Hòa Bình

Quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII

- Thứ Hai, 22/11/2021, 06:51 - Chia sẻ
Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hòa Bình lần thứ XVII xác định mục tiêu đến năm 2025, kinh tế của tỉnh đạt mức trung bình của cả nước; đến năm 2030, trở thành tỉnh phát triển, thuộc nhóm dẫn đầu trong khu vực trung du, miền núi Bắc Bộ và đến năm 2050, trở thành tỉnh phát triển của cả nước. Bám sát mục tiêu đó, tỉnh Hòa Bình đang tập trung nâng cao hiệu quả tổ chức, thực hiện nhằm sớm hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ giai đoạn 2020 - 2025.
Ảnh: T. Tâm

Đối với lĩnh vực thu ngân sách, tỉnh sẽ tập trung quản lý tốt nguồn thu, sử dụng thật hiệu quả, tái đầu tư tạo giá trị lớn hơn, ưu tiên đầu tư hạ tầng; trong nhiệm vụ cải thiện môi trường đầu tư: Phải có quy hoạch tốt, hạ tầng đồng bộ, đủ nguồn nhân lực có trình độ và môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, thu hút đầu tư tốt để huy động được vốn ngoài xã hội làm động lực tăng trưởng.

Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hòa Bình QUÁCH THẾ NGỌC

 

Tập trung thực hiện 4 đột phá chiến lược và 11 nhiệm vụ, giải pháp

Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quách Thế Ngọc cho biết: Để hiện thực hóa các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra, các cấp, các ngành cần có quyết tâm chính trị, nỗ lực cao nhất thực hiện 4 đột phá chiến lược và 11 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu. Ngay sau Đại hội, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Chương trình hành động số 01 - Ctr/TU ngày 23.10.2020; tiếp đó là Chương trình hành động số 06 - Ctr/TU ngày 31.8.2021 nhằm cụ thể hóa, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hòa Bình lần thứ XVII đề ra.

Qua đó, tạo sự thống nhất, quyết tâm cao, khơi dậy ý chí, khát vọng xây dựng tỉnh giàu đẹp, văn minh. Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng ban hành các nghị quyết, đề án chuyên đề để tổ chức thực hiện các nội dung Chương trình hành động của Tỉnh ủy, đặc biệt tập trung vào các đột phá chiến lược như xây dựng quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021 - 2030, đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, chuyển đổi số.

"Nhờ sự tích cực, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, nên dù còn nhiều khó khăn và thử thách, tỉnh Hòa Bình đã phát huy lợi thế, khắc phục khó khăn, thúc đẩy kinh tế phát triển toàn diện. Đặc biệt, với tinh thần đoàn kết, chủ động ứng phó với các cấp độ của dịch Covid-19, Hòa Bình không chỉ kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh mà còn bảo đảm thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội", ông Ngọc chia sẻ.

Đến nay, kinh tế của tỉnh đang tăng trưởng khá, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) ước tăng 8,3% so với cùng kỳ năm trước, văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ; an sinh xã hội được bảo đảm; các chương trình mục tiêu quốc gia đạt hiệu quả. Nổi bật là Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) đã được các cấp ủy, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội, người dân và cộng đồng doanh nghiệp chung tay góp sức thực hiện. Đến hết năm 2020, toàn tỉnh đã có 58/131 xã đạt 19 tiêu chí NTM, trong đó có 12 xã đạt chuẩn NTM nâng cao.

Hòa Bình đẩy mạnh tuyên truyền Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đảng bộ các cấp trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân
Ảnh: T. Tâm

Xây dựng chiến lược đáp ứng tình hình mới

Theo Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quách Thế Ngọc, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, để hoàn thành mục tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hòa Bình lần thứ XVII đã đề ra, Hòa Bình sẽ tiếp tục quán triệt tinh thần chỉ đạo của Chính phủ là “thích ứng an toàn, linh hoạt và sống chung với dịch bệnh”. Qua đó, bảo vệ an toàn cho tỉnh thực hiện “mục tiêu kép” và khôi phục sản xuất kinh doanh trong điều kiện mới.

Những tháng cuối năm 2021, tỉnh xác định các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, nổi bật là: Tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp đẩy mạnh tiến độ thực hiện chỉ tiêu thu ngân sách nhà nước, nhất là thu từ đất và nợ đọng thuế; quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt công tác đấu giá đất, định giá quyền sử dụng đất mang lại lợi thế hơn cho địa phương; quyết liệt trong công tác giải phóng mặt bằng; tập trung nguồn lực sớm thực hiện dự án phát triển hạ tầng dự án đường liên kết vùng Hòa Lạc - Hòa Bình; khẩn trương hoàn thiện Chương trình chuyển đổi số giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.

Cũng theo ông Ngọc, tỉnh đang khẩn trương hoàn thiện Chương trình cơ cấu lại kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, phấn đấu sớm đưa kinh tế tỉnh đạt mức trung bình của cả nước. Trong đó, có 8 định hướng phát triển lớn, nổi bật là: Cơ cấu lại kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng dựa trên các thế mạnh, phù hợp với điều kiện của tỉnh, không dàn trải; mục tiêu là phát triển kinh tế nhanh, bền vững, đời sống Nhân dân ngày càng được nâng cao; có giải pháp huy động được đủ lượng vốn cần thiết phục vụ nhu cầu phát triển, từng bước vận dụng, ứng dụng khoa học công nghệ để tăng năng suất, chất lượng trong sản xuất, kinh doanh. Cùng với đó, tiếp tục tập trung phát triển các khu, cụm công nghiệp để đón các doanh nghiệp nhưng phải gắn với phát triển đô thị để có được nguồn lao động ổn định, giải quyết việc làm cho người dân, hướng thu hút công nghiệp sạch, không ảnh hưởng tới đô thị.

Trần Tâm