Dự án Luật Biên phòng Việt Nam

Rõ quy định, tránh chồng chéo

- Thứ Năm, 05/11/2020, 07:04 - Chia sẻ
Dự án luật cần làm rõ quy định liên quan đến nhiệm vụ của lực lượng bộ đội biên phòng để bảo đảm nguyên tắc phối hợp thực thi nhiệm vụ ở khu vực biên giới, cửa khẩu của biên phòng và hải quan. Đó là kiến nghị tại Văn bản 7059/TCHQ-ĐTCBL ngày 3.11 của Tổng cục Hải quan về dự án Luật Biên phòng Việt Nam.

Xác định rõ địa bàn hoạt động

Theo Tổng cục Hải quan, căn cứ Điều 1, Điều 2, Điều 7, Điều 12, Điều 35, Điều 88 Luật Hải quan năm 2014, trong địa bàn hoạt động hải quan, cơ quan hải quan được giao nhiệm vụ thực hiện kiểm tra, giám sát hàng hóa, phương tiện vận tải; tổ chức thực hiện pháp luật về thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; chủ trì thực hiện nhiệm vụ phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới. Đồng thời, chịu trách nhiệm chính, chủ trì xử lý các hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, các cơ quan khác phát hiện hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới trong địa bàn hoạt động hải quan thì phải báo ngay cho cơ quan hải quan để kiểm tra, xử lý.

Cán bộ hải quan thuộc Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan kiểm tra niêm phong hầm tàu buôn lậu hàng hóa đang chờ xử lý
Nguồn: Tổng cục Hải quan

Theo thống kê từ năm 2016 đến tháng 10.2020, cơ quan hải quan đã phát hiện, bắt giữ, xử lý 81.644 vụ việc, trị giá ước tính 10.421 tỷ đồng; khởi tố 245 vụ, chuyển cơ quan khác khởi tố 573 vụ. Đồng thời, phát hiện nhiều vụ việc buôn bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy trong địa bàn hoạt động hải quan và đã phối hợp có hiệu quả với lực lượng biên phòng trong việc bắt giữ, xử lý các đối tượng vi phạm. Đơn cử như vụ việc bắt giữ 98kg ma túy đá giấu trong 5 pho tượng gỗ do máy soi hành lý của cơ quan hải quan phát hiện tại Hà Tĩnh; vụ bắt giữ 500kg ketamin và 276kg ma túy đá trong địa bàn hoạt động hải quan tại TP Hồ Chí Minh...

Để thực hiện nhiệm vụ trên, cơ quan hải quan phải kiểm tra, giám sát, kiểm soát phương tiện xuất nhập cảnh, hàng hóa xuất nhập khẩu, bảo đảm thực hiện chính sách quản lý nhà nước về ngoại thương và thực hiện chức năng thu thuế cho ngân sách nhà nước. Cơ quan hải quan đã xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng, hệ thống máy soi chiếu,… phục vụ công tác kiểm tra, kiểm soát phương tiện, hành lý xuất nhập cảnh, hàng hóa xuất nhập khẩu để thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước trong lĩnh vực hải quan.

Trong khi đó, một số quy định trong dự án Luật Biên phòng Việt Nam về chức năng, nhiệm vụ của bộ đội biên phòng có những điểm chưa rõ ràng, cần sửa đổi cho phù hợp, để tránh chồng chéo với Luật Hải quan. Đơn cử như tại Khoản 3 Điều 5 dự án Luật Biên phòng Việt Nam quy định nhiệm vụ của biên phòng “đảm bảo việc thi hành pháp luật ở khu vực biên giới, cửa khẩu”. 

