Quyết sách cho tăng trưởng xanh và bền vững

- Thứ Ba, 20/10/2020, 07:02 - Chia sẻ
Năm 2020 với đại dịch Covid-19 ảnh hưởng sâu sắc đến toàn bộ tiến trình kinh tế - xã hội toàn cầu cũng là năm đánh dấu cho giai đoạn mang tính bước ngoặt đòi hỏi toàn bộ thế giới nhìn lại các triết lý phát triển và quản trị toàn cầu. Hạn mặn ở đồng bằng sông Cửu Long và bây giờ là lũ lụt lịch sử ở miền Trung là một phần của chuỗi các hiện tượng thời tiết cực đoan khắc nghiệt - được các nhà khoa học nhìn nhận là hệ quả của tiến trình biến đổi khí hậu và ấm nóng toàn cầu.

Bối cảnh Việt Nam, trên tất cả mọi phương diện đều gắn với những tiến trình toàn cầu, dù là kinh tế, xã hội hay các vấn đề về tự nhiên. Những vấn đề tưởng như vĩ mô và xa xôi thực chất lại được cụ thể hóa ngay trong chương trình làm việc của Quốc hội, từ những vấn đề đòi hỏi tư duy và tầm nhìn dài hạn như quyết định ngân sách và đầu tư công trung hạn đến những về vấn đề trực tiếp và cụ thể như bảo vệ và phát triển rừng.

Cho dù phân tích trên phương diện nào đi nữa, Covid-19 những ngày qua và lũ lụt khủng khiếp đang hiện diện đều nhắc nhở rằng, “phát triển bền vững và tầm nhìn dài hạn, luôn đặt Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu” sẽ phải là triết lý chi phối các chính sách, kế hoạch và hành động cho phát triển đất nước. Những thành tựu đạt được trong tăng trưởng kinh tế và thay đổi đời sống của từng người dân, từng gia đình của Việt Nam trong năm vừa qua, và rộng hơn là hơn ba thập niên cải cách mở cửa là hết sức ấn tượng.

Tuy nhiên, những tác động về môi trường sống, từ ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước, từ mất rừng đến tàn phá các hệ sinh thái mặt nước và bờ biển chắc chắn không nhỏ. Rộng hơn nữa, hiện tượng ấm lên toàn cầu, biến đổi khí hậu gây ra phát thải khí nhà kính là tiến trình toàn cầu mà Việt Nam cũng dự phần trách nhiệm trong đó.

Mất rừng trên diện rộng ở nước ta có thể xem là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến lũ lụt, nhưng đồng thời chúng ta cũng đang gánh chịu một hệ quả rộng lớn và dài hạn hơn của biến đổi khí hậu trên cấp độ toàn cầu. Vì vậy, tăng trưởng kinh tế và xây dựng các nền tảng cho thịnh vượng, dù đương nhiên vẫn là trọng tâm nhưng tăng trưởng của năm tới sẽ phải là tăng trưởng xanh và bền vững. Giảm tải áp lực tăng GDP, đi sâu vào các vấn đề năng suất và hiệu quả, chú trọng đến chất lượng và giá trị thay vì số lượng - triết lý phải được nhất quán và thể hiện trong các chương trình và dự án phát triển kinh tế - xã hội vốn dựa nhiều vào ngân sách đầu tư công.

Điểm lại bức tranh lớn để thấy rằng, trọng trách của từng đại biểu ở Kỳ họp thứ Mười, Quốc hội Khóa XIV, khai mạc sáng nay thực sự rất lớn lao. Bởi từng ý kiến, từng thảo luận, từng quyết sách được bàn và thông qua trên diễn đàn Quốc hội kỳ này đều ảnh hưởng đến đường lối phát triển của đất nước trong thời điểm hệ trọng và mang tính bước ngoặt. Điều này đòi hỏi mỗi đại biểu cần có sự tập trung, ưu tiên tâm huyết và trí tuệ phục vụ cho mỗi ngày làm việc dù “áp chót” nhiệm kỳ nhưng lại hết sức ý nghĩa này.

Hà Lan