Quyết liệt, kịp thời, đồng lòng phòng, chống dịch và phát triển kinh tế

- Chủ Nhật, 25/07/2021, 20:33 - Chia sẻ
Phát biểu kết luận Phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh, không khí thảo luận sôi nổi, thẳng thắn và trách nhiệm, các ý kiến phong phú, toàn diện, sâu sắc thể hiện tâm huyết của các đại biểu đối với các vấn đề mà đông đảo cử tri quan tâm. Đa số ý kiến ĐBQH đều thống nhất với nhiều nội dung trong báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của các cơ quan của Quốc hội.

Theo đó, các ý kiến của các vị ĐBQH cơ bản đồng tình và đánh giá cao báo cáo của Chính phủ, báo cáo thẩm tra của các Ủy ban của Quốc hội, báo cáo của Chính phủ xây dựng công phu, toàn diện, thẳng thắn nhìn nhận các hạn chế nguyên nhân và nghiêm túc đánh giá các khó khăn, thách thức. Ủy ban của Quốc hội cũng có nhiều ý kiến phản biện sâu sắc, trúng vấn đề.

Về kết quả 6 tháng đầu năm và giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2021, các ý kiến cơ bản thống nhất với đánh giá của Chính phủ và cho rằng diễn biến bùng phát dịch lần thứ tư trong năm 2021 là phức tạp và nghiêm trọng, ảnh hưởng nặng nề đến đời sống, sức khỏe, tính mạng của người dân; nhiều nơi, nhiều lĩnh vực kinh doanh đình trệ, nhiều doanh nghiệp dừng hoạt động, thậm chí phá sản.

Các đại biểu đánh giá cao sự lãnh đạo của Đảng, sự chủ động kịp thời của Quốc hội, sự chỉ đạo quyết liệt, khẩn trương của Chính phủ, sự đoàn kết, đồng lòng của cả hệ thống chính trị các cấp, các ngành, các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước trong việc phòng chống dịch và phát triển kinh tế.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu kết luận Phiên thảo luận

Ảnh: Quang Khánh 

Kinh tế gặp khó khăn, GDP 6 tháng đầu năm thấp hơn mục tiêu nhưng đạt 5,64% là mức tăng trưởng tích cực. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát lạm phát được kiểm soát. Nhiều đại biểu đề nghị những tháng còn lại của năm 2021 việc phòng chống dịch COVID-19 là nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên hàng đầu. Chính phủ cần thực hiện tốt các giải pháp đề ra khẩn trương, quyết liệt thực hiện hiệu quả chiến lược vaccine để kiểm soát dịch bệnh, cũng như tăng cường đàm phán để nhập khẩu chuyển giao công nghệ vaccine, đẩy mạnh nghiên cứu để sản xuất trong nước. Quyết liệt và có giải pháp phù hợp với tình hình ở từng địa phương, từng địa bàn để ngăn chặn đẩy lùi dịch bệnh, thực hiện kịp thời hiệu quả các gói hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp.

Nhiều ý kiến đề nghị cần giải quyết nợ xấu và kiểm soát việc tăng mới nợ xấu, kiểm tra, kiểm soát ngăn chặn các hành vi gian lận thương mại, đầu cơ “găm hàng”, thao túng thị trường, đặc biệt quan tâm giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội cho nhân dân, đảm bảo an ninh lương thực thực phẩm và thúc đẩy tiêu thụ xuất khẩu nông sản, nhất ở các vùng có dịch.

Về đề xuất về một số biện pháp phòng chống dịch COVID-19, qua ý kiến các vị ĐBQH thảo luận tại hội trường cho thấy Quốc hội và cá nhân mỗi ĐBQH luôn sẵn sàng đồng hành cùng với cả hệ thống chính trị từ Trung ương tới địa phương với Chính phủ trong công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

Các đại biểu cơ bản tán thành với nội dung và đề xuất một số biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19 để đưa vào nghị quyết kỳ họp của Quốc hội, tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho công tác phòng, chống dịch bệnh trong thời gian tới.

Về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội trong giai đoạn 2021-2025, các ý kiến cơ bản đồng tình với đánh giá của Chính phủ về phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2016-2020. Về tổng thể, giai đoạn 2016-2020 đã đạt được những thành tựu rất quan trọng, khá toàn diện, tạo nhiều dấu ấn nổi bật trên nhiều mặt. Kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối lớn của nền kinh tế được đảm bảo, lạm phát được kiểm soát, các lĩnh vực lao động, việc làm đạt một số kết quả nhất định, kinh tế-xã hội cơ bản ổn định trong điều kiện thế giới và trong nước gặp nhiều khó khăn, thách thức. Thành tựu này khẳng định vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, củng cố lòng tin của nhân dân và sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý điều hành của Nhà nước.

