Quy hoạch sông Hồng không thể chậm trễ

- Chủ Nhật, 14/03/2021, 07:06 - Chia sẻ
Thường vụ Thành ủy Hà Nội mới đây cho ý kiến về chủ trương hoàn thiện Đồ án quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, tỷ lệ 1/5.000. Đây không chỉ là niềm vui của riêng người dân Hà Nội mà còn là niềm vui chung của người dân cả nước với mong muốn việc Quy hoạch sông Hồng sẽ mang lại diện mạo mới cho “trái tim” của cả nước về một đô thị xanh và bảo tồn được các di sản văn hóa, di tích lịch sử.

Đồ án được nghiên cứu trên không gian đoạn sông Hồng dài khoảng 40km từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở, bao phủ diện tích 11.000ha; thuộc 55 phường, xã và 13 quận, huyện. Đồ án nhằm hình thành trục không gian văn hóa - cảnh quan sinh thái Hồ Tây - Cổ Loa; cải tạo, chỉnh trang, tái thiết hệ thống dân cư hiện hữu, bảo tồn các công trình di tích, kiến trúc có giá trị lịch sử, kết hợp khai thác quỹ đất phát triển mới tạo lập diện mạo đô thị hai bên sông Hồng.

Theo nhìn nhận của Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội Lưu Quang Huy, nếu như trước đây, nhiều người cho rằng, “Hà Nội quay lưng vào sông Hồng”, nhưng với quy hoạch này thì “Hà Nội sẽ quay mặt vào sông Hồng để phát triển".

Quy hoạch sông Hồng không phải đến nay mới được nói đến. Từ năm 1954 đến nay, có 7 lần quy hoạch chung Thủ đô đã được ban hành; mỗi lần đều đề cập quy hoạch không gian sông Hồng. Năm 2012, trên cơ sở Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô (Quyết định số 1259/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ), thành phố Hà Nội đã phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng. Từ đó đến nay, có khoảng 20 đề án, dự án quy hoạch liên quan đến sông Hồng của các nhà đầu tư trong nước và ngoài nước. Trong đó, năm 2006, dự án thành phố hai bên sông được lãnh đạo Hà Nội và thị trưởng Seoul ký thỏa thuận hợp tác quy hoạch. Sau nhiều lần hội thảo, lấy ý kiến các chuyên gia dự án cũng không đi đến đích. Sau rất nhiều dự án nghiên cứu tương tự, Hà Nội vẫn chưa có được quy hoạch sông Hồng.

Trong nhiều hội nghị, cử tri Hà Nội đã từng nêu tâm tư, nguyện vọng về cần sớm có quy hoạch hai bên sông Hồng để khai thác tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô. Còn trên diễn đàn Quốc hội Khóa XIII, khi cho ý kiến vào dự thảo Luật Thủ đô, khi đó đại biểu Quốc hội Lê Nam (Thanh Hóa) đã rất trăn trở: bởi theo ông, sông Hồng hình thành nên kẻ chợ - nơi giao thương quần tụ, hồ Gươm, hồ Tây, phố cổ và tạo nên cốt cách người Hà Nội. Nhưng trong dự thảo Luật Thủ đô lại không thấy nhắc đến sông Hồng. Sông Hồng chảy qua Hà Nội không chỉ là một con sông với những bờ đê mà nó đã là một sinh thể riêng có của Thăng Long - Hà Nội hàng nghìn năm qua và càng trở nên quan trọng đối với sự phát triển của Thủ đô trong tương lai. Những lời tâm huyết của ông - dù không phải là người con của Hà Nội, cùng nhiều đại biểu Quốc hội khác nữa đã thuyết phục được Quốc hội đưa quy định về sông Hồng vào Luật Thủ đô. Luật Thủ đô hiện hành đã dành riêng Khoản 1, Điều 10 quy định: không gian, kiến trúc, cảnh quan và xây dựng đô thị phải được quản lý theo đồ án quy hoạch, bảo đảm bảo tồn, tôn tạo, phát huy các hình thái kiến trúc có giá trị văn hóa, lịch sử, tạo lập không gian xanh của Thủ đô, không gian cảnh quan khu vực hai bên sông Hồng.

Tại Hội nghị lấy ý kiến góp ý của Đảng đoàn Quốc hội vào Dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ TP Hà Nội, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, Hà Nội cần khai thác hiệu quả quỹ đất hai bên sông Hồng để cải tạo, chỉnh trang và phát triển thành phố bên sông Hồng.

Không cần bàn thêm về việc có quy hoạch sông Hồng, bởi điều này là rất cần thiết. Đây không chỉ là mong mỏi của người dân Hà Nội, mà còn là yêu cầu về phát triển Thủ đô trong tương lai. Hiện nay, không gian phát triển của Hà Nội rất rộng, nên quy hoạch định hướng đô thị sông Hồng là trục vành đai xanh, nhấn mạnh văn hóa đặc sắc của sông Hồng, tạo không gian hài hòa để phát triển cho cả hai bên dòng sông. Hà Nội xác định thoát lũ, tuân theo nguyên tắc thuận thiên vẫn là nhiệm vụ ưu tiên số một khi xây dựng đồ án này.

Như vậy, sau gần 8 năm Luật Thủ đô có hiệu lực (Luật này có hiệu lực từ ngày 1.7.2013), cho đến nay hình hài về một Đồ án quy hoạch sông Hồng đang dần rõ nét và có yếu tố khả thi. Có thể “độ trễ” hơi dài, nhưng đây là khu vực dành cho thoát lũ ngoài đê sông Hồng, có quy mô, tính chất phức tạp với nhiều yếu tố đan xen nên sự tính toán cẩn trọng, thấu đáo là cần thiết. Điều quan trọng lúc này là cần tập hợp sức mạnh của các chuyên gia, nhà nghiên cứu và bộ, ngành liên quan khi xây dựng Đồ án quy hoạch này để bảo đảm tính khả thi và sớm được triển khai trên thực tế.  

Hà An