Ra tòa hành chính, sao phải “ngại”?

- Thứ Năm, 25/03/2021, 06:39 - Chia sẻ
Chiều nay (25.3), Quốc hội thảo luận tại tổ về Báo cáo của Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao về công tác của ngành tòa án nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XIV (2016 - 2021). Nhìn lại chặng đường trong 5 năm, chúng ta có thể mừng vì những kết quả mà ngành tòa án đã đạt được, trong đó có kết quả giải quyết án hành chính.

Tính đến năm 2020, không còn vụ án nào để quá thời hạn luật định do nguyên nhân chủ quan. Tuy vậy, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, trong quá trình giải quyết vụ án hành chính việc triệu tập người bị kiện là Chủ tịch UBND, UBND tham gia tố tụng tại tòa án gặp nhiều khó khăn...

Trong 5 năm qua, các tòa án đã thụ lý 36.354 vụ án hành chính; đã giải quyết, xét xử được 32.466 vụ, đạt tỷ lệ 89,3%, vượt chỉ tiêu yêu cầu nghị quyết của Quốc hội đề ra. Nếu như năm 2018 các tòa án giải quyết được 50%, năm 2019 là 59%, thì đến năm 2020 đã giải quyết đạt 68,8%. So với chỉ tiêu Nghị quyết số 96/2019/QH14 của Quốc hội đặt ra, tỷ lệ giải quyết án hành chính đạt trên 60%, thì kết quả giải quyết án hành chính mà các tòa thực hiện trong năm 2020 vượt 8,8% so với chỉ tiêu Quốc hội giao.

Có được kết quả này là nỗ lực rất lớn. Do tổ chức đối thoại giữa người khởi kiện và người bị kiện được ngành tòa án chú trọng, tích cực giải thích pháp luật để các bên tự thống nhất hướng giải quyết. Trên cơ sở đó, nhiều trường hợp người khởi kiện đã tự nguyện rút đơn hoặc Chủ tịch UBND, UBND chủ động hủy bỏ, sửa đổi quyết định hành chính, chấm dứt hành vi hành chính trái pháp luật.

Khởi kiện vụ án hành chính là việc cá nhân, tổ chức theo quy định của pháp luật tố tụng hành chính yêu cầu tòa án giải quyết vụ án hành chính để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm hại bởi các quyết định hành chính, hành vi hành chính. Đối tượng bị khởi kiện trong các vụ án hành chính là Chủ tịch UBND, UBND... Nhiều người vẫn thường ví khởi kiện án hành chính chẳng khác gì “dân kiện quan”. Trong khi đó, nhiều người bị khởi kiện lại có tâm lý e ngại xuất hiện trước tòa vì lo ngại ảnh hưởng đến hình ảnh cá nhân. Đó cũng là lý do vì sao, việc triệu tập những người bị khởi kiện vẫn còn gặp khó. Đánh giá cao những kết quả tích cực trong giải quyết án hành chính của các tòa án thời gian qua, song theo Ủy ban Tư pháp, “một số vụ án, thẩm phán có sự e ngại, nể nang nhất định đối với cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương”… Tiếc rằng, trong báo cáo của Tòa án Nhân dân Tối cao chưa đề cập đến những tồn tại này.

Người khởi kiện trong các vụ án hành chính ngại xuất hiện trước tòa đã từng được Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long chỉ ra trong báo cáo gửi Quốc hội về việc thực hiện các nhiệm vụ được giao tại các nghị quyết của Quốc hội. Theo đó, một trong những yêu cầu của việc ban hành Luật Tố tụng hành chính năm 2015 là tăng cường hơn nữa trách nhiệm của chính quyền các cấp trong việc tham gia tố tụng, giải quyết khiếu kiện của người dân đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của chính quyền. Song, thực tiễn triển khai thi hành Luật Tố tụng hành chính năm 2015, tỷ lệ Chủ tịch UBND và người đại diện của UBND không tham gia đối thoại, không tham gia phiên tòa còn cao và có xu hướng ngày càng tăng qua các năm. Có những địa phương, Chủ tịch UBND làm văn bản ủy quyền thường xuyên cho Phó Chủ tịch tham gia tố tụng, sau đó Phó Chủ tịch cũng chưa tham gia bất kỳ phiên đối thoại hoặc phiên tòa nào.

Còn theo báo cáo giám sát của Ủy ban Tư pháp về việc chấp hành pháp luật về tố tụng hành chính, trong 3 năm (2015 - 2017), có gần 24% Chủ tịch UBND hoặc người đại diện được ủy quyền không tham gia đối thoại, tham dự phiên tòa xét xử các vụ kiện hành chính. Con số này cho thấy, kỷ luật, kỷ cương của nền hành chính một số nơi chưa nghiêm.

Khoản 3, Điều 60 Luật Tố tụng hành chính quy định rất rõ: Trường hợp người bị kiện là cơ quan, tổ chức hoặc người đứng đầu cơ quan, tổ chức thì người bị kiện chỉ được ủy quyền cho cấp phó của mình đại diện. Người được ủy quyền phải tham gia vào quá trình giải quyết toàn bộ vụ án, thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của người bị kiện. Luật quy định rất rõ, tại sao vẫn có người không tuân thủ? Phải chăng do thực thi pháp luật của chúng ta chưa nghiêm?

Để không nhờn luật, phải xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Muốn vậy, trong báo cáo của Tòa án Nhân dân Tối cao chỉ rõ cá nhân nào, địa phương nào triệu tập Chủ tịch UBND và người đại diện ra tòa còn khó để làm căn cứ xử lý. Mong rằng, với tinh thần trách nhiệm cao, xây dựng một nền hành chính kỷ luật, kỷ cương và bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, đại biểu Quốc hội sẽ thảo luận, hiến kế các giải pháp để sớm chấn chỉnh tình trạng “ngại” ra tòa của những người bị khởi kiện trong các vụ án hành chính.

Ra tòa để đối thoại với dân, sao phải ngại, nếu quyết định của mình là đúng?

Hà An