Trợ giúp pháp lý cho nạn nhân bạo lực gia đình:

Rào cản từ chính nạn nhân

- Chủ Nhật, 12/12/2021, 10:44 - Chia sẻ
Luật Trợ giúp pháp lý 2017 quy định nạn nhân bạo lực gia đình có khó khăn về tài chính được trợ giúp pháp lý. Theo đó, kể từ ngày 1.1.2018, những người là nạn nhân trong vụ việc bạo lực gia đình, có khó khăn về tài chính thuộc diện được trợ giúp pháp lý. Đây là quy định mới bổ sung tại Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017, so với Luật Trợ giúp pháp lý 2006.

Khó tiếp cận, xử lý

Theo số liệu báo cáo thống kê của các địa phương, năm 2020 và 6 tháng đầu năm 2021, các Trung tâm Trợ giúp pháp lý đã thực hiện 110 vụ việc cho nạn nhân bạo lực gia đình. Các vụ việc trợ giúp pháp lý cho nạn nhân bạo lực gia đình chủ yếu được thực hiện bằng hình thức tư vấn pháp luật (chiếm 87,2%). Các nạn nhân bạo lực gia đình được trợ giúp pháp lý chủ yếu là phụ nữ.

Không hiếm nạn nhân bạo lực giới vì những lý do khác nhau mà chưa biết đến trợ giúp pháp lý

Nguồn ITN

Còn theo thống kê của Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về Giới – Gia đình - Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA) thì trong 6 tháng đầu năm 2021, văn phòng hỗ trợ người bị bạo lực của CSAGA đã tiếp nhận và xử lý 1.268 cuộc tư vấn thông qua các hình thức khác nhau, bao gồm cả tư vấn qua đường dây nóng và tư vấn qua tin nhắn trên Facebook. Trong số đó, 56,1% các cuộc tư vấn là các ca khẩn cấp và ca cần được hỗ trợ lập tức trong đêm. Như vậy, có thể thấy sự chênh lệch đáng kể giữa những vụ việc nạn nhân được trợ giúp pháp lý và những nạn nhân được tư vấn qua đường dây nóng, hoặc ứng dụng công nghệ. Dù có sự khác nhau thì đây đều là những con số biết nói về tình trạng bạo lực giới.

Điều đáng quan tâm là, vẫn còn một bộ phận không nhỏ người dân, trong đó có cả phụ nữ, trẻ em gái và người thân của họ vẫn chưa thật quan tâm, chưa hiểu biết về pháp luật và quyền được trợ giúp pháp lý hoặc còn e ngại khi tiếp cận với cơ quan, tổ chức có liên quan, kể cả tổ chức và người thực hiện trợ giúp pháp lý.

Tâm lý muốn giấu kín vụ việc của nạn nhân đã ảnh hưởng đến việc trợ giúp pháp lý
Nguồn ITN

Đại diện Cục Trợ giúp pháp lý, Bộ Tư pháp nên thực tế, nhiều người thuộc diện được trợ giúp pháp lý, nhất là phụ nữ, nạn nhân bạo lực gia đình… thường muốn giấu kín vụ việc hoặc cam chịu, không chia sẻ thông tin khi có vụ việc xảy ra; họ thường chỉ yêu cầu giúp đỡ khi sự việc đã trở nên trầm trọng hoặc bị phát hiện. Một số người dân tộc thiểu số không biết chữ, không nói được tiếng phổ thông; một số người khuyết tật không dễ dàng vượt qua mặc cảm để thể hiện ý muốn của mình… Do vậy, rất khó cho các cơ quan, tổ chức hữu quan có thể sớm phát hiện và có những biện pháp hỗ trợ phù hợp; khó cho những người thực hiện trợ giúp pháp lý tiếp cận và thực hiện vụ việc.

Để người dân biết đến quyền được trợ giúp

Từ thực tiễn áp dụng Luật Trợ giúp pháp lý cho thấy, để người thuộc đối tượng được trợ giúp pháp lý biết đến quyền lợi của mình là một trong những chìa khóa của hoạt động này. Vậy nhưng theo đánh giá của Cục Trợ giúp pháp lý, Bộ Tư pháp thì nội dung truyền thông có chỗ còn chưa thật sự phong phú và hấp dẫn, chưa phù hợp với các đối tượng đặc thù, chưa chú ý yếu tố giới, tuổi tác, tâm lý, hoàn cảnh và địa bàn sinh sống của người dân; chưa phản ánh sinh động thực tế công tác trợ giúp pháp lý nên chưa thu hút sự quan tâm của xã hội, người dân về trợ giúp pháp lý.  

Hơn nữa, sự thông tin, phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức trong quá trình thực hiện một số hoạt động hay nhiệm vụ của mình có lúc, có nơi chưa được kịp thời, chưa hiệu quả. Việc chuyển, gửi vụ việc từ các cơ quan, tổ chức có liên quan đến tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý và ngược lại chưa được thường xuyên, đầy đủ và kịp thời.

Đưa pháp luật về trợ giúp pháp lý đến với người dân

Nguồn ITN

Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Kiên Giang Bùi Đức Độ cho rằng, cần tăng cường và đổi mới hoạt động truyền thông về quyền của người được trợ giúp pháp lý là nạn nhân bạo lực gia đình; đặc biệt là nhóm đối tượng là nạn nhân bạo lực gia đình để vượt qua rào cản quan niệm xã hội.

Ở góc độ khác, Đại diện Sở Tư pháp Nghệ An nêu quan điểm, việc phát hiện, can thiệp sớm là biện pháp cần được ưu tiên. Bởi sẽ giảm đi rất nhiều hậu quả đối với nạn nhân. Chính vì thế cần tăng cường sự phối hợp giữa các tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý với các cơ quan có liên quan (cơ quan tố tụng, các cơ quan, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội, đặc biệt là Hội liên hiệp phụ nữ các cấp, Đoàn thanh niên, Hội nông dân ...) để sớm phát hiện và thực hiện trợ giúp pháp lý kịp thời cho người được trợ giúp pháp lý, trong đó có nạn nhân vụ việc bạo lực gia đình, phân biệt đối xử.

Điểm d, Khoản 2, Điều 57 Dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) đã bổ sung quy định: Trung tâm Trợ giúp pháp lý là một trong trong những cơ sở trợ giúp phòng, chống bạo lực gia đình  và các tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý có trách nhiệm trong việc tư vấn pháp lý trong việc giải quyết vụ việc bạo lực gia đình; bảo vệ người bị bạo lực gia đình trong quá trình xét xử tại tòa án.

Phạm Hải