Quyết định mang tính lịch sử, nhân văn sâu sắc

- Thứ Hai, 08/02/2021, 08:32 - Chia sẻ

Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 được bình chọn là một trong 10 sự kiện nổi bật nhất trong hoạt động của Quốc hội năm 2020. Và hơn thế, CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG DÂN TỘC HÀ NGỌC CHIẾN cho rằng, đây còn là quyết định mang tính lịch sử, có ý nghĩa chính trị xã hội và nhân văn sâu sắc, gửi gắm niềm tin và quyết tâm của Quốc hội trong tạo cơ chế, chính sách để đồng bào các dân tộc thiểu số ngày càng phát triển.

	Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng với đồng bào xã Mỹ Tân, huyện Ngọc Lặc, Thanh Hóa Ảnh: Quang Khánh
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng với đồng bào xã Mỹ Tân, huyện Ngọc Lặc, Thanh Hóa
Ảnh: Quang Khánh

Tích hợp, thực hiện hiệu quả các chính sách dân tộc

- Nghị quyết 120 phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 được Quốc hội thông qua với tỷ lệ đồng thuận tuyệt đối. Với những người làm công tác dân tộc tại Quốc hội, điều này đem lại cảm xúc như thế nào, thưa ông?

- Với việc thông qua Nghị quyết số 120, lần đầu tiên trong lịch sử, Quốc hội đã ban hành một nghị quyết riêng về công tác dân tộc. Có thể nói, đây là quyết định mang ý nghĩa lịch sử trong lĩnh vực dân tộc, là một bước cụ thể hóa nội dung đã được quy định tại Khoản 5, Điều 70, Hiến pháp năm 2013 "Quốc hội quyết định chính sách dân tộc của Nhà nước".

Nghị quyết là cơ sở pháp lý để Nhà nước tăng cường chính sách đầu tư cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi, tạo điều kiện để đồng bào các dân tộc phát huy hơn nữa tiềm năng, lợi thế, nỗ lực vượt khó, vươn lên phát triển cùng đất nước. Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 (Chương trình) có ý nghĩa hết sức quan trọng, quyết định việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu đã được Quốc hội quyết định tại Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18.11.2019 về phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; phát huy kết quả, khắc phục hạn chế, bất cập trong công tác dân tộc và chính sách dân tộc hiện nay.

Việc Quốc hội thông qua Chương trình với tỷ lệ đồng thuận đạt 100% không chỉ thể hiện niềm tin, sự kỳ vọng của các đại biểu Quốc hội mà còn cho thấy quyết tâm rất cao trong việc triển khai thực hiện Chương trình để đem lại những kết quả toàn diện đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Cụ thể là, khai thác tiềm năng, lợi thế của các địa phương trong vùng, đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội. Giảm nghèo bền vững, thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi so với bình quân chung của cả nước; quy hoạch, sắp xếp ổn định dân cư, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, liên vùng, kết nối với các vùng phát triển. Phát triển toàn diện giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa. Cải thiện rõ rệt đời sống của Nhân dân. Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động là người dân tộc thiểu số; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc thiểu số đi đôi với xóa bỏ phong tục tập quán lạc hậu. Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em. Đầu tư phát triển nhóm dân tộc thiểu số rất ít người và nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn; xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo đảm an ninh biên giới quốc gia. Củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc, nâng cao niềm tin của đồng bào các dân tộc đối với Đảng và Nhà nước.

	Ảnh: Quang Khánh
Ảnh: Quang Khánh

- 2021 là năm đầu tiên triển khai giai đoạn 1 (2021 - 2025) Chương trình. Theo ông, cần có những lưu ý nào để Nghị quyết đi nhanh vào đời sống và phát huy hiệu quả cao nhất?

- Chương trình có tính đặc thù, không đơn thuần là thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội mà còn tích hợp, thực hiện hiệu quả các chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước. Do vậy, để Nghị quyết của Quốc hội thực sự đi vào đời sống, trong quá trình tổ chức thực hiện phải quan tâm và lưu ý đến một số nội dung. Thứ nhất, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và bền vững, tập trung cho các xã, thôn, bản khó khăn nhất, giải quyết các vấn đề bức xúc, cấp bách nhất; ưu tiên hỗ trợ hộ nghèo, các nhóm dân tộc thiểu số khó khăn nhất. Thứ hai, bảo đảm công khai, dân chủ, phát huy quyền làm chủ và sự tham gia tích cực, chủ động của cộng đồng và người dân; phát huy tinh thần nỗ lực vươn lên của đồng bào dân tộc thiểu số. 

