Đức xử lý nghĩa vụ hợp đồng như thế nào?

- Chủ Nhật, 11/07/2021, 05:54 - Chia sẻ
Là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, đặc biệt là các nghĩa vụ theo hợp đồng, vậy Đức đã làm như thế nào?

Khái niệm “bất khả kháng”

Trước tiên, Bộ luật Dân sự Đức không có định nghĩa cụ thể về “sự kiện bất khả kháng”. Đối chiếu với Đạo luật Trách nhiệm pháp lý của Đức (Haftpflichtgesetz) sự kiện bất khả kháng là: “Một sự kiện nằm ngoài quy trình kinh doanh thông thường gây ra một cách khách quan bởi tự nhiên hoặc do hành động của các bên thứ ba, không thể lường trước được theo tiêu chuẩn về sự hiểu biết và kinh nghiệm của con người, không thể bị ngăn chặn hoặc làm cho vô hại bằng các phương tiện kinh tế được, ngay cả khi hết sức thận trọng dự trù một cách hợp lý, và điều đó không xảy ra với tần suất đến mức một bên có thể coi đó là một phần của hoạt động kinh doanh thông thường của mình”. Do đó, khái niệm “bất khả kháng” được đặc trưng bởi ba yếu tố: không thể lường trước, không thể tránh khỏi và xuất phát từ các trường hợp ngoại lệ. Do những rủi ro bất khả kháng này, các bên thường đồng ý bổ sung điều khoản bất khả kháng trong hợp đồng của mình. Họ có thể tự do đi lệch khỏi “định nghĩa” pháp lý tiêu chuẩn về trường hợp bất khả kháng.

Tiêu chí nào để xác định Covid-19 là sự kiện bất khả kháng?

Khi xác định liệu đại dịch có cấu thành một trường hợp bất khả kháng hay không, một tiêu chí quan trọng là việc hạn chế hoặc không thực hiện nghĩa vụ hợp đồng là kết quả trực tiếp từ sự bùng phát của đại dịch hoặc do các biện pháp của cơ quan có thẩm quyền để giải quyết dịch bệnh. Các quyết định hoặc thông báo của chính phủ tuyên bố một sự kiện bất khả kháng cũng được các tòa án Đức tính đến. Trong quá khứ, một số đại dịch khi xét xử đã được tòa án công nhận là sự kiện bất khả kháng. Điển hình là bản án 14C 4608/03 ngày 9.11.2004 của Tòa án địa phương Augsburg công nhận dịch SARS là sự kiện bất khả kháng hoặc bản án số 2 C 1451/92-18 của tòa án Homburg ngày 2.9.1992 công nhận dịch tả với cái tên “Cái chết xanh” là sự kiện bất khả kháng. Đối với dịch Covid-19 đang tác động nặng nề, một số tòa án đã giải quyết coi đây là sự kiện bất khả kháng và áp dụng hậu quả pháp lý theo đó.

Giải quyết tranh chấp pháp lý như thế nào?

Trong những điều kiện nhất định, luật pháp Đức cho phép một bên ký kết chấm dứt toàn bộ hợp đồng vì lý do bất khả kháng. Tuy nhiên, nếu những trở ngại đối với việc thực hiện chỉ mang tính chất tạm thời, luật pháp Đức yêu cầu bên không bị sự kiện bất khả kháng ảnh hưởng đặt ra cho bên bị ảnh hưởng một thời hạn hợp lý hơn để thực hiện. Ngoài ra, trong hợp đồng của mình, các bên có thể thỏa thuận quyền của một bên được tạm hoãn nghĩa vụ của mình nếu bị ảnh hưởng bởi nguyên nhân bất khả kháng. Họ chỉ có thể rút khỏi hợp đồng nếu bên bị ảnh hưởng vẫn chưa hoàn thành việc thực hiện trước thời hạn này.

