Ranh giới xã hội hóa và lạm thu

- Thứ Ba, 08/09/2020, 06:06 - Chia sẻ
Trước thềm mỗi năm học mới, hàng loạt văn bản hướng dẫn các cơ sở giáo dục thực hiện công khai những khoản thu chi đầu năm học theo đúng quy định hiện hành đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành. Năm học 2020 - 2021, Bộ còn đề nghị HĐND cấp tỉnh thống nhất quy định về mức học phí phù hợp với thực tế của các vùng trên địa bàn quản lý và phù hợp với bối cảnh ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Tuy nhiên, “đến hẹn lại lên”, sự biến tướng của lạm thu mượn danh xã hội hóa giáo dục, tài trợ giáo dục… lại diễn ra khiến dư luận xã hội hết sức bất bình.

Một trường tiểu học ở Thái Nguyên, từ nhiều năm nay, cứ vào lớp 1, 2 học sinh ngồi chung một bàn sẽ đóng tiền mua một bộ bàn ghế mới với giá 550.000 đồng/học sinh. Nhà trường còn mua trước chăn gối đưa về các lớp 1 và yêu cầu giáo viên chủ nhiệm thu mỗi học sinh 200.000 đồng. Trường cũng kêu gọi toàn thể phụ huynh đóng góp ủng hộ nhà trường tiền để làm nhiều việc, nói là ủng hộ tùy tâm nhưng lớp nào ủng hộ ít, hiệu trưởng bêu tên trước trường, bị xếp hạng bét bảng vào đúng dịp 20.11.

Năm ngoái, tại nhiều trường của tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, phụ huynh đã buộc phải nộp khoản tiền “tài trợ giáo dục” dưới hình thức “tự nguyện” với mức tối thiểu là từ 300.000 - 700.000 đồng/học sinh tùy theo bậc học (chỉ trừ những gia đình có giấy chứng nhận hộ nghèo là không phải nộp). Nhà trường lập sẵn danh sách, cô giáo chủ nhiệm đưa cho mỗi phụ huynh 1 tờ giấy đánh máy theo mẫu in sẵn ghi là “tự nguyện” rồi bảo phụ huynh nộp tiền và ký vào, phụ huynh không được nộp dưới mức tối thiểu mà nhà trường đã quy định.

Thực tế, sự biến tướng của lạm thu mượn danh xã hội hóa giáo dục, tài trợ giáo dục… vẫn liên tiếp sinh sôi nảy nở dưới các hình thức khác nhau, không một “hàng rào” quy định nào ngăn cản được. Phổ biến là Ban Giám hiệu giao “chỉ tiêu” cho giáo viên chủ nhiệm, Ban đại diện cha mẹ học sinh mà không thông qua cuộc họp phụ huynh để thống nhất các khoản đóng góp, thì không thông báo rõ ràng, mạch lạc; không có giấy tờ, danh sách chi tiết từng khoản thu... Dẫn đến việc phản đối, đến mức gay gắt kể cả với những khoản đóng góp chưa hợp lý.

Tất nhiên, trong bối cảnh ngân sách nhà nước còn hạn chế, việc huy động các nguồn lực xã hội để đầu tư, nâng cao điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục là chính đáng và hết sức cần thiết. Đặc biệt, trong bối cảnh của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 và yêu cầu đòi hỏi về chất lượng dịch vụ giáo dục, điều kiện học tập ngày càng cao của xã hội. Nhưng dường như, ranh giới giữa xã hội hóa và lạm thu núp bóng tự nguyện lại đang được những người thực hiện chủ trương chưa hiểu đúng, làm đúng. Hiểu sai quy định, không công khai, minh bạch đã dẫn đến tới cách thức triển khai không phù hợp.

Thực tế cho thấy, nhiều phụ huynh có điều kiện kinh tế tốt muốn cùng nhà trường nâng cao chất lượng dạy - học cho các con. Nhưng cũng vẫn còn rất nhiều phụ huynh khó khăn về kinh tế, nhất là trong bối cảnh hàng triệu gia đình bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Nhiều phụ huynh mất việc, bị giãn việc, giảm thu nhập nhưng vẫn phải bảo đảm lo ăn, lo mặc, học hành cho các em, việc lạm thu sẽ làm tăng gánh nặng cho phần lớn các gia đình.

Việc huy động xã hội hóa kiểu cào bằng sẽ gây ra bức xúc cho người nộp, dù tinh thần thu là tự nguyện. Do đó, để bảo đảm tính hiệu quả và bền vững và tránh lạm thu, nhà trường phải thực hiện tốt trách nhiệm giải trình, minh bạch các khoản thu, cân nhắc tới tính hợp lý và điều kiện kinh tế cụ thể của các gia đình khi đưa ra các kêu gọi đóng góp.

Chi An