Tản mạn

Ranh giới

- Thứ Bảy, 11/09/2021, 06:25 - Chia sẻ
Chúng ta đang sống trong một cuộc chiến mà sự tồn tại của các bác sĩ quyết định tới cuộc chiến này. Họ bảo vệ chúng ta, và cũng rất cần chúng ta hợp sức bảo vệ họ...

Ranh giới là cuộc chiến đấu 24/24 của các y, bác sĩ tại Bệnh viện Hùng Vương (TP. Hồ Chí Minh) để giành giật hơi thở cho các sản phụ bị mắc Covid-19. Đó là một cuộc chiến không cân sức khi nhân lực, vật lực của bệnh viện có hạn. 

Kẻ thù vô hình luôn rình rập, bất cứ lúc nào cũng có thể hút cạn hơi thở yếu ớt của người mẹ. Sinh mệnh của sản phụ và đứa con trong bụng hoàn toàn phụ thuộc vào đội ngũ y, bác sĩ.

Phim tài liệu “Ranh giới” của đạo diễn Tạ Quỳnh Tư, phát sóng 20h10 tối 8.9 trên VTV1 hẳn đã làm nhiều người bị ám ảnh.

Bộ phim đã cho thấy một phần khốc liệt của cuộc chiến mà mọi người vừa “mong” được nhìn thấy và vừa mong nó đừng xảy ra. Suốt 4 tháng qua, khi tất cả mọi người bị giam trong nhà, ai cũng có câu hỏi lớn: “Ngoài kia có gì?”. 

Đó là nhu cầu được biết, nhu cầu truy tìm sự thật bằng bất cứ phương tiện nào: kênh tin tức, mạng xã hội, truyền khẩu, tự phán đoán…

Nhu cầu đó càng lớn khi các nguồn thông tin chính thống luôn tỏ ra mẫu mực, tiết chế và luôn thúc giục người ta đoàn kết, tin tưởng...

Một lần nữa thể loại tài liệu trực tiếp cho thấy sự lợi hại của nó. Phim tài liệu trực tiếp sẽ để hiện thực, để nhân vật tự cất lời, thay vì dùng lời bình để dẫn dắt. Với cách làm đó, phim tài liệu trực tiếp tạo cho nó vẻ khách quan hơn hẳn thể loại tài liệu “truyền thống” dùng lời bình.

Tất nhiên sự khách quan mà phim tài liệu trực tiếp đem lại cũng chỉ là sự khách quan tương đối, phụ thuộc vào nhận thức chủ quan của đạo diễn. Xem phim tài liệu, tức là ta đang quan sát hiện thực thông qua quan sát của đạo diễn. 

Phim chỉ là một lát cắt mỏng manh của hiện thực, mà nhà làm phim cố gắng tái hiện chân thực nhất có thể. Trong thâm tâm chúng ta đều biết, hiện thực luôn khốc liệt hơn phim.

“Ranh giới” đã trổ ra một ô cửa sổ giúp khán giả biết được ngoài kia có gì, giúp chúng ta nhận thức rõ hiện thực: Nguồn lực xã hội của chúng ta có hạn, đội ngũ y tế đang lao lực để cứu lấy tính mạng của người dân. 

Chúng ta đang sống trong một cuộc chiến mà sự tồn tại của các y, bác sĩ quyết định tới cuộc chiến này. Họ bảo vệ chúng ta, và cũng rất cần chúng ta hợp sức bảo vệ họ.

Một thông điệp quan trọng dành riêng cho khán giả mà phim tài liệu “Ranh giới” cũng như 3 tập phim tài liệu “Chuyện ở thành phố thức” phát trước đó muốn truyền đến khán giả là:

Để chiến thắng Covid-19, ngoài bác sĩ, thuốc thang, máy thở, bệnh nhân cần giữ vững tinh thần ham sống, phối hợp thật tốt với các bác sĩ, giữ lấy từng nhịp thở của mình. 

Sau khi một người bạn của tôi vượt qua được Covid-19, tôi đã tranh thủ “phỏng vấn” anh. Anh nói anh nghe theo lời khuyên các bác sĩ, hàng ngày anh cố gắng tập thở, cố gắng ăn uống, giữ vững niềm ham sống và không sợ chết. 

Anh không hề phàn nàn về điều kiện, hoàn cảnh, mà chỉ nói thế này: “Đang thời chiến, có rau muống mà ăn là tốt rồi, mắc gì còn đòi hỏi phải có sấu dầm vô canh”.

Ngọc Diệp