Pháp luật một số nước về Quản lý rác thải

Israel tăng cường hoạt động thu gom và tái chế rác điện tử

- Chủ Nhật, 01/11/2020, 08:50 - Chia sẻ
Theo báo cáo mới đây của Liên Hợp Quốc, lượng rác thải điện tử toàn cầu đã tăng 20% trong 5 năm qua. Trong khi đó, chưa đến 1/5 lượng rác này được tái chế, hầu hết bị đốt hoặc đổ bỏ, gây nguy hiểm cho sức khỏe con người. Trong bối cảnh đó, Israel đang đặt mục tiêu đẩy mạnh thực thi các quy định về thu gom và tái chế, biến hoạt động trên thành ngành công nghiệp có giá trị.

Thực trạng toàn cầu

Ấn bản thứ ba của Báo cáo "Giám sát chất thải điện tử toàn cầu 2020", dựa trên dữ liệu năm 2019, ước tính lượng rác thải điện tử trên thế giới đạt kỷ lục là 53,6 tấn, tăng 21% trong 5 năm. Các tác giả dự đoán, lượng rác thải điện tử toàn cầu sẽ đạt 74 triệu tấn vào cuối thập kỷ này, gần gấp đôi lượng rác thải trong 16 năm. Đặc biệt, chỉ 17,4% lượng rác trên được “ghi nhận là được thu gom và tái chế chính thức”.

Báo cáo của Liên Hợp Quốc mô tả rác thải điện tử như một “mỏ đô thị” vì tiềm năng khai thác kim loại từ đây lớn hơn từ tự nhiên, nhưng lại gây thiệt hại cho động vật hoang dã và môi trường. Các nguồn tài nguyên chính là đồng, sắt, vàng và cả kim loại hiếm như germanium hay indium. Theo báo cáo, “giá trị nguyên liệu thô trong rác thải điện tử toàn cầu vào năm 2019 tương đương khoảng 57 tỷ USD. Trong đó, giá trị của các nguyên liệu thô được thu hồi một cách lành mạnh với môi trường từ rác thải điện tử trên toàn cầu chỉ đạt 10 tỷ USD. Như vậy, 47 tỷ USD đáng ra có được nhờ tái chế đã bị lãng phí.

Hầu hết các sản phẩm điện tử đều có chất phụ gia độc hại hoặc các chất gây nguy hiểm, và việc không xử lý chúng đúng cách sẽ làm tăng nguy cơ gây ô nhiễm không khí và nguồn nước. Những chất đã được điểm danh là thủy ngân, chì, chất chống cháy có thành phần brom và các hợp chất hóa học có khả năng phá hủy tầng ozone. Nỗi lo về việc rò rỉ các chất này đang gia tăng đặc biệt ở các nước đang phát triển, nơi hoạt động tái chế không chính thức được thực hiện bằng tay, không có bất kỳ trung tâm xử lý chất thải hoặc ô nhiễm nào và đốt tràn lan.

Nguồn: ITN

Hành động của Israel

Hiện nay xử lý rác thải điện tử ở Israel chủ yếu dựa vào Luật Xử lý môi trường đối với thiết bị điện, điện tử và pin, vốn được thông qua năm 2012 và có hiệu lực vào năm 2014. Mục đích của Luật là thiết lập các thủ tục liên quan đến quản lý môi trường đối với các sản phẩm kể trên để tái sử dụng, hạn chế lượng rác thải phát sinh, ngăn chặn hoạt động chôn lấp, cũng như giảm thiểu nhiều mối nguy hiểm về môi trường và sức khỏe liên quan.

