Rà soát, điều chỉnh để có môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, an toàn, hấp dẫn hơn

- Thứ Sáu, 12/11/2021, 14:07 - Chia sẻ
ĐBQH Đỗ Đức Hồng Hà (TP. Hà Nội) chất vấn 3 vấn đề. Thứ nhất, môi trường đầu tư kinh doanh chưa thực sự thông thoáng, minh bạch. Thứ hai, chưa tạo được đột phá trong huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực phát triển. Đề nghị Bộ trưởng cho biết trách nhiệm của Bộ trưởng về hai vấn đề nêu trên và giải pháp khắc phục trong thời gian tới? Thứ ba, thể chế phát triển điều phối kinh tế vùng chưa được quan tâm và chậm được cụ thể hóa bằng pháp luật nên liên kết vùng còn lỏng lẻo. Đại biểu gửi đến Thủ tướng Chính phủ để làm rõ giải pháp khắc phục vấn đề này trong thời gian tới?

ĐBQH Đỗ Đức Hồng Hà (TP. Hà Nội) chất vấn

Ảnh: Quang Khánh

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, đúng là về môi trường đầu tư kinh doanh có rất nhiều vấn đề. Chúng ta đã có bước tiến quan trọng được cộng đồng trong nước, quốc tế đánh giá cao, các thang hạng, thăng bậc của chúng ta trên các bảng xếp hạng quốc tế liên tục tăng cao trong những năm qua, có Nghị quyết 02 trước đây, bây giờ là Nghị quyết 19 về cải cách thủ tục hành chính, môi trường đầu tư và nâng cao sức cạnh tranh nền kinh tế. Bộ trưởng cho rằng, với đầy đủ hệ thống giải pháp và tổ chức triển khai thực hiện mang lại kết quả tích cực. Tuy nhiên còn có những vấn đề cần rà soát, điều chỉnh để có môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, an toàn hơn, hấp dẫn cho nhà đầu tư trong nước cũng như nước ngoài, nhất là hệ thống pháp luật. Các thủ tục hành chính, điều kiện đất đai, mặt bằng, hạ tầng, nhân lực, thái độ thân thiện các địa phương với các nhà đầu tư, nếu không tốt thì môi trường đầu tư không tốt thì họ sẽ đi địa phương khác hoặc là đi nước khác. Bộ trưởng nhấn mạnh, cần tăng cường công tác này hơn trong thời gian tới.

Về huy động và sử dụng nguồn lực đất nước có nhân lực, vật lực và tài lực. Đã có nhiều kết quả tốt huy động nguồn lực này cho phát triển đất nước nhưng vẫn còn có những khiếm khuyết, lãng phí, thất thoát, chưa hiệu quả… Điều này đã xác định trong chiến lược 10 năm, kế hoạch 5 năm, để huy động được trong dân, phân bổ, sử dụng hiệu quả phục vụ phát triển đất nước.

Về liên kết vùng, đây là vấn đề quan trọng nhưng chưa làm được bao nhiêu vì chúng ta không có thể chế vùng, ngân sách vùng, cơ chế điều phối để liên kết vùng. Thời gian tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp tục nghiên cứu để từ quy hoạch vùng, cơ chế liên kết, điều phối trong phát triển vùng, rồi có các đầu tư tham mưu cho Chính phủ đầu tư cho công trình mang tính liên vùng thì khi đó liên kết vùng mới thực sự hiệu quả và có ý nghĩa.

PV