Quyết liệt hơn với bệnh thành tích

- Thứ Ba, 13/04/2021, 08:11 - Chia sẻ
Sau khi nhận được thông tin phản ánh học sinh lớp 6 của một trường trên địa bàn tỉnh không đọc thông viết thạo, Sở Giáo dục và Đào tạo Đồng Tháp có công văn gửi các Phòng Giáo dục và Đào tạo và các nhà trường nhằm chấn chỉnh tình trạng học sinh không bảo đảm chuẩn kiến thức và kỹ năng. Câu hỏi đặt ra, vì sao học sinh chưa đọc thông viết thạo mà vẫn được lên lớp?

Dù không nhiều nhưng tình trạng ngồi “nhầm” lớp là một thực tế buồn đã tồn tại trong thời gian qua. Câu chuyện xảy ra ở một trường học ở Đồng Tháp không phải là cá biệt, khi mà trước đây, Trường Tiểu học thị trấn Lịch Hội Thượng A (huyện Trần Đề, Sóc Trăng), hay ở Gia Lai đã từng xảy ra trường hợp tương tự.  

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng ngồi “nhầm” lớp. Đó là do đánh giá chất lượng không sát với thực lực của học sinh. Dù có quy định học sinh không bảo đảm yêu cầu thì phải lưu ban, nhưng việc để cho học sinh lưu ban là rất hãn hữu bởi điều này ảnh hưởng trực tiếp đến thành tích của giáo viên. Ngoài ra, đánh giá học sinh dường như chỉ giáo viên thực hiện mà chưa có sự kiểm tra, giám sát thường xuyên của nhà trường, của cấp trên. Tuy nhiên, nguyên nhân sâu xa dẫn đến tình trạng ngồi “nhầm” lớp là do bệnh thành tích vốn dĩ tồn tại trong một thời gian dài trong ngành giáo dục. "Căn bệnh" này đã gây ra nhiều hệ lụy, tạo nên chất lượng ảo, sự gian dối trong đánh giá học sinh, do đó cần phải quyết liệt hơn để xóa bỏ.

Không chỉ gây bức xúc trong cử tri, trong dư luận, bệnh thành tích trong giáo dục cũng đã nhiều lần làm nóng diễn đàn Quốc hội. Trong Phiên chất vấn và trả lời chất vấn, tại Kỳ họp thứ Năm, Quốc hội Khóa XIV, đại biểu Quốc hội Bùi Thị Thủy (Thanh Hóa) nêu lên những con số rất đáng suy ngẫm về bệnh thành tích thông qua việc “lạm phát” giấy khen. Qua khảo sát tỷ lệ học sinh khá, giỏi ở các trường trung học cơ sở trong năm học 2017 - 2018 khoảng 55 - 60%, tỷ lệ này ở lớp 12 còn cao hơn nhiều khoảng 65 - 70%. Đâu là giải pháp cụ thể để chấm dứt tình trạng này? đại biểu Bùi Thị Thủy chất vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Tại Kỳ họp thứ Bảy, Quốc hội Khóa XIV, đại biểu Thái Trường Giang (Cà Mau) cũng đã rất thẳng thắn, chất lượng giáo dục đào tạo không thực chất, bệnh thành tích trong giáo dục không những không giảm mà có chiều hướng gia tăng vì những giải pháp của ngành giáo dục hiệu quả thấp, ngành giáo dục không mạnh dạn đối diện với sự thật để làm cho kết quả học tập trở nên thực chất hơn, đúng với thực trạng hơn. “Thực chất sao được, không phải bệnh thành tích thì là gì khi một lớp có 43 học sinh thì có 42 học sinh giỏi, chỉ có duy nhất 1 học sinh khá, còn bao nhiêu trường hợp tương tự như vậy? Ngành giáo dục bây giờ tìm được một học sinh yếu kém khó hơn mò kim đáy bể”, đại biểu Giang nói.

Trên diễn đàn Quốc hội, người đứng đầu ngành giáo dục khi ấy là ông Phùng Xuân Nhạ thừa nhận tình trạng này và cho rằng, ngành cũng đã rất cố gắng thực hiện để nói “không” với bệnh thành tích.

Không khó để thấy bệnh thành tích chính là rào cản lớn nhất cho đổi mới giáo dục. Khi thầy cô bị áp lực thành tích, lớp bị áp lực thành tích, trường bị áp lực thành tích, sẽ tạo nên một cuộc chạy đua thành tích rất nguy hại. Và kết quả của giáo dục sẽ được ngụy trang bởi những con số “đẹp”. Đôi khi vì những danh hiệu ảo, vì khen thưởng cuối năm, có những giáo viên đã phải chấp nhận đánh giá học sinh qua loa để có thành tích như ý muốn.

Cần nhấn mạnh rằng, nền tảng giáo dục không tốt, không thể có được những con người tốt. Do đó, chất lượng giáo dục phải đặt lên hàng đầu. Để đánh giá đúng chất lượng giáo dục, hãy để cho giáo viên được quyền đánh giá học sinh của mình một cách nghiêm túc và thực chất nhất. Muốn vậy, các trường không nên giao chỉ tiêu học sinh lên lớp cho giáo viên và không sử dụng tiêu chí này làm điều kiện “cứng” hay “khống chế” trong đánh giá, xếp loại và xét thi đua khen thưởng giáo viên vào cuối năm học. Bởi nếu đặt ra các chỉ tiêu này dễ đến những cuộc chạy đua thành tích giữa các giáo viên, giữa các lớp, các trường. Khi áp lực thành tích đè nặng lên vai thầy cô, thì việc giáo viên để học sinh ngồi “nhầm” lớp là điều rất dễ xảy ra.

Hà An