Cuộc gọi rác, tin nhắn rác bùng phát trở lại:

Quy trách nhiệm nhà mạng

- Thứ Ba, 13/04/2021, 08:45 - Chia sẻ
Sau khi Nghị định 91/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1.10.2020, tình trạng tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác đã lắng xuống một thời gian ngắn, nhưng đến nay bùng phát trở lại. Các chuyên gia nhận định, nhà mạng hoàn toàn có thể khắc phục được tình trạng này, vấn đề là họ có muốn làm quyết liệt hay không.

Bùng phát trở lại

Với công việc bán quần áo online nên buộc phải bắt máy bất kỳ số điện thoại nào, chị Phạm Thị Hương (quận Long Biên, Hà Nội) cho biết, chị vui mừng khi khoảng từ tháng 11.2020 - 2.2021 ít nhận được cuộc gọi quảng cáo như trước. Có những tuần không nhận được cuộc gọi hay tin nhắn quảng cáo nào. Nhưng khoảng 2 tháng trở lại đây lại xuất hiện các cuộc gọi chào mời tư vấn đầu tư bất động sản, chứng khoán, ngoại hối... Không nghe sợ mất mối hàng nhưng nghe lại thấy bực, chị Hương phải dùng tính năng chặn cuộc gọi sau mỗi lần bị làm phiền song cũng không hiệu quả vì “chặn số này lại có số khác gọi đến”.

Anh Phạm Như Hồng (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) chia sẻ, tháng 8.2020, anh mua một căn hộ chung cư, trước đó anh tham khảo thông tin giá nhà đất ở một số nơi. Sau đợt đó, hàng ngày anh nhận được rất nhiều cuộc gọi điện quảng cáo về căn hộ, bất động sản... Tình trạng cuộc gọi rác này đã lắng cách đây 3 - 4 tháng, nhưng “tôi nhận được cả chục tin nhắn và cuộc gọi quảng cáo khuyến mãi nhà đất trong tuần vừa rồi”, anh Hồng thông tin.

“Những cuộc gọi rác dù đã đỡ hơn trước nhưng tôi vẫn bị quấy rầy lúc đang làm việc, giờ họp, thậm chí lúc đang nghỉ trưa...”, bà Nguyễn Thị Huệ (huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng) cho hay. Các tin nhắn quảng cáo và cuộc gọi với đủ loại thông tin, từ nhà đất, dịch vụ y tế, taxi sân bay, thẩm mỹ... Thậm chí, các đối tượng còn dùng công nghệ số để giả danh số điện thoại của bưu điện để gọi điện lừa đảo. Chị Huệ thắc mắc, không hiểu sao tình trạng này mãi không có giải pháp hiệu quả, chỉ lắng xuống một thời gian rồi lại tái diễn. 

Chuyên gia digital marketing Nguyễn Duy Vĩ cho rằng, tình trạng tin nhắn rác, cuộc gọi rác chỉ hạn chế được một thời gian ngắn đến nay lại diễn ra là do khâu quản lý thông tin khách hàng của các nhà mạng đang lỏng lẻo. Mặt khác, nhiều doanh nghiệp và cá nhân cung cấp dịch vụ nội dung số không ngừng thu thập thông tin khách hàng, mua bán dữ liệu khách hàng. Ngoài ra, quy định của luật cũng như công tác quản lý của Nhà nước vẫn còn nhiều bất cập. Chúng ta đã có những quy định về xử phạt đối với hành vi này nhưng việc thực thi chưa tốt.

Nguồn: ITN

Tránh “đánh trống bỏ dùi"

Theo PGS.TS. Hoàng Hữu Hạnh, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, nhà mạng có thể khắc phục được tình trạng SIM rác, cuộc gọi rác, vấn đề là họ có muốn siết chặt hay không mà thôi. Bởi nhà mạng nắm tất cả thông tin cũng như tình trạng hoạt động của SIM. Vì vậy, vấn đề đặt ra là quản lý dữ liệu người dùng SIM ra sao, tức là quản lý định danh (ID) người dùng SIM.

Theo ông Hạnh, về mặt kinh doanh, nhà mạng mong muốn bán được càng nhiều SIM càng tốt để mở rộng thị trường. Nhưng bán SIM có kích hoạt trước bằng ID người dùng ra sao thì cần quy trình giám sát chặt chẽ, có áp dụng các chế tài một cách triệt để. Nếu nhà mạng vẫn cho kích hoạt trước một khoảng thời gian nhất định mà không buộc phải đăng ký thì SIM rác vẫn tồn tại. “Không cho kích hoạt trước sẽ không tạo ra SIM rác, từ đó sẽ không xuất hiện nhiều cuộc gọi rác, tin nhắn rác”, ông Hạnh nhấn mạnh.

Hiện, nhiều cá nhân, tổ chức bán hàng vẫn thu thập thông tin của khách hàng, trong đó có số điện thoại. Khi đó, bất kể cá nhân hay tổ chức nào phát tán các thông tin này thì nhà mạng di động luôn là đối tượng được hưởng lợi. Vì vậy, để ngăn chặn tốt hơn vấn nạn này, Luật sư Vũ Quang Đức (Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh) cho rằng, cần truy trách nhiệm nhà mạng một cách quyết liệt. Chẳng hạn như, nếu có tin nhắn rác hay cuộc gọi rác xuất hiện mà không tìm được đối tượng phát tán, cơ quan chức năng vẫn có thể phạt trách nhiệm các nhà mạng. “Các quy định với nhà mạng có nhiều nhưng từ trước tới nay cơ quan chức năng vẫn chưa hành động quyết liệt”, ông Đức bình luận.

Cùng quan điểm, Giám đốc Trung tâm Đào tạo an ninh mạng Athena Võ Đỗ Thắng nhấn mạnh, cuộc gọi rác, tin nhắn rác bùng phát trở lại cho thấy công tác quản lý của các nhà mạng vẫn chưa chặt. Do đó, phải làm quyết liệt và liên tục chứ không chỉ thực hiện theo đợt, theo chiến dịch. Khi nào Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo quyết liệt thì nhà mạng mới làm mạnh, nếu không  sẽ khó giải quyết triệt để tình trạng cuộc gọi rác.  

Theo các chuyên gia, Nghị định 91/2020/NĐ-CP về chống tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác có hiệu lực từ ngày 1.10.2020 quy định chế tài rất rõ ràng. Tuy nhiên, việc xử lý không rốt ráo, mạnh tay khiến tình trạng này vẫn tái diễn. Do vậy, thời gian tới, bên cạnh việc xây dựng đầy đủ điều kiện cơ sở vật chất, kỹ thuật và công nghệ để đáp ứng yêu cầu giám sát và kiểm tra, xử lý, các bộ, ngành cần làm đến nơi đến chốn, tránh “đánh trống bỏ dùi”, mới mong chấm dứt nạn tin nhắc rác, cuộc gọi rác như hiện nay.

Tuệ Anh