Quyết sách kịp thời của Quốc hội

- Thứ Sáu, 22/10/2021, 06:21 - Chia sẻ
Ngay trước ngày khai mạc Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội Khóa XV, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã ký ban hành Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH15 ngày 19.10.2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về một số giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch Covid-19. Cử tri và Nhân dân, đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp, vui mừng khi quyết sách “còn thơm mùi mực”, có hiệu lực ngay, đã góp thêm nguồn lực quan trọng để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, nhất là trong thời điểm hơn 2 tháng cuối năm chạy đua mở cửa lại nền kinh tế, phục hồi sản xuất, kinh doanh.

TS Trần Văn

Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách

Nghị quyết 406 là tin vui đối với cộng đồng doanh nghiệp, hộ kinh doanh và người dân, bởi thể hiện sâu sắc sự quan tâm của Đảng, Nhà nước tới những khó khăn của người dân và doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ và vừa, bằng hành động chính sách cụ thể nhằm hỗ trợ, giảm bớt khó khăn cho người dân, doanh nghiệp do tác động tiêu cực của dịch Covid-19 và cụ thể hóa các giải pháp ứng phó với tình hình dịch Covid-19 theo tinh thần Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28.7.2021 của Quốc hội.

Tôi muốn nhấn mạnh sự nỗ lực của Nhà nước bởi dự thảo Nghị quyết này mới được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp tháng 9. Trước đó, giữa tháng 8, các cơ quan của Quốc hội, mà “chủ công” là Ủy ban Tài chính - Ngân sách mới được tiếp cận Tờ trình của Chính phủ. Để kịp trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Tài chính - Ngân sách đã khẩn trương thực hiện các bước thẩm tra, giải trình, trao đổi, hoàn thiện nội dung Dự thảo Nghị quyết qua nhiều cuộc họp với các cơ quan của Chính phủ theo trình tự, thủ tục rút gọn quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và Nghị quyết số 30/2021/QH15 về thẩm quyền của Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định trước khi thực hiện đối với những vấn đề thuộc thẩm quyền của Quốc hội, trong đó có chính sách thuế trong thời gian đại dịch.

Các chính sách được Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành tại Nghị quyết này là cố gắng lớn của Nhà nước trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn toàn diện, tăng trưởng kinh tế cả năm dự kiến không đạt kế hoạch và ở mức thấp, khoảng 3%. Ngân sách Trung ương dự kiến hụt thu. Đời sống của đại bộ phận Nhân dân đặc biệt khó khăn. Các chính sách về miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng và các loại thuế khác phải nộp phát sinh từ hoạt động sản xuất, kinh doanh của các tháng trong quý III và quý IV.2021 đối với hộ, cá nhân có hoạt động sản xuất, kinh doanh; giảm thuế giá trị gia tăng đối với một số hàng hóa và dịch vụ chịu nhiều tác động tiêu cực của đại dịch, rồi miễn tiền chậm nộp phát sinh trong năm 2020 và năm 2021 của các khoản nợ tiền thuế, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với doanh nghiệp, tổ chức phát sinh lỗ trong năm 2020, theo tính toán của Chính phủ, có thể làm giảm thu ngân sách hơn 21 nghìn tỷ đồng.

Một số chính sách thực chất là kéo dài chính sách đã áp dụng trong năm 2020 có hiệu quả tích cực, góp phần hỗ trợ và tạo điều kiện cho doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa tích tụ vốn để phục hồi và phát triển sản xuất. Kinh nghiệm của quốc tế cũng cho thấy, giải pháp gia hạn thời gian nộp thuế và giảm thuế cho doanh nghiệp nhỏ và vừa là cách làm chủ yếu.

Một điều đặc biệt nữa trong Nghị quyết là Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã yêu cầu Chính phủ có biện pháp triển khai chính sách để người tiêu dùng được thụ hưởng lợi ích từ việc giảm thuế giá trị gia tăng, sắc thuế gián thu, quy định tại Nghị quyết. Đồng thời tiếp tục rà soát, thực hiện các giải pháp theo thẩm quyền để hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức giảm chi phí đầu vào và nghiên cứu phương án hỗ trợ thuế thu nhập doanh nghiệp dựa trên chi phí lao động, phương án sử dụng ngân sách cấp bù lãi suất tiền vay cho doanh nghiệp, tổ chức bị ảnh hưởng nặng bởi dịch Covid-19 để phục hồi sản xuất, kinh doanh.

Cộng đồng doanh nghiệp, các hộ, cá nhân kinh doanh và người dân tin tưởng vào hiệu ứng tích cực, thiết thực, có tác dụng ngay của Nghị quyết 406, cùng với hiệu lực, hiệu quả của hệ thống các chính sách hỗ trợ người dân, người lao động và doanh nghiệp đã ban hành trước đó (kể cả đối với doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, kinh doanh thua lỗ), nền kinh tế nước ta sẽ dần phục hồi, đem lại sinh khí mới, tinh thần lạc quan để bước vào năm thứ 2 của kế hoạch 5 năm 2021 - 2025 với nhiều kỳ vọng mới.