hàng giả, hàng nhái liên quan đến rượu bia, thuốc lá là mặt hàng thường có tỷ lệ “giả, nhái” cao nhất. Việc phát hành tem điện tử một mặt góp phần chống hàng giá, hàng nhái. Mặt khác, tem điện tử mang lại nhiều tiện ích cho quản lý, sản xuất và tiêu dùng khi chứa đựng thông tin, dữ liệu liên quan đến mặt hàng có thể tra cứu, tổng hợp số liệu ngay lập tức trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan; phục vụ tích cực công tác quản lý của doanh nghiệp; quản lý nhà nước hiệu quả và dễ dàng hơn khi bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. 

Việc triển khai dán tem điện tử hai mặt hàng trên là cần thiết nhưng quá trình chuẩn bị thực hiện mới là khâu quyết định thành công. Cơ quan Hải quan, Thuế và các cơ quan liên quan cần hết sức khẩn trương, thận trọng, khắc phục các vướng mắc trong chuẩn bị và cần hướng dẫn đầy đủ, kịp thời với cán bộ thực hiện và doanh nghiệp thực hiện. Trong giai đoạn này, phải kiểm soát hệ thống quản lý điện tử để truy xuất và sản xuất tem đồng bộ, vận hành trước một bước; kiểm tra năng lực thực tế và lường trước các trường hợp sự cố xảy ra bảo đảm thực thi đồng loạt trong phạm vi cả nước đúng thời điểm và thời hạn hoàn thành.

Đối với doanh nghiệp nhập khẩu và sản xuất trong nước đặt ra yêu cầu tem có chất lượng đảm bảo chống giả được, phải cung cấp đầy đủ, kịp thời số lượng và và đúng hạn. Đồng thời, doanh nghiệp phải tổ chức quy trình dán tem đúng yêu cầu, thời gian, quy định hướng dẫn như: Mỗi bao thuốc lá được dán 1 con tem điện tử. Trường hợp bao thuốc lá có sử dụng màng kính bọc bên ngoài thì tem điện tử phải được dán vào bao thuốc lá trước khi bọc màng bóng kính bên ngoài. Tem được dán tại vị trí đảm bảo nguyên tắc khi mở bao thuốc lá tem sẽ rách. Mỗi chai rượu được dán 1 con tem điện tử. Tem rượu được dán vắt qua nơi rượu có thể được lấy ra trên bao bì chứa sản phẩm đảm bảo khi mở nắp thì tem sẽ rách và không thể sử dụng lại…

Người tiêu dùng sẽ được bảo vệ thế nào khi không thể truy xuất trực nguồn gốc của sản phẩm thông qua mã QR trên tem điện tử. Đây là quyền lợi người tiêu dùng hướng tới. Vì vậy phải có giải pháp công nghệ để họ có thể “soi” QR dễ dàng tra soát nguồn gốc của sản phẩm qua điện thoại mà không cần thiết phải vào cổng thông tin điện tử của Chính phủ hay của Tổng cục Thuế mới kiểm tra được nguồn gốc. Đây cũng là cách để người tiêu dùng “thông minh” tự kiểm soát chất lượng sản phẩm, xuất xứ hàng hóa của mình; tự bảo vệ mình và cùng phát hiện đấu tranh hàng hàng giả, hàng nhái.

Cuối cùng vẫn là vấn đề triển khai thực hiện. Nếu không chuẩn bị chu đáo, đủ điều kiện, lực lượng, công nghệ, thời gian, tập huấn kỹ lưỡng, đảm bảo nghiêm túc…, thì việc thực thi quy định sẽ chậm trễ, nửa vời, lặp lại cách làm cũ, trở nên hình thức và lãng phí tiền của xã hội, doanh nghiệp; tạo ra thói quen nhờn quy định.

Thanh Hà