Quy hoạch hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050

- Thứ Tư, 03/03/2021, 19:50 - Chia sẻ
Sáng 3.3, Liên hiệp hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam đã phối hợp với Bộ Giao thông – Vận tải tổ chức Hội thảo góp ý Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Chủ tịch Liên hiệp hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam Phan Xuân Dũng chủ trì hội thảo.
	Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Chủ tịch Liên hiệp hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam Phan Xuân Dũng phát biểu tại hội thảo
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Chủ tịch Liên hiệp hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam Phan Xuân Dũng phát biểu tại hội thảo

Tham dự, có đại diện lãnh đạo Bộ Giao thông – Vận tải, đại diện các Hội Cầu đường Việt Nam, Tổng hội xây dựng Việt Nam, Hội Kinh tế môi trường, các chuyên gia độc lập...

Theo đại diện Bộ Giao thông – Vận tải, Báo cáo Quy hoạch tổng thể phát triển cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được xây dựng dựa trên quan điểm bảo đảm phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch của quốc gia, của ngành; tập trung đầu tư các cảng hàng không, sân bay đóng vai trò cửa ngõ, trung chuyển đặc biệt tại khu vực vùng Thủ đô, vùng Thành phố Hồ Chí Minh, cùng một số cảng hàng không tại trung tâm kinh tế, chính trị, du lịch, văn hóa lớn của đất nước; ngân sách Nhà nước đóng vai trò chủ đạo trong việc đầu tư khu bay, kêu gọi xã hội hóa với các hạng mục khác cùng các dự án cảng hàng không, sân bay xây dựng mới. Tuy nhiên, sân bay chuyên dùng không thuộc phạm vi quy hoạch này và được hoạch định tại quy hoạch từng tỉnh với sự thống nhất của Bộ Quốc phòng.

	Các đại biểu nghe trình bày Quy hoạch tổng thể phát triển cảng hàng không, sân bay toàn quốc
Các đại biểu nghe trình bày Quy hoạch tổng thể phát triển cảng hàng không, sân bay toàn quốc

Quy hoạch tổng thể phát triển cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ đầu tư mới, mở rộng, nâng cấp và khai thác hệ thống 26 cảng hàng không đáp ứng nhu cầu vận tải, bảo đảm thị phần vận tải hàng không. Trong đó, sẽ tập trung đầu tư nâng năng lực vận chuyển của các cảng hàng không quốc tế cửa ngõ Long Thành giai đoạn 1 và 2 lên 50 triệu hành khách, Nội Bài lên 60 triệu hành khách/năm, Tân Sơn Nhất lên 50 triệu hành khách/năm. Như vậy, so với quy hoạch được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định 236/2018 sẽ giảm 2 cảng hàng không (Nà San, Lai Châu), do được chuyển sang giai đoạn sau năm 2030. Đồng thời, Báo cáo quy hoạch đặt mục tiêu đến năm 2050 sẽ có 30 cảng hàng không, với 15 cảng quốc tế, 15 cảng nội địa, trong đó có 4 cảng hàng không được bổ sung thêm so với giai đoạn trước năm 2030 (Nà San, Lai Châu, Cao Bằng và quy hoạch cảng hàng không thứ hai cho Vùng Thủ đô Hà Nội).

Các đại biểu đánh giá cao sự công phu của đơn vị xây dựng Báo cáo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc được Bộ Giao thông – Vận tải lấy ý kiến, khi có trên 1.000 trang tài liệu, hai bản vẽ chi tiết, báo cáo đánh giá tác động môi trường. Tuy nhiên, một số ý kiến lưu ý, tại Báo cáo chưa đưa ra danh mục các tiêu chuẩn áp dụng cho quá trình xây dựng quy hoạch; chưa nêu rõ nguồn của một số luận cứ kinh tế, kỹ thuật; chưa đưa ra quy hoạch quy mô sân đỗ máy bay, nhà ga hành khách, hàng hóa cụ thể của từng cảng hàng không theo đúng quy định tại đề cương xây dựng quy hoạch… Ngoài ra, một số ý kiến lưu ý, Báo cáo Quy hoạch tổng thể phát triển cảng hàng không, sân bay toàn quốc lần này được xây dựng đồng thời với 4 quy hoạch khác trong ngành giao thông – vận tải, tạo điều kiện xác định sự kết nối giữa các phương thức vận tải, giải quyết điểm nghẽn giao thông. Tuy nhiên, Báo cáo lại chưa thể hiện rõ sự kết nối, nguy cơ cạnh tranh từ một số phương thức vận tải khác, do đó, một số mục tiêu, lựa chọn vị trí đặt cảng hàng không, sân bay được đưa ra chưa thuyết phục.

Phát biểu tại Hội thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Chủ tịch Liên hiệp hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam Phan Xuân Dũng cho rằng, tuy ra đời khá muộn so với các phương tiện giao thông vận tải khác, nhưng hàng không nước ta đã có sự phát triển nhanh chóng, trở thành một phương tiện vận tải quan trọng. Ghi nhận các đóng góp của hàng không Việt Nam, song ông Phan Xuân Dũng cũng lưu ý, để đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước, trên cơ sở những mục tiêu cụ thể được Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng đưa ra sẽ phải xây dựng kết cấu hạ tầng, hệ thống cảng hàng không, sân bay tiệm cận với trình độ hiện đại trên thế giới, phù hợp với điều kiện nước ta, cũng như có tầm nhìn dài hạn, phù hợp với khát vọng trở thành một quốc gia hung cường của dân tộc Việt Nam.

Về các yếu tố cần lưu ý khi xây dựng Quy hoạch tổng thể phát triển cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, ông Phan Xuân Dũng nhấn mạnh những đòi hỏi về việc xác định nhu cầu hành khách, vận tải, quy mô, mạng đường bay khai thác; xác định quy hoạch phát triển với từng cảng hàng không, sân bay, khả năng trung chuyển… Ngoài ra, quy hoạch hàng không không chỉ tính đến hiệu quả kinh tế - xã hội mà cần cân nhắc sự phù hợp giữa hàng không dân dụng và hàng không quân sự, bảo đảm an ninh hàng không, an ninh quốc phòng, ông Phan Xuân Dũng lưu ý.

Lê Bình