Pháp luật chống độc quyền của Mỹ:

Không ngừng hoàn thiện

- Chủ Nhật, 14/03/2021, 07:33 - Chia sẻ
Còn nhớ tháng 12 năm ngoái, hàng chục tiểu bang ở Mỹ đã khởi kiện chống độc quyền lần thứ ba nhằm vào Google, cáo buộc "ông lớn" này lạm dụng lợi thế về tìm kiếm để loại bỏ cạnh tranh. Thực vậy, sự phát triển của internet và những công nghệ đi kèm đang khiến vấn đề cạnh tranh bình đẳng, chống độc quyền trở nên nóng hơn bao giờ hết. Nhận thức rõ về vấn đề đó, các nhà lập pháp Mỹ luôn tìm cách hoàn thiện và cập nhật hệ thống pháp luật liên quan để theo kịp và phù hợp với thời đại mới.

Cốt lõi của pháp luật chống độc quyền

Vụ kiện của những cơ quan thực thi luật chống độc quyền của 38 bang và hạt ở Mỹ nói trên là tương tự nhưng có quy mô lớn hơn vụ kiện của Bộ Tư pháp Mỹ nhằm vào Google đầu năm 2020. Đơn kiện cáo buộc Google đã ký các thỏa thuận nhằm loại trừ các đối thủ, lợi dụng vị thế để phục vụ cho các quảng cáo cũng như kết quả tìm kiếm trực tuyến của mình… 

Thực tế, lịch sử tố tụng của Mỹ từng ghi nhận nhiều vụ kiện chống độc quyền, trong đó vụ kiện tai tiếng nhất là Tập đoàn Standard Oil của vua dầu lửa Rockefeller. Trong thập niên 1880 và 1890, vua dầu mỏ Rockefeller đưa Standard Oil thống trị ngành dầu lửa nhờ vào hiệu quả sản xuất và những chiến lược kinh doanh thông minh. Nhờ việc gần như độc quyền, Standard Oil ngày càng phát triển và dần thâu tóm các đối thủ cạnh tranh, đồng thời mở rộng sang nhiều ngành công nghiệp khác. Tuy nhiên, sự lớn mạnh đó khiến nhiều người lo ngại về khả năng thao túng toàn bộ nền kinh tế quốc gia của Standard Oil. Vì thế, một chiến dịch chống độc quyền bắt đầu hình thành và Standard Oil cuối cùng đã bị “ngã ngựa” bởi Luật chống độc quyền Sherman dưới phán quyết của Tòa án Tối cao Mỹ vào năm 1911, buộc tập đoàn phải chia tách thành 34 công ty nhỏ khác nhau…

Hiện nay, hệ thống pháp luật cạnh tranh của Mỹ bao gồm: Luật chống độc quyền Sherman năm 1890, Luật chống độc quyền Clayton năm 1914, Luật về Ủy ban Thương mại Liên bang (1914), Luật Robinson-Patman (bổ sung Luật Clayton về hành vi bán phá giá hàng hoá trong nước, Luật Wheeler-Lea (bổ sung những hành vi cạnh tranh không lành mạnh), Luật Celler-Kefauver (quy định việc kiểm soát sáp nhập, mua lại). Trong số đó, cốt lõi của pháp luật chống độc quyền của đất nước cờ hoa nằm ở chủ yếu ở 3 luật là Luật Sherman, Luật Ủy ban Thương mại Liên bang và Luật Clayton.

Luật Sherman ngăn chặn “mọi hợp đồng, sự liên kết hoặc âm mưu không hợp lý nhằm hạn chế thương mại” cũng như “sự độc quyền, cố gắng độc quyền hoặc âm mưu hay sự kết hợp để độc quyền”. Những vi phạm có thể phải đối mặt với hậu quả nghiêm trọng vì mức phạt có thể lên đến 100 triệu USD đối với các tập đoàn và 1 triệu USD đối với cá nhân, cũng như án tù lên đến 10 năm.

Trong khi đó, Luật Ủy ban Thương mại Liên bang cấm “các biện pháp cạnh tranh không lành mạnh” và “các hành vi hoặc thực thi không công bằng hay lừa đảo”. Theo Tòa án Tối cao Mỹ, vi phạm Luật Sherman cũng vi phạm Luật Ủy ban Thương mại Liên bang. Mặc dù về mặt kỹ thuật Ủy ban Thương mại Liên bang không thể thực thi Luật Sherman, nhưng nó có thể đưa ra các trường hợp theo Luật Ủy ban Thương mại Liên bang chống lại các vi phạm Luật Sherman. Luật Ủy ban Thương mại Liên bang thành lập ra cơ quan cạnh tranh tại Mỹ. Trước đây, các vụ cạnh tranh ở nước này đều do Cục Chống độc quyền thuộc Bộ Tư pháp thực hiện. Sau khi thành lập Uỷ ban Thương mại Liên bang, cơ quan này giám sát việc thực thi luật cạnh tranh thuộc mảng dân sự và bổ sung thêm các hành vi cạnh tranh không lành mạnh như làm hàng giả, quảng cáo gian dối.

