Quyết liệt vượt qua rào cản tư duy cũ, thắng sức ỳ của cơ chế cũ

- Thứ Tư, 05/02/2014, 11:27 - Chia sẻ
Khi nào cũng vậy, chân tình, điềm đạm, cởi mở chia sẻ công việc với cánh phóng viên chúng tôi. Công việc mà các nhà báo chuyên viết về KHCN thường nói với nhau là "khó, khô và khổ". Vẫn giọng nói trầm ấm, Bộ trưởng Nguyễn Quân trăn trở: việc xây dựng các nghị định cũng như văn bản hướng dẫn thi hành Luật vấp phải nhiều rào cản từ tư duy cũ của người quản lý, sức ỳ của cơ chế cũ cũng như sự thiếu đồng bộ trong phối hợp liên ngành. Để các quy định tốt đẹp của luật vào cuộc sống còn cả chặng đường dài gian nan...

Từ những quy định mang tính đột phá
 
Thế giới đã thay đổi nhiều nhờ sự phát triển như vũ bão của KHCN, của những chính sách đột phá, mạnh bạo, đi tiên phong trong nhiều thập kỷ qua. Và chúng ta vẫn là người quan sát, bị động, đi sau trong nhiều lĩnh vực. Thực tiễn phát triển kinh tế xã hội và cuộc sống luôn thôi thúc, nhiều nhà khoa học Việt Nam luôn đau đáu về sự thay đổi đột phá trong các chính sách phát triển KH - CN. Rõ ràng phải bắt đầu từ việc khắc phục những bất cập trong các chính sách phát triển KH - CN  thời gian qua. Điều tưởng như đơn giản lại là điều nung nấu, chắt lọc, suy tư và tổng kết trong nhiều năm qua. Năm 2012, Đảng ban hành Nghị quyết về Phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế với nhiều nội dung đổi mới. Chính sách phải được luật hóa, tháng 6/2013, Luật Khoa học và Công nghệ (sửa đổi) được QH thông qua, trong đó nhiều quy định đã đưa KHCN tiếp cận những tiêu chí của kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế.
 
Cởi mở với cánh nhà báo, Bộ trưởng Nguyễn Quân chia sẻ : đây chính là thành tựu quan trọng nhất của ngành KH - CN năm 2013. Luật ban hành đã tiếp cận thông lệ quốc tế trong hoạt động KH - CN, đặc biệt là việc tổ chức thực hiện các đề tài về dự án KH - CN và cơ chế đầu tư, cơ chế tài chính cho KH - CN. Lần đầu tiên trong luật bắt buộc doanh nghiệp nhà nước phải có trách nhiệm đầu tư cho hoạt động KH - CN thông qua việc dành một phần lợi nhuận trước thuế  để thành lập quỹ phát triển KH - CN của doanh nghiệp. Cũng lần đầu tiên, Bộ Khoa học và Công nghệ có thẩm quyền trong việc đề xuất, phân bổ dự toán ngân sách hàng năm cho KH - CN. Cũng lần đầu tiên, Luật Khoa học và Công nghệ cho phép áp dụng cơ chế của Quỹ phát triển KH - CN trong việc tài trợ cho các đề tài dự án nghiên cứu cũng như cơ chế khoán chi đến sản phẩm cuối cùng cho các đề tài dự án.

Có thể nói rất nhiều lần đầu tiên mà mỗi lần như vậy cơ hội và thách thức luôn đan xen. Từ đây, các nhà khoa học được đặt trong điều kiện thuận lợi để nghiên cứu, để ứng dụng trong thực tiễn... Và cũng từ đây kết quả nghiên cứu được đánh giá phản ánh sinh động đời sống KHCN và khẳng định vai trò then chốt đóng góp cho phát triển KT  - XH đất nước.
 
