Rủi ro lạm phát không quá lớn?

- Thứ Bảy, 03/07/2021, 05:45 - Chia sẻ
Tại Hội thảo "Diễn biến thị trường, giá cả ở Việt Nam 6 tháng đầu năm và dự báo cả năm 2021" ngày 2.7, đại diện Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính cho rằng rủi ro lạm phát năm nay không lớn. Mục tiêu kiểm soát chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cả năm dưới 4% là trong tầm kiểm soát của Chính phủ nếu không có những yếu tố quá đột biến xảy ra.

Áp lực từ giá nguyên, nhiên liệu 

      Theo Tổng cục Thống kê, CPI bình quân 6 tháng đầu năm nay tăng 1,47% so với cùng kỳ năm 2020. Mức tăng này chỉ cao hơn cùng kỳ năm 2015 và thấp hơn khá nhiều so với các năm còn lại của giai đoạn 2011 - 2020. Lạm phát cơ bản bình quân 6 tháng tăng 0,87% so với cùng kỳ năm 2020.

       Theo PGS.TS. Nguyễn Bá Minh, Viện trưởng Viện Kinh tế tài chính, CPI tăng chủ yếu do giá các nguyên, nhiên vật liệu tăng. Cụ thể, giá xăng dầu trong nước tăng 17,01%; giá gas tăng 16,51%; giá dịch vụ giáo dục tăng 4,47%; giá gạo tăng 6,97%; giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 5,03%,… Ở chiều ngược lại, các yếu tố kiềm chế CPI là giá thực phẩm giảm 0,39%; giá du lịch trọn gói giảm 2,85%; cước vận tải giảm…

     Chuyên gia kinh tế PGS.TS. Ngô Trí Long nhận định, CPI tăng 1,47% - thấp nhất trong 6 năm trở lại đây - tạo điều kiện để kiểm soát lạm phát đạt mục tiêu đề ra. Tuy nhiên không nên chủ quan vì CPI đang có xu hướng tăng. Áp lực ngày càng nhiều, nhất là trong bối cảnh giá nguyên, nhiên liệu đầu vào trên thế giới và giá sản xuất trong nước đang tăng cao. Trong 6 tháng đầu năm, chỉ số giá nguyên, nhiên liệu dùng cho sản xuất tăng 4,79% so với cùng kỳ, cao nhất từ năm 2013.  

6 tháng đầu năm CPI chỉ tăng 1,47%
Nguồn: ITN

Phải tính cho cả năm tới

      Theo đại diện Cục Quản lý giá, rủi ro lạm phát năm nay không lớn. Mục tiêu CPI cả năm dưới 4% trong tầm kiểm soát của Chính phủ nếu không có những yếu tố quá đột biến xảy ra. Tuy nhiên, kiểm soát lạm phát phải hết sức thận trọng, linh hoạt và chủ động, đồng thời không chỉ hướng thuần túy đến chỉ tiêu năm nay mà còn phải tính cho năm tới.

       TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện kinh tế tài chính phân tích, 6 tháng qua CPI tăng trung bình 0,27%/tháng thì lạm phát so với cùng kỳ năm trước sẽ tăng từ 2,41% lên 3,28% vào tháng 12.2021, đồng thời lạm phát trung bình cả năm sẽ ở mức 2,12%. Trường hợp giá xăng dầu tiếp tục tăng mạnh và CPI giả định tăng trung bình 0,5%/tháng, lạm phát sẽ đạt 4,71% vào tháng 12.2021 nhưng lạm phát trung bình cả năm cũng chỉ ở mức 2,53%. “Sự sụt giảm của cầu tiêu dùng nội địa, lạm phát cơ bản thấp cùng với giá thực phẩm giảm đã cân bằng tác động của giá xăng dầu, vật liệu xây dựng tăng cao. Mục tiêu kiềm chế lạm phát trung bình dưới 4% chắc chắn đạt được". Mặc dù vậy, TS. Nguyễn Đức Độ  cho rằng, lạm phát thấp do tổng cầu yếu  không hẳn là điều đáng mừng.

       Tương tự, trong 2 kịch bản PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh đưa ra, mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4% vẫn có thể đạt được. Theo đó, nếu dịch bệnh vẫn tiếp diễn phức tạp, kinh tế thế giới phục hồi chậm, kinh tế Việt Nam 6 tháng cuối năm tăng trưởng 6,8 - 7%, khả năng lạm phát cả năm là 3,3 - 3,5%. Nếu dịch bệnh được khống chế trong tháng 7 và không lây lan vào các doanh nghiệp, khu công nghiệp, kinh tế thế giới phục hồi tốt, GDP sẽ đạt 7% - 7,4% và lạm phát cả năm 3,8 - 4%. Theo ông Thịnh, để giữ CPI dưới 4% cần đẩy mạnh phòng chống dịch Covid-19 và phòng ngừa các loại dịch bệnh trên gia súc, gia cầm. 

        Các ý kiến tại hội thảo cũng cho rằng, Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục theo dõi sát biến động của nền kinh tế thế giới và thị trường tài chính - tiền tệ, chủ động điều hành linh hoạt lãi suất, công cụ thị trường mở, điều chỉnh tỷ giá hối đoái linh hoạt. Tổng cục Quản lý thị trường và Cục Quản lý giá cần tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động giá cả, thị trường, nhất là hàng hóa dịch vụ thiết yếu…

Hạnh Nhung