Theo đại diện Tổng cục Hải quan, quy định như dự thảo là rất rộng, chưa rõ ràng. Bởi thực tế, tại khu vực cửa khẩu có nhiều lực lượng thực thi pháp luật như hải quan, kiểm dịch động vật, kiểm dịch thực vật, kiểm dịch y tế, công an…. Vì vậy để bảo đảm cho công tác thi hành pháp luật biên phòng, Tổng cục Hải quan đề nghị, Ban soạn thảo rà soát, nghiên cứu chỉ rõ giới hạn, phạm vi, nhiệm vụ của bộ đội biên phòng. Theo đó, nên sửa đổi, bổ sung nhiệm vụ của biên phòng là “đảm bảo việc thi hành luật này ở khu vực biên giới, cửa khẩu”. 

Bảo đảm nguyên tắc phối hợp, thực thi nhiệm vụ

Việc bảo đảm nguyên tắc phối hợp, thực thi nhiệm vụ phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới của các lực lượng chức năng cũng là yêu cầu cấp thiết đặt ra trong giai đoạn hiện nay, đòi hỏi quy định pháp luật phải thống nhất, đồng bộ. 

Theo Khoản 1 Điều 88 Luật Hải quan, “trong phạm vi địa bàn hoạt động hải quan, cơ quan hải quan chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan đối với hàng hóa, phương tiện vận tải để chủ động phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới. Trường hợp hàng hóa, phương tiện vận tải chưa đưa ra khỏi phạm vi địa bàn hoạt động hải quan mà cơ quan, tổ chức, cá nhân phát hiện có hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới thì cơ quan, tổ chức, cá nhân đó báo ngay cho cơ quan hải quan để kiểm tra, xử lý”. 

Bên cạnh đó, Khoản 1 Điều 2 Quyết định số 19/2016/QĐ-TTg ban hành Quy chế về trách nhiệm và quan hệ phối hợp hoạt động giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả cũng xác định, mỗi địa bàn, lĩnh vực do một cơ quan chịu trách nhiệm chính, chủ trì và tổ chức phối hợp trong công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; các cơ quan khác có trách nhiệm phối hợp, tham gia với lực lượng chủ trì theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được pháp luật quy định. Trường hợp phát hiện hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả trên địa bàn hoặc lĩnh vực cơ quan khác chủ trì thì cơ quan phát hiện thông báo ngay cho cơ quan có trách nhiệm chủ trì xử lý để phối hợp hỗ trợ lẫn nhau, hoàn thành tốt nhiệm vụ theo chức năng nhiệm vụ được phân công.

Song, tại điểm d Khoản 2 Điều 10 dự án Luật Biên phòng Việt Nam quy định nguyên tắc phối hợp thực thi nhiệm vụ biên phòng, “khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật trên cùng một địa bàn thuộc thẩm quyền xử lý của nhiều cơ quan, tổ chức, lực lượng; cơ quan, tổ chức, lực lượng nào phát hiện trước thì xử lý theo quy định của pháp luật”. Theo đại diện Tổng cục Hải quan, quy định này chưa bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với quy định của Luật Hải quan.

Do đó, Tổng cục Hải quan đề nghị, sửa đổi điểm d Khoản 2 Điều 10 dự án Luật theo hướng, khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật trên cùng một địa bàn thuộc thẩm quyền xử lý của nhiều cơ quan, cơ quan theo quy định của pháp luật được giao chủ trì sẽ chịu trách nhiệm chính kiểm tra, xử lý. Cơ quan, tổ chức, lực lượng phát hiện hành vi vi phạm pháp luật nhưng không phải là đơn vị chịu trách nhiệm chính, chủ trì hoặc không có thẩm quyền xử lý thông báo ngay và phối hợp với cơ quan chịu trách nhiệm chính, có thẩm quyền xử lý để kiểm tra, xử lý theo quy định pháp luật. Trường hợp cần thiết để ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật, sau khi áp dụng các biện pháp cần thiết phải chuyển giao hồ sơ, người, phương tiện, tang vật vi phạm pháp luật cho cơ quan, tổ chức, lực lượng có thẩm quyền giải quyết. Cơ quan tổ chức, lực lượng tiếp nhận có trách nhiệm thông báo kết quả xử lý cho cơ quan, tổ chức, lực lượng chuyển giao biết.

Dương Cầm