Quy hoạch tích hợp và hành động chung

- Thứ Năm, 03/12/2020, 08:44 - Chia sẻ
Tọa đàm “Quản lý tích hợp – thách thức đối với phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long” do Báo Đại biểu Nhân dân vừa tổ chức, nhiều chuyên gia cho rằng, yêu cầu đặt ra cho quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) trong bối cảnh biến đổi khí hậu là phải quy hoạch vùng tích hợp; xây chương trình hành động chung để quản lý tích hợp cho vùng, hướng đến phát triển kinh tế - xã hội - môi trường bền vững, phù hợp với đặc thù của vùng và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Mâu thuẫn, thiếu đồng bộ gây lãng phí

ĐBSCL là trung tâm sản xuất nông nghiệp lớn nhất nước ta, đóng vai trò đặc biệt quan trọng đảm bảo an ninh lương thực của Việt Nam và thế giới. Hàng năm, ĐBSCL sản xuất 50% sản lượng lúa, 65% sản lượng nuôi trồng thủy sản và 70% các loại trái cây; 95% lượng gạo xuất khẩu và 60% sản lượng cá xuất khẩu của cả nước. ĐBSCL cũng có hơn 2.500 quy hoạch, trong đó có 22 quy hoạch cấp vùng.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc quy hoạch, theo PGS. TS. Bùi Thị An, Viện trưởng Viện Tài nguyên và Môi trường, quy hoạch không chỉ cho hôm nay mà còn cho mai sau; không chỉ cho quản lý lĩnh vực nông nghiệp mà còn cho tất cả các lĩnh vực, bởi muốn phát triển bền vững bao giờ cũng phải bắt đầu từ quy hoạch. Trong suốt cả quá trình phát triển ĐBSCL, có thể thấy được thực trạng quy hoạch thiếu đồng bộ gây ra lãng phí trên nhiều lĩnh vực.

Đồng tình với quan điểm trên, Giám đốc Viện Nghiên cứu thị trường và thể chế nông nghiệp Đặng Kim Sơn đánh giá, thời gian qua ĐBSCL có nhiều quy hoạch không gắn với nguồn lực và đặc thù của vùng, dẫn đến những chồng chéo, thiếu liên kết và không đồng bộ. Ví dụ như trước đây, để ứng phó với lũ, Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên đã xây đê bao. Trong khi đó, những vùng như Cà Mau, Bến Tre, Tiền Giang mặn vốn từ trong đất lại được chủ trương ngọt hóa. Hay tình trạng trên cùng một dòng sông, bên này quy hoạch trồng lúa cần nước ngọt, bên kia quy hoạch nuôi tôm cần nước mặn. Những điều này thể hiện sự quy hoạch mâu thuẫn, thậm chí là ảnh hưởng, triệt tiêu lẫn nhau.

Lý giải nguyên nhân, theo ông Sơn, trong phát triển chúng ta còn mang nặng tư duy duy ý chí, chủ quan, “vắt đất ra nước”, “thay trời làm mưa”… sẵn sàng thay đổi hiện trạng cảnh quan để thực hiện mục đích của mình. Điều này xuất phát điểm từ khi nước ta thực hiện kinh tế quy hoạch theo nguyên tắc phân bổ lực lượng sản xuất, toàn bộ tài nguyên đều do Nhà nước điều phối. Ngoài ra còn có một thực tế, thời điểm đó chúng ta tiến hành rất nhiều quy hoạch của các Bộ, ngành và các địa phương riêng biệt nhau, nên sự đồng bộ còn rất hạn chế.

Cách tiếp cận thích hợp

Ngày 31.7.2020, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 1163/QĐ-TTg phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch Vùng ĐBSCL thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 nhằm xác định phương hướng phát triển, sắp xếp không gian và phân bổ nguồn lực cho các hoạt động kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường có tính liên ngành, liên vùng và liên tỉnh trên cơ sở phát huy tiềm năng, thế mạnh của Vùng. Từ đó, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực nhằm phát triển Vùng ĐBSCL đến năm 2050 trở thành vùng có trình độ phát triển khá so với cả nước theo yêu cầu đề ra tại Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Trương Minh Hoàng cho rằng, việc quy hoạch ĐBSCL cần tập trung vào 6 nội dung cốt lõi. Thứ nhất, cần phải bảo đảm tính thống nhất và đồng bộ giữa quy hoạch phát triển kinh tế bảo đảm với quản lý ngành và lãnh thổ, đặc biệt là đối với khu vực ĐBSCL cần phải được tính toán và bám sát.

Thứ hai, ĐBSCL thuộc khu vực với vị trí địa lý rất đặc thù. Đây là khu vực vừa có biên giới biển, vừa có biên giới đất liền. Chính vì vậy, trong quá trình thực hiện quy hoạch bảo đảm phát triển kinh tế cần tính toán đến các yếu tố bảo đảm quốc phòng an ninh. Điều này có nghĩa là trong quá trình phát triển kinh tế cần đầu tư tương xứng. 

Thứ ba, bảo đảm sự kế thừa liên tục và ổn định thứ bậc trong quy hoạch. Theo đó, quy hoạch phải phù hợp với quy hoạch cấp quốc gia, trên cơ sở quy hoạch cấp quốc gia thì thực hiện quy hoạch vùng, trên cơ sở yếu tố quy hoạch vùng tính đến quy hoạch địa phương của mình để đáp ứng yêu cầu quy hoạch chung.

Thứ tư, bảo đảm sự đặc thù riêng của ĐBSCL. Trước đây Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã kết hợp với các bộ, ngành Trung ương cũng tính đến quy hoạch của các tiểu vùng. Trên cơ sở đó tính toán cho từng tiểu vùng để phát triển kinh tế sao cho phù hợp, liên kết giữa các tỉnh, của nhóm các tỉnh, của các khu vực sông, ví dụ sông Hậu, sông Tiền, khu vực Đồng Tháp, bán đảo Cà Mau… tính đến yếu tố liên kết vùng đặc thù riêng với từng loại sản phẩm, từng ngành nghề.

Thứ năm, bảo đảm sự tham gia của Nhân dân trong quá trình thực hiện lập quy hoạch và giám sát việc lập quy hoạch này. Cần thực hiện những yếu tố này để giảm bớt rủi ro của các dòng sản phẩm, cũng như thực hiện phá vỡ quy hoạch. Như vậy, nhân dân vừa là chủ thể giám sát, vừa là đối tượng tham gia. Như chúng ta đã biết ĐBSCL thì yếu tố làm nghề nông là rất lớn và hầu hết bà con cũng xuất phát từ nông nghiệp là chính. Mặt khác, phải bảo đảm tuân thủ quan điểm và đường lối của Đảng và điều hành của Chính phủ, có như vậy thì mới bảo đảm thực hiện thắng lợi theo yêu cầu quy hoạch.

PGS.TS. Bùi Thị An bổ sung, cách tiếp cận tích hợp và tôn trọng quy luật tự nhiên là hai điểm đột phá cho mô hình phát triển ĐBSCL. Đất nước ta đang cần phát triển ba trụ cột kinh tế, môi trường và xã hội; tuy nhiên, vẫn phải dựa trên nền tôn trọng quy luật tự nhiên, tận dụng lợi thế, đặc thù. Đấy là con đường duy nhất đúng đắn, chỉ có như vậy mới có thể phát triển được. Muốn công nghiệp hoá, công nghệ cao thì không được manh mún trong cả trồng trọt, chăn nuôi và chế biến.

Thảo Anh