Đến những thành công trong khó khăn
 
Hãy cùng nhau nhìn lại những thành tựu nghiên cứu KHCN, vượt qua khó khăn, các viện, trường cũng như toàn ngành có được nhiều đề tài, dự án kết quả tốt. Đáng chú ý nhất là việc công bố bản đồ gene của 36 giống lúa bản địa Việt Nam giữa các nhà khoa học Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam với các nhà khoa học Anh, hứa hẹn góp phần nâng cao chất lượng lúa gạo của đất nước. Lĩnh vực điện tử năm qua nổi bật với việc hoàn thiện chip công nghệ RFID (thiết bị nhận dạng bằng sóng vô tuyến) bằng dự án KH - CN lớn do Bộ Khoa học và Công nghệ đầu tư, có giá thành rẻ hơn chip ngoại nhập. Mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng KH - CN trong lĩnh vực nông nghiệp cũng ghi dấu ấn với sự thành công của Công ty Cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang, 3 nghìn kỹ sư nông nghiệp của công ty đã 3 cùng (cùng ăn, cùng ở, cùng làm với nông dân) xây dựng chuỗi giá trị cho sản xuất lúa gạo, từ khâu gieo trồng, bảo vệ thực vật, thu hoạch, bảo quản chế biến sau thu hoạch ở quy mô công nghiệp rất thành công. Ngoài ra, chúng ta làm chủ được một số giống cây và giống con nhập ngoại, hiện đang cho kết quả tốt.
 
Một thành tựu nữa trong hoạt động nghiên cứu khoa học năm qua là các nhà khoa học Việt Nam đã giải quyết thành công vấn đề xử lý đất bị nhiễm chất độc dioxin do cuộc chiến tranh hóa học do Mỹ gây ra trước đây. Phương pháp xử lý dioxin bằng chế phẩm sinh học của Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam bước đầu được thử nghiệm thành công, có giá thành chỉ bằng 5 - 10% giá thành của các phương pháp xử lý mà Hoa Kỳ đang áp dụng. Chiến tranh đã để lại hệ lụy là một diện tích rộng lớn của Việt Nam hiện vẫn đang bị nhiễm dioxin chưa được tẩy sạch do thiếu kinh phí. Thành công này của các nhà khoa học hứa hẹn sẽ hoàn lại diện tích đất canh tác, đồng thời hóa giải những hậu họa mà chất độc da cam gây ra cho giống nòi.
 
Xây dựng tiềm lực KH - CN quốc gia năm qua cũng đã có những bước tiến đáng kể. Cùng với nguồn đầu tư ngân sách cho KH - CN vẫn giữ ở mức 2%, năm 2013, có rất nhiều nguồn đầu tư khác cho KH - CN, đặc biệt là nguồn đầu tư từ doanh nghiệp. Tiêu biểu như Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam đã dành 2 nghìn tỷ đồng, Viettel dành 10% lợi nhuận trước thuế để đầu tư cho KH - CN. Rất nhiều tập đoàn, tổng công ty khác cũng đã đầu tư mạnh cho KH - CN thông qua Quỹ phát triển KH - CN, mời các nhà khoa học ở các viện, trường tham gia nghiên cứu. Trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp phá sản, những doanh nghiệp nào đi theo con đường đầu tư cho KH-CN đều rất thành công. Cùng với đó, đầu tư cho KH- CN thông qua hợp tác quốc tế cũng có kết quả tốt với nhiều dự án hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, hình thành các doanh nghiệp khoa học công nghệ.

