Rục rịch cuộc đua vào ghế Thủ tướng Nhật Bản

- Thứ Sáu, 28/08/2020, 05:37 - Chia sẻ
Cuộc tổng tuyển cử của Nhật Bản sẽ diễn ra vào tháng 10 năm sau và Thủ tướng Shinzo Abe còn hơn một năm tại vị. Tuy nhiên, ngay từ bây giờ, cuộc đua kế nhiệm ông đã rục rịch diễn ra trong bối cảnh uy tín cá nhân ông Shinzo Abe đang giảm đáng kể.

Sóng gió trên chính trường

Theo East Asia Forum, diễn biến chính trị gần đây đã đè nặng Chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe khiến nhiều nhà quan sát tin rằng nhiệm kỳ thứ 4 của ông với tư cách Chủ tịch LDP thực sự không bền vững.

Hiện nay mức độ uy tín của nội các Nhật Bản dưới thời Thủ tướng Abe đã giảm từ hơn 70% vào năm 2013 xuống còn thấp hơn 30%. Nhiều bê bối đình đám như vụ bán đất công ở trường Moritomo Gakuen với giá thấp hơn nhiều so với giá thị trường, can thiệp để giúp Viện Giáo dục Kake Gakuen giành được suất xây trường thú y ở đặc khu kinh tế, dùng tiền công quỹ để tổ chức bữa tiệc ngắm hoa anh đào nhằm trả ơn những người ủng hộ... đã gây khó khăn cho Chính phủ của ông. Các bộ trưởng có liên quan đã phải từ chức nhưng Thủ tướng Abe không đưa ra câu trả lời thỏa đáng về việc ông bị cáo buộc tham gia các hoạt động phi đạo đức nói trên.

Ngoài ra, nhiều cử tri còn chỉ trích phản ứng của Thủ tướng trước đại dịch Covid-19, cho rằng ông ưu tiên kinh tế và ngoại giao hơn sức khỏe cộng đồng. Theo họ, Thủ tướng đã đưa ra thông báo hoãn Thế vận hội mùa bè 2020 quá muộn và từng muốn thể hiện sự nhạy bén ngoại giao của mình bằng cách tiếp đón Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hồi tháng 4 cho dù lúc đó đất nước gấu trúc đang là ổ dịch Covid-19 lớn nhất thế giới. Khi ấy, nhiều học giả coi số ca nhiễm bệnh và tử vong vì đại dịch tương đối thấp của xứ sở Phù tang là “phép màu”.

Những lo ngại về tình hình sức khỏe của Thủ tướng Abe cũng dấy lên khi ông liên tiếp tới thăm khám tại bệnh viện gần đây. Thủ tướng đã phải lên tiếng trấn an là đi khám định kỳ và tình hình sức khỏe không có gì nghiêm trọng. Nhưng một số người vẫn chưa yên tâm, dẫn chứng rằng ông từng bất ngờ từ chức năm 2007, một năm sau khi bắt đầu nhiệm kỳ Thủ tướng đầu tiên vì viêm loét đại tràng.

Mặc dù Thủ tướng Abe nay đã trở lại làm việc và chiếc ghế của ông vẫn an toàn, nhưng các chính trị gia LDP rục rịch chuẩn bị cho một chính phủ hậu Abe. Một cuộc cải tổ nội các và những xáo trộn liên quan đến đội ngũ lãnh đạo chủ chốt trong LDP đang nằm trong danh sách chuẩn bị cho sự thay đổi người đứng đầu đảng vào năm tới.

Theo quy trình dân chủ của đảng LDP, các thành viên và nghị sĩ của đảng đều bỏ phiếu để bầu Chủ tịch LDP. Do LDP đang chiếm đa số trong Quốc hội, nên người đứng đầu đảng này sau đó sẽ sớm được bổ nhiệm Thủ tướng. Vì LDP không hẳn là đảng thống nhất và dựa trên một hệ tư tưởng nên các phe phái nội bộ đóng vai trò quan trọng trong các cuộc bầu cử chủ tịch cũng như quá trình lựa chọn các bộ trưởng và lãnh đạo hàng đầu của LDP. 