Còn Luật Clayton đề cập đến các thực tiễn cụ thể mà Luật Sherman có thể không giải quyết. Những điều này bao gồm ngăn chặn việc sáp nhập và mua lại có thể “làm giảm đáng kể cạnh tranh hoặc có xu hướng tạo ra độc quyền”, ngăn chặn giá cả, dịch vụ và trợ cấp phân biệt đối xử trong giao dịch giữa các thương gia, yêu cầu các công ty lớn thông báo cho chính phủ về các hoạt động sáp nhập và mua lại, đồng thời cho phép các bên tư nhân có quyền kiện đòi bồi thường thiệt hại gấp ba lần khi họ bị tổn hại do hành vi vi phạm Luật Sherman và Luật Clayton, cũng như cho phép các nạn nhân xin lệnh tòa để cấm vi phạm trong tương lai.

Nguồn: ITN

Tiếp tục sửa đổi

Hiện nay, Quốc hội Mỹ đang xem xét dự luật mới về chống độc quyền. Nếu được thông qua, dự luật Thực thi luật cạnh tranh và chống độc quyền năm 2021 sẽ làm tăng gánh nặng tuân thủ đối với nhiều vụ sáp nhập để chứng tỏ rằng chúng sẽ không tạo ra nguy cơ giảm cạnh tranh. Dự luật cũng sẽ thành lập một văn phòng liên bang mới để thực thi các quy định đó, cũng như tăng các hình phạt dân sự trong các vụ kiện chống độc quyền.

Được biết, dự luật mới do Thượng nghị sĩ Amy Klobuchar giới thiệu hôm 4.2.2021, có tính toàn diện và sâu rộng để có thể nhắm vào ngành công nghệ, từ đó tạo ra thay đổi lớn đối với luật pháp chống độc quyền. Cụ thể, nó sẽ loại bỏ tiền lệ hàng thập kỷ, vốn đã bổ sung định nghĩa cho các tiêu chuẩn vô hình được đặt ra bởi các luật chống độc quyền. Tòa án Tối cao Mỹ từng cho rằng, luật chống độc quyền chỉ nên được áp dụng để bảo vệ người tiêu dùng, chứ không phải để bảo vệ các đối thủ cạnh tranh khỏi các công ty có thể cung cấp cho người tiêu dùng giá thấp hơn hoặc sản phẩm tốt hơn. Thay vào đó, luật chống độc quyền chỉ nên cấm các hoạt động hoặc sự kết hợp có thể gây tổn hại đến cạnh tranh và dẫn đến giá cao hơn, giảm chất lượng hoặc sản lượng.

Mặt khác, dự luật của Thượng nghị sĩ Klobuchar nhấn mạnh, các đối thủ non trẻ hoặc tiềm năng - ngay cả những đối thủ chưa có lợi nhuận hoặc hoạt động thiếu hiệu quả - có thể là một nguồn quan trọng của kỷ luật cạnh tranh. Và mặc dù không đề cập đến Amazon, Apple, Google hay Facebook, nhưng dự luật khẳng định chỉ riêng “sự hiện diện và thực thi quyền lực thị trường... đã làm tăng bất bình đẳng kinh tế”.

Dự luật sẽ viết lại Phần 7 của Luật Clayton (điều chỉnh việc kết hợp kinh doanh) để cấm bất kỳ sự sáp nhập nào tạo ra rủi ro đáng kể của việc làm giảm cạnh tranh, thay vì chỉ những hành động làm giảm đáng kể sự cạnh tranh.

 Nó cũng sửa đổi Luật Clayton để cấm rõ ràng việc sáp nhập tạo ra monopsony - thường được định nghĩa là quyền lực độc quyền đối với phía người mua, chứ không phải là người bán hoặc nhà cung cấp. Bên cạnh đó, dự luật sẽ mở rộng đáng kể các hạn chế theo Mục 2 của Đạo luật Sherman, cấm mua lại hoặc duy trì độc quyền thông qua các phương tiện phản cạnh tranh.

Chưa hết, đề xuất luật của Thượng nghị sĩ còn thêm một điều khoản mới cấm “hành vi loại trừ” của “các công ty thống lĩnh” (được định nghĩa là những công ty có thị phần từ 50% trở lên hoặc sở hữu “sức mạnh thị trường đáng kể”). Ngoài ra, dự luật sẽ tạo ra cho Ủy ban Thương mại Liên bang một “Văn phòng Vận động cạnh tranh” mới, cũng như một “Bộ phận phân tích thị trường” để hoàn thành sứ mệnh đó. Dự luật cũng bao gồm một số biện pháp khác được thiết kế để tăng đòn bẩy trong các vụ kiện công và tư nhằm thực thi các khiếu nại chống độc quyền. Nó sẽ tăng các hình phạt tiền của Luật Sherman và Luật Clayton.

Linh Anh