Một học thuyết khác cũng được quan tâm khi nghiên cứu về pháp luật hợp đồng của Cộng hòa liên bang Đức là học thuyết hoàn cảnh thay đổi cơ bản. Trong đó, việc chấm dứt hoặc sửa đổi hợp đồng sẽ bao gồm các tình huống mà nền tảng của thỏa thuận biến mất không do lỗi của bên nào. Trong quá trình cải cách luật hợp đồng chung trong Bộ luật Dân sự Đức năm 2002, Điều 313 mới đã được đưa vào với tiêu đề “xáo trộn nền tảng của giao dịch” (“Störung der Geschäftsgrundlage ”):

1. Nếu các tình huống, trở thành cơ sở của hợp đồng, đã thay đổi đáng kể kể từ khi hợp đồng được giao kết và các bên sẽ không giao kết hợp đồng hoặc đã giao kết với các nội dung hoàn toàn khác nếu họ thấy trước sự thay đổi này, thì hợp đồng có thể được yêu cầu điều chỉnh, có tính đến tất cả các tình huống của trường hợp cụ thể, cụ thể là phân bổ rủi ro theo hợp đồng hoặc luật định, một trong các bên không thể dự kiến sẽ duy trì thực hiện hợp đồng mà không thay đổi.

2. Nếu không thể điều chỉnh hợp đồng hoặc một bên không thể chấp nhận hợp đồng một cách hợp lý, bên bị thiệt thòi có thể rút khỏi hợp đồng. Trong trường hợp hợp đồng có các nghĩa vụ tiếp tục sau đó, quyền chấm dứt thay thế cho quyền rút lại.

Nếu các điều kiện tiên quyết của Tiểu mục 1 hoặc 2 được đáp ứng và có một phương án điều chỉnh hợp lý, bên bị vi phạm có thể yêu cầu bên kia điều chỉnh. Bên bị vi phạm chỉ được quyền rút khỏi hoặc chấm dứt hợp đồng do hoàn cảnh thay đổi nếu việc điều chỉnh hợp đồng trở nên bất hợp pháp, không thể thực hiện được hoặc không hợp lý đối với bên kia.

Luật Giảm nhẹ hậu quả của đại dịch Covid-19

Mặc dù cách áp dụng pháp luật của nước Đức coi đại dịch là sự kiện bất khả kháng thông qua các bản án đã nhắc đến phía trên nhưng để đối phó kịp thời với đại dịch Covid-19 đang hoành hành, ngày 25.3.2020, Quốc hội Đức (Bundestag) đã thông qua Luật Giảm nhẹ hậu quả của đại dịch Covid-19 trong dân sự, phá sản và hình sự trong đó có quy định về hợp đồng thuê như sau: “Hạn chế việc chấm dứt hợp đồng thuê và cho thuê: Chủ nhà không được phép chấm dứt hợp đồng thuê đất hoặc mặt bằng chỉ với lý do người thuê không trả tiền thuê trong khoảng thời gian từ ngày 1.4.2020 đến ngày 30.6.2020 mặc dù đã đến hạn, nếu việc không trả là có căn cứ ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Mối liên hệ giữa đại dịch Covid-19 và việc không thanh toán phải được chứng minh. Các quyền chấm dứt khác vẫn không bị ảnh hưởng”.

Chỉ khi việc không trả tiền thuê nhà dựa trên đại dịch Covid-19 thì quyền chấm dứt hợp đồng của chủ nhà mới bị loại trừ. Tuy nhiên, quyền chấm dứt hợp đồng của chủ nhà vẫn có hiệu lực nếu việc không trả tiền thuê nhà là do các lý do khác, chẳng hạn như không muốn trả tiền hoặc trên cơ sở các khoản nợ thuê đã tích lũy trong thời gian trước đó hoặc sẽ phát sinh từ thời kỳ sau. Các hạn chế về quyền chấm dứt hợp đồng áp dụng cho đến ngày 30.6.2022 (Điều 240, mục 2 đoạn 4). Sau thời hạn này, quyền chấm dứt hợp đồng của chủ nhà sẽ được khôi phục.

Như vậy, Chính phủ Đức đã áp dụng các biện pháp ngăn cản quyền chấm dứt hợp đồng do sự kiện bất khả kháng đối với một loại hợp đồng cụ thể là hợp đồng thuê bất động sản trong một khoảng thời gian dịch Covid-19 tác động mạnh nhất đến nước Đức. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng đại dịch Covid-19 chỉ có thể được coi là một sự kiện bất khả kháng không thể lường trước được đối với các hợp đồng đã được ký kết trước khi nó được biết đến - khoảng cho đến đầu tháng 3.2020. Chắc chắn rằng không ai đã tham gia vào quan hệ hợp đồng từ đầu tháng 3.2020 có thể viện lý do bất khả kháng. Kể từ thời điểm đó, đại dịch đã có thể coi là sự kiện có thể lường trước.

Quỳnh Vũ