 
Và niềm trăn trở lớn của vị tư lệnh ngành KH - CN
 
Khi được hỏi về niềm trăn trở lớn của mình, vị tư lệnh ngành KH- CN ngừng lại giây lát, đăm chiêu. Ông bộc bạch, quá trình xây dựng nền tảng pháp lý đổi mới cho KH-CN gặp nhiều lực cản quá. Trong đó, cái khó nhất là thay đổi tư duy của nhà quản lý. Những chính sách đổi mới KH-CN mà chúng ta đang triển khai, nó đã là chính sách thông lệ của quốc tế rồi. Chẳng hạn, cộng đồng quốc tế đều áp dụng cơ chế hoạt động nghiên cứu khoa học thông qua quỹ với cơ chế khoán. Người ta quản lý đầu ra và sản phẩm cuối cùng là gì, tiêu chí, công năng, ứng dụng và thị trường của nó như thế nào. Người ta không bắt các nhà khoa học phải làm nhiều thủ tục, hóa đơn chứng từ như ở ta.

Năm qua, ngay khi Luật Khoa học và Công nghệ (sửa đổi) được thông qua, Bộ đã bắt tay ngay vào làm các nghị định và văn bản dưới luật hướng dẫn thi hành luật; trong nửa năm hoàn thành 5 nghị định hướng dẫn Luật.Tuy vậy, còn rất nhiều người không đồng thuận và việc xây dựng các nghị định đã gặp không ít rào cản xung quanh những thay đổi theo tinh thần của Luật mới ban hành. Vượt qua những trở lực, 5 nghị định hướng dẫn thi hành luật đã được trình và sẽ được ban hành trong tháng 2 tới.

Cũng còn nhiều vấn đề mà những người làm chính sách KH-CN chưa thật hài lòng bởi nó vẫn chưa thể hiện được hết tính đổi mới và tính thông dụng quốc tế. Trăn trở là thế, Bộ trưởng Nguyễn Quân thẳng thắn đánh giá, trong bối cảnh của nước ta, đạt được mức độ như hiện tại là đáng mừng rồi. Nếu cứ để như trước đây thì mãi mãi các nhà khoa học Việt Nam phải chịu cái tiếng là nghiên cứu nhiều mà bỏ ngăn kéo cũng nhiều, ít đề tài được ứng dụng. Cơ chế đã được thay đổi, tin tưởng rằng các đề tài nghiên cứu sẽ vào cuộc sống nhanh hơn.
 
Ban hành luật đã khó, để luật được thi hiệu quả trong cuộc sống còn khó khăn muôn phần. Đem câu hỏi thực thi luật tới với Bộ trưởng, vị trưởng ngành khoa học công nghệ nước nhà sẻ chia, để những chính sách mới đi vào cuộc sống là rất khó. Ông trăn trở, việc thay đổi tư duy của các nhà quản lý như đã đề cập, thì việc phối hợp đồng bộ giữa các bộ ngành để ban hành đầy đủ các thông tư hướng dẫn thi hành cũng hết sức quan trọng. Thông thường các đơn vị cơ sở thường thực hiện theo các thông tư hướng dẫn chứ nếu chỉ có quy định của luật, nghị định họ cũng không chịu áp dụng nếu thiếu thông tư. Khi đã hoàn thiện các văn bản hướng dẫn chi tiết cần tăng cường tập huấn cho các đơn vị thực thi, làm sao để bộ máy từ trung ương đến cơ sở thực hiện các quy định mới.

Vâng đúng vậy, vẫn còn hoạt động kiểm tra của Chính phủ, hoạt động giám sát của các cơ quan Quốc hội nữa... Nhưng suy ngẫm kỹ thì vẫn phải từ nhận thức thống nhất đến hành động thống nhất ở các cấp, các ngành thì luật mới vào cuộc sống nhanh, hiệu quả.
 
Cùng hành động để có những sản phẩm KHCN phục vụ cuộc sống
 
Nếu năm 2013 là năm của những quy định đột phá thì năm 2014 phải là năm của thống nhất hành động đột phá, đưa các chính sách, cơ chế mới vào thực tiễn. Quy định đột phá đã mở đường, đặt nên móng cho tinh thần dũng cảm, sáng tạo không ngừng của người Việt. Và với cánh nhà báo chúng tôi, lửa lòng Bộ trưởng Nguyễn Quân vẫn bùng cháy ! Ông cho rằng năm 2014 ngành sẽ tập trung vào 3 giải pháp lớn.