Thứ ba, phân quyền, phân cấp cho địa phương trong xây dựng, tổ chức thực hiện Chương trình phù hợp với điều kiện, đặc điểm, tiềm năng, thế mạnh, bản sắc văn hóa, phong tục tập quán tốt đẹp của các dân tộc, các vùng miền gắn với củng cố quốc phòng, an ninh. Thứ tư, đa dạng hóa nguồn lực, trong đó ngân sách nhà nước là quan trọng và có ý nghĩa quyết định, ưu tiên phân bổ vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) trong thực hiện Chương trình; huy động, khuyến khích sự tham gia, đóng góp của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân. Thứ năm, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện Chương trình ở các cấp, các ngành. Phòng, chống các biểu hiện tiêu cực trong quá trình thực hiện Chương trình.

Ngay sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết 120, với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, đặc biệt là sự quan tâm của lãnh đạo Quốc hội; Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội đã phối hợp với Ủy ban Dân tộc của Chính phủ và các bộ, ngành tổ chức các hội thảo triển khai thực hiện Nghị quyết theo từng vùng miền (miền núi phía Bắc, Tây Nguyên và duyên hải Miền Trung, các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh). Dưới sự chỉ đạo và trực tiếp chủ trì của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, các hội thảo này đã được tổ chức thành công, có tác động lan tỏa tích cực và sâu rộng trong Nhân dân, đặc biệt là đối với các tỉnh vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Tạo điều kiện để các dân tộc thiểu số phát huy nội lực

- Một dấu ấn khác có ý nghĩa quan trọng đối với lĩnh vực dân tộc là Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, trong đó có quy định trách nhiệm của Hội đồng Dân tộc trong thẩm tra việc bảo đảm chính sách dân tộc trong dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết. Điều này, theo ông, sẽ tác động như thế nào đến hoạt động của Hội đồng Dân tộc thời gian tới?

- Với quy định mới tại Điều 68a, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì Hội đồng Dân tộc không chỉ có trách nhiệm thẩm tra các dự án luật, dự án pháp lệnh, dự thảo nghị quyết về chính sách dân tộc, mà còn phải tham gia thẩm tra các nội dung quy định có liên quan đến dân tộc thiểu số, vùng dân tộc thiểu số, miền núi trong các dự án, dự thảo do các Ủy ban của Quốc hội chủ trì thẩm tra. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng, giúp Hội đồng Dân tộc thực hiện, phát huy tốt hơn nữa vai trò, nhiệm vụ của mình.

Tới đây, các Báo cáo thẩm tra của Hội đồng Dân tộc về dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết có liên quan đến vấn đề dân tộc cũng phải bám sát quan điểm của Hiến pháp năm 2013: Các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; Nhà nước thực hiện chính sách phát triển toàn diện và tạo điều kiện để các dân tộc thiểu số phát huy nội lực, cùng phát triển với đất nước.

- Để thực hiện tốt quy định mới của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Hội đồng Dân tộc có sự chuẩn bị như thế nào, thưa Chủ tịch?

- Để thực hiện tốt nhiệm vụ, quyền hạn của mình trong thời gian tới, Hội đồng Dân tộc sẽ chủ động triển khai các nội dung cụ thể. Chúng tôi sẽ nghiên cứu, xây dựng và ban hành “Quy trình thẩm tra, tham gia thẩm tra việc đảm bảo chính sách dân tộc trong các dự án luật, pháp lệnh và dự thảo nghị quyết” của Hội đồng Dân tộc để tổ chức thực hiện. Kiến nghị Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sớm có văn bản hướng dẫn cụ thể quy định về nguyên tắc lồng ghép vấn đề dân tộc trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; quy trình lồng ghép trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và trách nhiệm của cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan thẩm định, cơ quan thẩm tra trong việc bảo đảm chính sách dân tộc tại quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. 

Hội đồng Dân tộc cũng phải tăng cường hơn nữa vai trò, trách nhiệm trong việc rà soát, nhận diện, đánh giá các vấn đề dân tộc trong dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết nếu các dự án đó có quy định liên quan đến vấn đề dân tộc; nâng cao chất lượng báo cáo thẩm tra đối với các dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết liên quan đến vấn đề dân tộc trên cơ sở bám sát các nội dung theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi, bổ sung năm 2020), trong đó đặc biệt chú ý đến việc bảo đảm tính khả thi, tính thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật. 

Cùng với đó, cần nâng cao chất lượng và kỹ năng thẩm tra cho đại biểu Quốc hội là thành viên Hội đồng Dân tộc. Trong quá trình thẩm tra các dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết liên quan đến vấn đề dân tộc, cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Quốc hội, tranh thủ ý kiến các chuyên gia, các nhà khoa học có kiến thức kinh nghiệm, hiểu biết sâu sắc về lĩnh vực dân tộc.

- Xin cảm ơn ông!

Hoàng Ngọc