Luật Xử lý môi trường đối với thiết bị điện, điện tử và pin áp dụng nguyên tắc trách nhiệm đối với các nhà sản xuất và nhập khẩu thiết bị điện tử, trong đó bao gồm nghĩa vụ bảo đảm sản phẩm sau khi sử dụng hết vòng đời phải được xử lý không ảnh hưởng tới môi trường, cũng như đáp ứng các mục tiêu tái chế do luật đặt ra. Văn bản pháp lý này còn xác định các cơ chế thu gom, vận chuyển và xử lý được ủy quyền, giao việc quản lý toàn bộ quy trình đó cho các Cơ quan Tuân thủ được công nhận (ACB). Những cơ quan này được Bộ Bảo vệ môi trường công nhận theo các điều kiện và yêu cầu cụ thể. Các kênh thu gom chính thức là người bán (khách hàng có thể giao sản phẩm cũ cho người bán tại thời điểm bán hoặc giao hàng), các thành phố trực thuộc địa phương (bố trí thu gom do từng thành phố quy định) và chủ sở hữu rác thải (các doanh nghiệp tích tụ rác thải điện tử chỉ được loại bỏ chúng thông qua ACB). Bất kỳ rác thải nào không được thu gom qua một trong các kênh trên đều không được công nhận hoặc bị coi là “không chính thức”, hay bất hợp pháp.

Thực hiện theo quy định của luật, Israel đang có hai tập đoàn chịu trách nhiệm thu gom và tái chế rác thải là MAI và Ecommunity. Giám đốc điều hành của MAI, Amnon Sharoor cho biết, rác thải điện tử được thu gom sẽ được chuyển đến các nhà máy tái chế ở Israel, và vào cuối quá trình, nguyên liệu thô được chuyển đến các quốc gia khác để sử dụng trong những sản phẩm mới. Ông Sharoor nói: “Nhờ áp dụng luật, một ngành công nghiệp tái chế thành công ở địa phương đã phát triển cùng hàng chục nhà máy mới được mở ra, trong khi các nhà máy tái chế nhựa và nhiều vật liệu khác phải đóng cửa”.

Hàng năm, Israel phát sinh khoảng 130.000 tấn rác thải, nhưng Bộ Bảo vệ môi trường của nước này vẫn rất nỗ lực để thực hiện đúng các quy định của pháp luật. Theo dữ liệu của Bộ, tổng lượng chất thải điện tử được tái chế bởi hai tập đoàn trên trong năm 2015 đã đạt được tiêu tái chế 20% theo luật, tạo tiền đề hoạt động hiệu quả cho các năm tiếp theo. Tuy nhiên, Israel nhận thức được rằng vẫn còn nhiều trở ngại đáng kể trong quá trình thực thi đầy đủ pháp luật. Bởi chỉ có một số chính quyền địa phương vào cuộc khiến cho khả năng thu gom bị hạn chế. Ngoài ra, một lượng lớn rác thải điện tử được chuyển lậu đến các nhà máy không có giấy phép ở Giới tuyến Xanh, nơi hoạt động tái chế bất hợp pháp mang lại những khoản lợi nhuận màu mỡ. Bên cạnh đó, Israel vẫn còn thiếu các quy định rõ ràng về cách xử lý từng loại sản phẩm và từng thành phần của rác thải điện tử, không giống như ở châu Âu.

Hơn nữa, một điều quan trọng không kém đối với hoạt động tái chế rác thải điện tử là quá trình sản xuất các sản phẩm mới cũng có tác động lớn đến môi trường. Thực tế, quá trình khai thác những vật liệu cần thiết để sản xuất các sản phẩm trên gây ra thiệt hại lớn cho tự nhiên. Hoạt động tái chế chỉ cung cấp thay thế một phần nguyên liệu, vì vậy việc khai thác vẫn tiếp tục trên quy mô lớn. Những vướng mắc đó chính là vấn đề mà các nhà hoạch định chính sách và lập pháp Israel đang phải nhanh chóng đi tìm lời giải, bởi không bao lâu nữa ô nhiễm do quá trình sản xuất và thải bỏ thiết bị điện tử sẽ lớn đến mức không thể bù đắp được bằng cách tái chế.

Linh Anh