Các ĐBQH đề nghị Chính phủ lưu ý năng suất lao động tăng vượt kế hoạch nhưng còn thấp, số lượng, chất lượng việc làm chưa bền vững, phát triển cơ sở hạ tầng có phần chững lại, đầu tư kết cấu hạ tầng theo phương thức đối tác công-tư còn hạn chế… Ngành công nghiệp và kim ngạch xuất nhập khẩu còn phụ thuộc nhiều doanh nghiệp FDI. Giảm nghèo cần quan tâm hơn đến tính bền vững. Các bất cập này có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, nhưng nguyên nhân chủ quan là chủ yếu, như một số cơ chế, chính sách công tác phối hợp có lúc, có nơi chưa chặt chẽ. Hiệu quả, năng lực, trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, người đứng đầu chưa rõ, tổ chức thực hiện vẫn là khâu yếu, chậm được khắc phục.

Các vị ĐBQH cơ bản thống nhất với bối cảnh nhiệm vụ, giải pháp như báo cáo của Chính phủ, thống nhất với 23 chỉ tiêu kinh tế-xã hội giai 2021-2025 Chính phủ đề xuất và cho rằng, trong điều kiện dịch bệnh hiện nay nhiều chỉ tiêu đòi hỏi sự nỗ lực phấn đấu cao nên cần bám sát và triển khai một cách toàn diện các chủ trương, nghị quyết của Đảng, kiên trì thực hiện mục tiêu kép phù hợp với tình hình thực tiễn, trong đó nhấn mạnh kiểm soát dịch bệnh là mục tiêu hàng đầu trong giai đoạn hiện nay, đẩy mạnh đẩy nhanh thực hiện chiến lược vaccine để khống chế dịch bệnh...

Bên cạnh đó, tiếp tục hoàn thiện thể chế để phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phát triển các thành phần kinh tế đúng chủ trương của Đảng, bảo đảm vai trò quan trọng của tư nhân, vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước, xây dựng nền kinh tế tự chủ trên cơ sở làm chủ công nghệ, đa dạng hóa thị trường, nâng cao khả năng thích ứng của nền kinh tế, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với đổi mới sáng tạo, ứng dụng và phát triển khoa học kỹ thuật, nâng cao chất lượng, hiệu quả của thị trường lao động.

Chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, chất lượng nguồn nhân lực trình độ cao, tổ chức học và thi hợp với tình hình dịch bệnh, rà soát, khắc phục bất cập của cơ chế tự chủ trong giáo dục, y tế, chính sách xã hội hóa trong lĩnh vực y tế. Cần triển khai hiệu quả, đồng bộ, tránh trùng lắp các chương trình mục tiêu quốc gia, các chính sách an sinh xã hội. Tăng cường năng lực đối phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, lũ lụt, sạt lở, xâm ngập mặn. Tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, bảo đảm an ninh nguồn nước, an toàn hồ đập. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, sắp xếp tổ chức, bộ máy, tăng cường công tác phối hợp dọc và ngang; cải cách hành chính phục vụ nhân dân.

Hoàn thiện phê duyệt quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia thời kỳ 2021-2030, phát triển liên kết vùng, liên vùng, liên kết giữa các khu vực kinh tế trong nước và khu vực kinh tế nước ngoài. Tiếp tục đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Kiên trì, kiên quyết bảo vệ các lợi ích chính đáng của Việt Nam đẩy mạnh thực hiện chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo…

Các đại biểu cũng đề nghị cần kiểm soát tốt thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản, không để tăng nóng, tạo nguy cơ gây bong bóng; kiểm soát tốt các vấn đề về kinh tế, thương mại, tiền tệ trong điều kiện hội nhập, đặc biệt là thị trường lớn như Mỹ, EU. Tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, các điểm nghẽn của nền kinh tế như công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, định mức, đơn giá đầu tư xây dựng, triển khai các dự án PPP, đấu thầu mua sắm công, nhất là mua vaccine, vật tư, trang thiết bị y tế phục vụ phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Giám sát, kiểm soát dòng vốn có xu hướng dịch chuyển sang các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, bảo đảm an toàn, an ninh mạng, ngăn chặn các thông tin xấu, độc.

Lê Tùng