Thứ nhất, Bộ sẽ giải quyết bài toán làm sao để đầu tư cho KH-CN phải tăng trưởng có hiệu quả. Năm nay, bên cạnh ngân sách nhà nước, các doanh nghiệp bắt buộc phải bỏ ít nhất từ 3- 8% lợi nhuận trước thuế để đầu tư cho KH-CN. Bộ Khoa học và Công nghệ cần phải làm sao sử dụng nguồn vốn rất lớn này có hiệu quả. Trong đó, ngân sách nhà nước dành cho KH-CN sẽ tập trung vào các dự án công cộng, an ninh quốc phòng. Đồng thời, nguồn lực phải đổ vào địa chỉ có hiệu quả, không phân biệt là nhà nước hay ngoài nhà nước. Ở đâu làm tốt thì sẽ được đầu tư nhiều, nơi làm nào không tốt thì cắt đầu tư.
 
Giải pháp thứ hai, các chính sách hỗ trợ sẽ tập trung vào đầu tư các chương trình quốc gia. Đối với các chương trình nhà nước trước đây, do cách quản lý và quan niệm của các nhà khoa học chúng ta nên kết quả, sản phẩm của các công trình này không theo chuỗi, không ghép lại với nhau để thành sản phẩm chủ lực hay chuỗi giá trị. Chương trình Quốc gia là tổ hợp các sản phẩm nghiên cứu, sản xuất thử nghiệm hướng đến sản phẩm cuối cùng, còn được gọi là chương trình sản phẩm quốc gia. Hiện Chính phủ đã phê duyệt 6 sản phẩm chính thức và 3 sản phẩm dự bị. Tất cả các dự án của chương trình này tập trung làm ra sản phẩm cuối cùng mang thương hiệu quốc gia. Ví dụ, lúa gạo là sản phẩm quốc gia. Các dự án 5 năm, 10 năm, 20 năm sẽ tập trung nghiên cứu làm sao để đất nước có một thương hiệu gạo quốc gia trên thị trường quốc tế. Các viện, trường, các bộ ngành tập trung vào các đề tài, dự án nghiên cứu từ khâu giống, gieo trồng, bảo vệ thực vật, thu hoạch, sau thu hoạch, bảo quản, chế biến cho đến hạt gạo cuối cùng để cho ra sản phẩm gạo giá trị cao mang thương hiệu Việt Nam.
 
Nhóm giải pháp cuối cùng sẽ hướng đến triển khai các chính sách ưu đãi các nhà khoa học. Cụ thể, các chính sách ưu đãi sẽ tập trung vào chế độ phụ cấp, các điều kiện làm việc, thiết bị, tuyển dụng. Cùng với đó là những chính sách ưu đãi đặc biệt với các nhà khoa học đầu ngành, nhà khoa học được Nhà nước giao nhiệm vụ trọng điểm quốc gia và nhà khoa học trẻ tài năng. Từ đó để các nhà khoa học hăng say nghiên cứu, cống hiến và có thu nhập xứng đáng từ những sáng tạo của mình. Từ đây có thể hy vọng số lượng các sản phẩm KH-CN quốc gia sẽ tăng nhanh với chất lượng tốt. Về dài hạn, chúng ta sẽ có được những nhà khoa học tầm cỡ quốc tế, những tổng công trình sư để có thể có những công trình, dự án lớn, chiến lược, góp phần quan trọng vào sự phát triển của đất nước.

Chia tay ông, chia tay năm cũ và chào đón năm mới, chúng tôi như được tiếp thêm sức mạnh và tràn đầy hy vọng năm 2014 sẽ là năm khởi đầu làm cho nền KHCN nước nhà bừng sáng đi lên trên con đường trở thành động lực thực sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

Tự Cường