Ngoài việc bảo đảm sự ủng hộ của các phe phái và số phiếu bầu giữa các đảng viên, chủ tịch đảng phải được coi là có đủ tín nhiệm của cử tri để giành chiến thắng trong cuộc bầu cử quốc gia. Thủ tướng Abe từng đạt được hai tiêu chí trên, mặc dù trong một số trường hợp, chẳng hạn như cựu Thủ tướng Nhật Bản Junichiro Koizumi, sự yêu thích của cử tri đối với ông còn quan trọng hơn ủng hộ của phe phái.

Những cái tên sáng giá

Các nhà quan sát nhìn nhận, nội bộ LDP có khoảng 7 phe phái, ngoại trừ những người điều hành các nhóm nhỏ riêng hoặc thích độc lập. Từ trước tới nay, chưa có nghị sĩ độc lập hoặc không liên kết nào từng được bầu làm Chủ tịch đảng LDP.

Hiện có một số ứng viên tiềm năng mà tên tuổi thường xuyên xuất hiện trên phương tiện truyền thông. Nổi bật là Trưởng ban Chính sách LDP Fumio Kishida, cựu Tổng Thư ký Shigeru Ishiba, Bộ trưởng Quốc phòng Taro Kono và Ngoại trưởng Toshimitsu Motegi. Ngoài ra, Thống đốc Tokyo Yuriko Koike và Thống đốc Osaka Yoshimura Hirofumi cũng nằm trong danh sách ứng cử viên đáng gờm vì thể hiện khả năng lãnh đạo tốt trong đối phó với đại dịch Covid-19. Bên cạnh đó, nhiều tin tức đang nổi lên nhận định lựa chọn ưu tiên của ông Abe cho vị trí thủ tướng là Chánh văn phòng Nội các Yoshihide Suga, song ông này đã khẳng định không quan tâm đến cuộc đua giành chế Chủ tịch đảng.

Hai nhà lãnh đạo quyền lực của LDP mà sự hỗ trợ của họ đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc bầu Chủ tịch đảng tiếp theo, đó chính là Thủ tướng Abe và Tổng thư ký LDP Toshihiro Nikai. Ông Abe là Thủ tướng tại vị lâu nhất của Nhật Bản trong khi ông Nikai cũng là Tổng thư ký (vị trí quyền lực thứ hai, sau chủ tịch) tại vị lâu nhất.

Thủ tướng Shinzo Abe thuộc về phe lớn nhất - phe Hosoda với 98 nghị sĩ. Thực tế, phe này đã hỗ trợ ghế cho tất cả thủ tướng của LDP trong hai thập kỷ qua, bắt đầu với ông Yoshiro Mori năm 2000 và tiếp tục đến ông Abe, ngoại trừ ông Taro Aso năm 2008 là người đứng đầu phe của mình.

Trong khi đó, Tổng Thư ký LDP Nikai, chính trị gia kỳ cựu hơn 80 tuổi, tuy không tham gia cuộc đua, nhưng vai trò lại không hề nhỏ nhờ mức độ ảnh hưởng rộng khắp trong đảng. Ông cũng dẫn đầu nhóm 47 nghị sĩ, trong đó các thành viên không đề cử ứng viên của nhóm cho vị trí chủ tịch đảng.

Trong cuộc thăm dò gần đây nhất do tờ Mainichi Shimbun tiến hành hôm 22.8, ông Shigeru Ishiba đang được xếp ở vị trí số 1, ông Taro Kono ở số 2 và đương kim Thủ tướng Abe là số 4. Các xếp hạng trên cho thấy uy tín của Thủ tướng Abe đang giảm dần, đồng thời tiết lộ ông Ishiba mới là người sáng giá nhất, cho dù thực tế ông lâu rồi không giữ chức vụ gì trong nội các cũng như trong đảng. Trong khi đó, ứng cử viên Taro Kono sẽ phụ thuộc vào việc người đứng đầu phe phái là ông Taro Aso có ủng hộ hay không.

Cả ông Ishiba lẫn ông Kono đều từng thất bại khi tranh cử chức chủ tịch đảng trước đây (ông Ishiba các năm 2008, 2012 và 2018, còn ông Kono năm 2009) và cả hai đều có ý định tái tranh cử lần này. Tuy nhiên, câu trả lời rõ ràng về việc ai có thể thay thế Thủ tướng Abe không nằm ở các chỉ số về mức độ yêu thích do truyền thông dẫn dắt. Yếu tố quyết định sẽ là cách các thành viên phe phái cũng như những đảng viên khác của LDP bỏ phiếu.

Ngọc Minh